Ngọn đèn chánh niệm

Đời sống có quá nhiều bất ngờ. Kiếp người có quá nhiều đau khổ. Những bất ngờ và đau khổ đó khó biết, khó lường, làm con người không thể không cùng nhau nương tựa.

 

Thiện hữu nương tựa nhau, gia đình nương tựa nhau, cộng đồng nương tựa nhau và thầy trò nương tựa nhau – là những nương tựa tất yếu khi một con người còn sống. Nhờ nương tựa, người ta mạnh hơn và tin hơn vào chính mình.

Tuy nhiên, nếu nương tựa đến mức phụ thuộc, nương tựa đến mức quên nương tựa chính mình, nương tựa đó có thể sẽ làm người nương tựa thiếu trách nhiệm, kém ý chí và mất hết tin yêu.

Ngồi yên, suy nghiệm về sự nương tựa, chúng ta thấy phần lớn quên mất nương tựa chính mình. Người ta muốn nương tựa cái gì đó bên ngoài mình hơn. Người ta tìm kiếm sự nương tựa trong tình, tiền, danh, sắc và quyền thế. Cả cuộc đời của một con người, nương tựa hết cái này rồi nương tựa cái khác.

Tâm lý thụ hưởng và ỷ lại cứ đi tìm nương tựa. Cuối cùng, tất cả những tình, tiền, danh, sắc và quyền thế mà người ta đi tìm để nương tựa đều trở về không bên giường bệnh. Bất an, sợ hãi, áp lực và sầu bi vẫn còn đó. Mọi thứ đều trở về chính nó, ngoại trừ nghiệp báo riêng mình mang.

denthien

Đức Phật Gotama – bậc đạo sư Giác ngộ – Ngài rất lưu ý đến việc nương tựa chính mình. Đối với Ngài, không có nương tựa nào có thể nương tựa vững chãi, thiết thực và hướng thượng hơn nương tựa chính mình: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác”.[1]

Chúng ta, những anh chị em có ý thức tự trọng và trách nhiệm, đừng đi tìm sự nương tựa nào đó bên ngoài mình nữa. Nhân chúng ta gieo, quả chúng ta gặt. Ác chúng ta tạo, hoạ chúng ta mang. Nếu anh chị em không soi sáng cuộc đời mình bằng ngọn đèn chánh pháp, nếu anh chị em không dùng chánh pháp (Bát chánh đạo) như ngọn đèn soi sáng hành vi, lời nói và suy nghĩ của mình, bất hạnh không chỉ kiếp này sẽ đến với anh chị em là điều chắc chắn.

Hơn nữa, tất cả những nương tựa bên ngoài chính mình đều hữu hạn, đều chỉ là duyên. Không ai đau bệnh thay mình, dù thương mình. Không ai não phiền thay mình, dù yêu mình. Cảm xúc hạnh phúc hay khổ đau cuối cùng cũng chỉ ở trong một mình mình. Mọi trợ lực đều chỉ dừng lại ở khích lệ, soi sáng và hướng dẫn. Mình phải tự bước tới. Mình phải tự hấp thụ và lớn lên. Không có ai và không có cái gì có thể nương tựa cuối cùng được ngoài chính mình và chánh pháp (Bát chánh đạo).

Ngày mình chết, mọi nương tựa không phải là nương tựa chính mình và chánh pháp đều sụp đổ. Được mất hay khen chê, tình tiền hay quyền thế đều kết thúc lặng lẽ. Mình chỉ còn một mình, đơn độc một mình với ngọn đèn chánh niệm, chánh định, chánh kiến và chánh nghiệp trong tâm.

Nhuận Đạt

—————

[1]Tương Ưng Bộ Kinh V, Chương 3, Phẩm Ambapali, phần Bệnh (Hoà thượng Minh Châu dịch).