Công ơn cha mẹ và phương cách báo hiếu

Trong Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật đã đưa ra một ẩn dụ so sánh rất ấn tượng khi nói về ân đức sinh thành và suối nguồn yêu thương của người mẹ đã dành cho con cái: “Sữa của mẹ mà chúng ta đã thọ nhận so với nước của bốn đại dương, bên nào nhiều hơn?”.

 

Như chúng ta đã biết, hiếu đạo vốn là một đạo lý có từ ngàn đời, nó tồn tại và thăng hoa trong thế giới con người, vì từ muôn ngàn đời nay, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái không những không hề vơi cạn mà còn lung linh dịu ngọt, êm đềm bay bổng theo dòng chảy thời gian để dưỡng nuôi những mầm sống được lớn khôn và trở thành hữu ích trong thế giới con người. Đối với dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến và truyền thống đạo đức lâu đời như dân tộc Việt Nam chúng ta, thì những tấm gương hiếu đạo trong đời sống, qua nhiều thời đại là rất nhiều không thể nào tính đếm nỗi.

Dân tộc ta từ rất lâu xa đã sớm thích nghi và ứng dụng những tư tưởng tích cực về đạo lý làm người của Nho giáo như “Tam cương”, “Ngũ thường”, “Tam tòng”, “Tứ đức” vào đời sống gia đình và xã hội, điều này đã giúp cho nền đạo đức trong đời sống được bảo tồn và phát triển. Riêng đối với tinh thần hiếu đạo, người dân Việt Nam chúng ta cũng rất dễ đồng cảm và nhạy bén trong việc học tập theo những tấm gương hiếu thảo của bất kỳ một dân tộc nào.

Trong đời sống nhân gian, phương cách báo hiếu cũng đã được Khổng Tử đề ra: “Hiếu tử chi sự thân, cư tắc trí kỳ kính, dưỡng tắc trí kỳ lạc, bệnh tắc trí kỳ ưu, tang tắc trí kỳ ai, tế tắc trí kỳ nghiêm”, điều này hàm ý, trong cách ăn ở cư xử phải hết lòng cung kính, lúc nuôi dưỡng cha mẹ phải nhiệt tâm và vui vẻ, lúc cha mẹ đau ốm phải hết lòng lo lắng thuốc thang chữa chạy, khi ma chay thì phải hết lòng thương xót, khi cúng tế tang lễ thì phải trang nghiêm. Có thể nói rằng, người xưa đã rất chú trọng đến tinh thần hiếu đạo, tuy nhiên việc báo hiếu lại thiên về đời sống thế gian, vì vậy mà các đấng sinh thành vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với những gì mà họ đã ban cho thế giới con người.

Trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật đã nêu ra 10 công đức sâu dày của người mẹ như sau:

1. Chín tháng cưu mang khó nhọc.

2. Sợ hãi đau đớn khi sinh.

3. Nuôi con cam đành cực khổ.

4. Nuốt cay, mớm ngọt cho con.

5. Chịu ướt, nhường ráo con nằm.

6. Nhai cơm sú nước cho con.

7. Vui giặt đồ dơ cho con.

8. Thường nhớ khi con xa nhà.

9. Có thể tạo tội vì con.

10. Nhịn đói cho con được no.

Đây là 10 công đức của người mẹ, mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đã thọ nhận, cũng đều phải chịu ơn, thế nhưng có điều là chúng ta ít khi tưởng nhớ đến sự hy sinh lớn lao và thầm lặng của người mẹ, mặc dù trong số chúng ta đã có rất nhiều người trưởng thành và không ít người đang nổi tiếng. Do vậy, khi đọc được những lời vàng ngọc từ kim khẩu đức Phật nói về thâm ân sâu nặng của người mẹ, dường như tất cả chúng ta đều không khỏi chạnh lòng bồi hồi xúc động, đồng thời tâm nguyện mong muốn thể hiện ngay một việc gì đó thật có ý nghĩa đối với hai đấng song thân và đặc biệt là người mẹ.

Trong 10 công đức sâu dày của người mẹ mà đức Phật đã nêu ra trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, ngoài những điều như “Chín tháng cưu mang khó nhọc”, “Sợ hãi đau đớn khi sinh”, “Nuôi con cam đành cực khổ”, “Nuốt cay, mớm ngọt cho con” … thì đặc biệt ở điều thứ chín là “Có thể tạo tội vì con”, chúng ta nhận thấy đức Phật không đơn thuần chỉ nêu ra công ơn của người mẹ như những chi tiết khác, mà ở đó là tâm lượng vị tha quảng đại của “Bồ tát”, là sự hy sinh lớn lao vô cùng, ở đó là tình thương không ngằn mé của người mẹ đã vì sự sống của con mà chấp nhận tạo nên mọi tội lỗi. Chúng tôi nghĩ rằng, điều này dường như chưa thấy ở một tôn giáo nào đề cập đến, chưa có một nền đạo lý nào chú tâm đến. Tạo tội cho mình tức là tạo ác nghiệp cho mình, tức là phải chịu khổ vĩnh kiếp trầm luân mà vẫn vui vẻ thản nhiên chấp nhận, thậm chí còn cảm thấy được hạnh phúc khi tạo tội vì con. Than ôi! Tất cả cũng chỉ vì xuất phát từ tình yêu thương con vô bờ bến mà đấng sinh thành đã dành cho con cái.

 

Trong cách báo hiếu đời thường, thì bổn phận người làm con phải cung phụng cho cha mẹ những nhu cầu vật chất cần thiết trong lúc sinh tiền và lo hậu sự chu đáo khi cha mẹ qua đời.

Trong cách báo hiếu đời thường, thì bổn phận người làm con phải cung phụng cho cha mẹ những nhu cầu vật chất cần thiết trong lúc sinh tiền và lo hậu sự chu đáo khi cha mẹ qua đời.

Đây là vấn đề thực sự trọng yếu mà mỗi một người con Phật chúng ta không thể thờ ơ hay xem nhẹ. Vì điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đời này cho người mẹ mà còn cho đời đời kiếp kiếp về sau, vì thương con mà những quả báo khốn khổ này người mẹ phải gánh chịu toàn bộ. Có thể nói đây là sự hy sinh hết sức vĩ đại, mà mỗi một người con như chúng ta không thể nào đáp đền nổi, nếu như chúng ta không có duyên với Phật pháp, nếu như chúng ta không vâng theo lời Phật dạy.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh, đức Phật đã đưa ra một ẩn dụ so sánh rất ấn tượng khi nói về ân đức sinh thành và suối nguồn yêu thương của người mẹ đã dành cho con cái: “Sữa của mẹ mà chúng ta đã thọ nhận so với nước của bốn đại dương, bên nào nhiều hơn?”.

Chúng ta tiếp tục cùng nhau lắng lòng đón nhận những lời vàng ngọc mà chính đức Từ Phụ nói về công ơn sâu dày của cha mẹ trong Kinh Tăng Nhất A Hàm: “Này các Thầy Tỳ kheo! Trong đời này, nếu có người nào nâng mẹ đặt lên bên vai phải, nâng cha đặt lên bên vai trái, cõng cha mẹ đi xa ngàn dặm, lại phụng dưỡng cha mẹ bằng các loại vật thực quý hiếm, ngon lành, chăn nệm và thuốc thang đầy đủ, dùng hương trầm và dầu thơm xoa bóp thân thể cha mẹ cho bớt mỏi mệt, kéo tay chân cho giãn gân cốt, tắm rửa nước ấm khi trời lạnh, nước mát khi trời nóng, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên đôi vai của mình… thì cũng chưa hẳn là chúng ta đã trả được thâm ân sâu nặng của cha mẹ”. Đức Phật lại dạy rằng: “Các Thầy phải hiểu rằng, ân đức sinh thành của cha mẹ sâu nặng lắm, bồng ẵm dưỡng nuôi, tìm đủ mọi cách để ta khôn lớn trưởng thành… vì thế mà ơn này khó trả. Này các Thầy Tỳ kheo! Có hai việc có thể làm cho hạng người phàm phu được công đức lớn. Đó là phụng dưỡng cha và phụng dưỡng mẹ”.

Còn nữa, bậc làm cha làm mẹ nào cũng mong muốn con mình xinh đẹp, giỏi dang, thông minh sáng suốt, có trí tuệ, có ý chí, nghị lực… nhưng nếu có lỡ sinh ra một đứa con tật nguyền như đui, mù, câm, điếc hay hư đốn, bất hiếu, ngỗ nghịch… thì suối nguồn yêu thương của người mẹ, không do vậy mà suy giảm hay giận ghét ruồng bỏ con cái, mà càng quan tâm nhiều hơn, sự hy sinh càng tăng lên, trong đó có cả sự chịu đựng buồn tủi của một người mẹ kém phần may mắn. Thật vậy, khi gặp những hoàn cảnh trớ trêu mà cuộc đời đã sắp đặt an bài thì bậc cha mẹ nào cũng một tấm lòng yêu thương con mình, dù rằng nỗi bất hạnh đến với mình ra sao đi nữa.

Để báo đền công ơn người mẹ, trong Kinh Thi Ca La Việt (Trường Bộ Kinh), đức Phật đã đề ra năm bổn phận mà người con phải thực hiện để báo hiếu cha mẹ như sau:

1- Cung kính vâng lời cha mẹ.

2- Phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu.

3- Giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình.

4- Bảo quản tài sản do cha mẹ để lại.

5- Lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời.

Như lời Phật dạy thì đây là năm bổn phận mà bất kỳ một người con nào cũng phải thực hiện mới mong báo đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Qua đó, chúng ta nhận thấy sự sâu sắc trong tinh thần hiếu đạo của đạo Phật đã đáp ứng được mong muốn thể hiện sự tri ân của những người con đối với cha mẹ của mình mà trước đó chưa có phương cách nào thể hiện được trọn vẹn.

Trong đời sống hàng ngày, một khi nói về công ơn của người mẹ chúng ta thường hay liên tưởng đến câu ca dao: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Nghĩa mẹ” ở đây chúng ta nên hiểu là “Tình thương của mẹ” mà “Suối nguồn tình thương của mẹ” thì không bao giờ vơi cạn, không bao giờ khô héo… Để tinh thần hiếu đạo trọn vẹn với cội nguồn yêu thương thiêng liêng lai láng ấy, chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có phương cách báo hiếu mà đức Phật chỉ dạy mới có thể đền đáp được thâm ân trong muôn một. Sự sâu sắc và thiết thực của phương cách báo hiếu mà đức Phật đã chỉ dạy là giúp cho chúng ta không những chu toàn trong việc phụng dưỡng các bậc cha mẹ khi còn sống mà còn rốt ráo đối với tâm linh người quá vãng.

Trong kinh “Tăng Nhất A Hàm”, đức Phật đã chỉ dạy chúng ta bốn cách báo ân cha mẹ như sau:

1- Nếu cha mẹ chưa có đức tin Tam bảo thì chúng ta phải có bổn phận khuyến khích, hướng dẫn, tạo duyên để cha mẹ tin sâu Tam bảo.

2 – Nếu cha mẹ có tâm bỏn xẻn hay tham đắm luyến tiếc của cải vật chất thì chúng ta phải có trách nhiệm khuyên cha mẹ mở lòng hỷ xả với mọi người xung quanh, khuyên cha mẹ bố thí cho những ngươi có hoàn cảnh ngặt nghèo, bất hạnh. Nhất là khuyên cha mẹ thành tâm cúng dường Tam bảo để loại trừ tâm bỏn xẻn và gieo duyên với Phật pháp.

3 – Nếu cha mẹ làm ác thì chúng ta phải có trách nhiệm khuyên cha mẹ làm lành lánh dữ, hướng dẫn cha mẹ quay về nẻo thiện.

4 – Nếu cha mẹ lỡ gieo phải tà kiến, lỡ theo tà đạo thì chúng ta phải có trách nhiệm khuyên cha mẹ tìm đọc giáo lý, học hỏi Phật pháp, quan trọng hơn chúng ta phải có trách nhiệm hướng dẫn cha mẹ trở về con đường chánh đạo.

Trong trường hợp chúng ta không đủ năng lực giúp cha mẹ mình phát bồ đề tâm, thì chúng ta nên nhờ đến những bậc tôn túc, trưởng lão thuyết pháp, giảng dạy cho cha mẹ hiểu rõ sự lợi ích của sự phát tâm bồ đề, thực hành các thiện pháp, vì đây là hành trình tiến hóa tâm linh rất quan trọng của một đời người.

Trong Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật đã dạy những người con Phật có tấm lòng hiếu đạo thì nên thực hiện 6 bổn phận đối với cha mẹ như sau:

1. Giữ gìn Tam quy, ngũ giới.

2. Siêng năng học tập giáo lý và thọ trì đọc tụng kinh điển.

3. Thường xuyên lễ Phật sám hối.

4. Năng cúng dường Tam bảo.

5. Bố thí và thực hiện các pháp lành, hồi hướng công đức cho cha mẹ.

6. Mùa Vu lan, thành tâm cúng dường chư Tăng trong ngày Tự tứ.

Có thể nói, đây là những phương cách báo hiếu mang đậm dấu ấn giác ngộ chân lý của đạo Phật và cũng là những biểu hiện sự sâu sắc rốt ráo về việc lo lắng về đời sống tâm linh của cha mẹ, có nghĩa là báo hiếu cha mẹ trong muôn kiếp về sau chớ không giới hạn trong đời sống hiện tại.

Trong Kinh Hiếu Tử và Kinh Tăng Chi Bộ, đức Phật đã dạy: “Một người con muốn báo hiếu, muốn đền đáp ơn sâu của cha mẹ, điều duy nhất là hướng cha mẹ mình đừng gieo tạo nghiệp ác”. Do đó, đối với những Phật tử tại gia, đến mùa báo hiếu Vu lan, chúng ta thường noi gương tấm lòng hiếu đạo của Tôn giả Mục Kiền Liên báo đáp công ơn cao dày của cha mẹ đã qua đời cũng như còn tại thế. Cách báo hiếu phổ thông nhất như câu ca truyền đời:

Cha già là Phật Thích Ca

Mẹ già như thể Phật Bà Quan Âm

Nhớ ngày xá tội vong nhân

Lên chùa lạy Phật đền ơn sinh thành

Đó là cách báo hiếu đơn giản của người sơ phát tâm mới gieo duyên với Tam bảo, còn đối với Phật tử thuần thành thì vào dịp này thường sắm sửa phẩm vật, thiết lễ trai Tăng, cúng dường chư Tăng nhân ngày Tự tứ để hồi hướng công đức cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long, người quá vãng được siêu sanh về cảnh giới an lành.

Trong cuộc sống chúng ta, mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng tất cả chúng ta đều gặp nhau ở điểm chung là cùng được tắm gội trong tình yêu thương bao la của đấng sinh thành và chúng ta cũng đều mang nặng tấm lòng hiếu đạo như nhau. Do vậy, Phật tử chúng ta cần phải dụng tâm nhiều hơn nữa trong việc tu học, thực hành các thiện pháp và hồi hướng công đức về đấng sinh thành.

Tóm lại, có hai phương cách báo hiếu, một là theo truyền thống hiếu đạo trong đời sống dân gian và hai là báo hiếu theo truyền thống Phật giáo mà cụ thể là thực hiện bổn phận và trách nhiệm làm con theo như lời Phật dạy. Trong cách báo hiếu đời thường, thì bổn phận người làm con phải cung phụng cho cha mẹ những nhu cầu vật chất cần thiết trong lúc sinh tiền và lo hậu sự chu đáo khi cha mẹ qua đời. Tuy nhiên, phương cách báo hiếu trong đời sống thế gian cũng không thể nào rốt ráo và ưu việt như phương cách báo hiếu đúng với chân lý mà Phật đã dạy.

Nguyên Châu – Minh Quang