Người chết có hưởng được các phẩm vật cúng thí?
Chúng ta hẳn đã không ít lần tự hỏi, không biết người chết có hưởng thọ được gì hay không trong những lần ma chay, kỵ giỗ, trai đàn, cúng thí ấy, mà có khi là mâm cao cỗ đầy, có khi chỉ là vài chén cháo lá đa, một ít gạo muối?
Phạm chí Sanh Văn cũng có tâm trạng đó khi người thân của ông qua đời. Sanh Văn, 生 聞, tên tiếng Pāli là Jāṇussonī, được kể là một trong số những Bà-la-môn lỗi lạc đương thời Phật. Ông ở tại Xá-vệ và thường đến gặp Đức Phật để thảo luận. Sanh Văn cũng chính là người lần đầu tiên nghe kể về Đức Phật đã từ trên xe bước xuống, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay hướng về rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc ba lần làm lễ: “Nam-mô Như Lai Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác” (1).
Một hôm, Sanh Văn có người thân qua đời. Ông tổ chức ma chay, mở đàn cúng thí, nhưng lòng tự hỏi không biết việc mình làm có lợi ích gì cho người thân hay không, liền đến chỗ Thế Tôn, bạch hỏi: “Thưa Cù-đàm, con có người thân tộc rất thương mến, bỗng nhiên qua đời. Con vì người ấy nên bố thí với tín tâm. Thế nào, bạch Thế Tôn, người ấy có nhận được không?” (2).
Câu hỏi ấy thật đúng với tâm trạng của không biết bao nhiêu người!
Đức Thế Tôn khẳng định có một loài chúng sanh có thể nhận được sự ủy lạo của loài người bằng cách cúng thí, đó là chúng sanh trong đường ngạ quỷ
Những đối tượng không nhận được lễ phẩm cúng thí
Kinh Tăng chi bộ giải thích rõ ràng hơn: “Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân, có tà kiến. Vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào địa ngục, ăn món ăn của chúng sanh ở địa ngục ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở nơi đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.
Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh… có tà kiến. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy sanh vào loại bàng sanh. Món ăn của chúng sanh ở bàng sanh ăn, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ; trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.
Ở đây, này Bà-la-môn, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham ái, không có tâm sân hận, có chánh kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh cộng trú với loài Người. Món ăn của loài người như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là không tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy không được lợi ích của bố thí ấy.
Như vậy, nếu người chết đã tái sanh vào các cảnh giới địa ngục, súc sanh, người và trời thì không nhận đồ ăn thức uống, cho đến áo quần, nhà cửa, xe cộ, điện thoại… do người thân cúng tế.
Những đối tượng nhận được lễ phẩm cúng thí
Nhưng nếu người chết rơi vào đường ngạ quỷ thì họ sẽ nhận được các thực phẩm cúng thí. Kinh ghi: “Này Bà-la-môn, trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ. Nếu người thân tộc của ông sanh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông” (5).
Nhập xứ được giải thích là sanh vào thân trung ấm. Nếu thân trung ấm sanh vào đường ngạ quỷ thì gọi là ‘đắc nhập xứ’, tức báo xứ (của thân trung ấm) là ngạ quỷ. Cha mẹ cùng bà con quyến thuộc sanh vào đường ngạ quỷ (khi đang ở tình trạng thân trung ấm ngạ quỷ và khi đã sanh vào báo xứ ngạ quỷ) mới nhận được sự cúng thí (6).
Kinh Tăng chi bộ giải thích rõ ràng: “Ở đây, này Bà-la-môn, có người sát sanh… có tà kiến. Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi ngạ quỷ. Món ăn của chúng sanh ngạ quỷ như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Món ăn nào các bạn bè, hoặc thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống từ đấy muốn hiến cúng cho vị ấy, tại đấy vị ấy sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy” (7).
Như vậy, Đức Thế Tôn khẳng định có một loài chúng sanh có thể nhận được sự ủy lạo của loài người bằng cách cúng thí, đó là chúng sanh trong đường ngạ quỷ, tức là ma giới. Hẳn nhiên, lễ phẩm cúng thí phải là thứ ăn uống được, chứ không phải là hàng mã!
Phước báo của sự cúng thí
Trường hợp người cúng thí, gia chủ không có cha mẹ hay bà con quyến thuộc trong đường ngạ quỷ thì sự bố thí đó cũng có phước báo: “Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sanh vào trong chốn ngạ quỷ và lại cũng không có những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước. Của bố thí do lòng tin của người thí chủ đó, sẽ không mất”. Kinh phân tích:
“Giả sử có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham ái, có sân tâm, có tà kiến. Người ấy sau lại phát tâm bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn,… cho đến những kẻ ăn xin bần cùng, đều bố thí tiền tài, áo quần, chăn mền, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, những vật dụng trang nghiêm. Người ấy do sát sanh, lấy của không cho…, sẽ đọa lạc vào trong loài voi, nhưng vì người ấy đã từng bố thí…, nên tuy ở trong loài voi, nhưng cũng nhận được phước báo nhờ họ đã bố thí, từ quần áo, đồ ăn thức uống cho đến những vật dụng trang nghiêm.
“Nếu lại sanh vào các loài súc sanh như trâu, ngựa, lừa, la… nhưng cũng nhờ vào công đức thí ân trước, nên họ ắt sẽ nhận được phước báo kia tùy theo chỗ sanh tương ứng mà được thọ dụng.
“Này Bà-la-môn, nếu thí chủ kia lại trì giới, không sát sanh, không trộm cướp,… cho đến có chánh kiến, và bố thí cho các Sa-môn, Bà-la-môn,… cho đến những kẻ ăn xin nào là tiền của, áo quần, đồ ăn thức uống, đèn đuốc, thì nhờ công đức này mà sanh trong loài người, ngồi hưởng thụ phước báo này, từ áo quần, đồ ăn thức uống… cho đến những vật dụng như đèn đuốc.
“Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu họ lại trì giới, thì sẽ được sanh lên cõi trời, vì họ nhờ vào những thí ân nên được hưởng những thứ phước báo về tài bảo, áo quần, đồ ăn thức uống,… cho đến những vật dụng trang nghiêm cõi trời” (8).
Như vậy, một khi gia đình chúng ta có người thân qua đời, chúng ta phát tâm thanh tịnh cúng kính hay bố thí, cúng dường cho Tăng Ni hoặc cho người nghèo khổ, thì dù người thân đã mất của chúng ta không nhận được, bản thân của chúng ta cũng được phước báo trong mọi trường hợp.
Một sự thật là chúng ta không ai biết được người thân của mình sau khi chết đã sanh vào đường nào của lục đạo. Do đó, để tri ân người đã mất, nhất là cha mẹ, bà con thân thuộc của mình, cùng với những anh hùng liệt sĩ đã hy sanh cho tổ quốc, để họ khỏi đói lạnh, bơ vơ, để họ khỏi tủi thân vì chẳng còn ai thương nhớ… chúng ta nên làm lễ kỳ siêu cúng thí cho họ, hoặc mở hội bố thí rồi hồi hướng công đức cho họ. Vì rằng, trong bất cứ trường hợp nào, người thân của chúng ta đã tái sanh về đâu, việc làm ấy đều có phước báo cho chính bản thân mình!
Cúng thí là một trong những cách bố thí cho người đã chết. Vì vậy hãy bố thí những gì mà họ ăn uống được, đừng bố thí thức ăn giả và càng không nên đốt các loại vàng mã như nhà cửa, xe hơi, điện thoại, tiền vàng… để bố thí cho họ. Ngoài ra, với tâm thanh tịnh chúng ta cúng dường cho Tăng Ni, biếu tặng cho người nghèo khổ, hoặc làm các thiện sự như bắc cầu, đào giếng, đắp đường, trồng cây… đều là những việc làm bố thí đưa tới phước báo cho chính bản thân mình và cũng có thể hồi hướng công đức ấy cho người thân đã qua đời.
Chú thích:
1. Trung A-hàm 146, kinh Tượng tích dụ.
2. Tạp A-hàm, kinh 1041. Pāli, A.10.177. Jāṇussoṇi.
3. Tạp A-hàm, kinh 1041, Sanh Văn.
4. Tăng chi bộ, (XI) (177) Jāṇussoṇi, HT.Thích Minh Châu dịch.
5. Tạp A-hàm, kinh đã dẫn.
6. Tứ phần luật hành sự sao, Tục tạng 42, N°.0736, p.1028c05.
7. Tăng chi bộ, kinh đã dẫn.
8. Tạp A-hàm, kinh đã dẫn.