Như thế nào là thiện?

Thiện là nền tảng của hoà bình và hạnh phúc. Có tôn giáo hay không tôn giáo, thiện tính vẫn luôn là yếu tố quyết định nhân phẩm một con người.

Triết gia Kant còn xem thiện là một mệnh lệnh tuyệt đối. Với ông, một người muốn tốt đẹp cho tự thân và xã hội, người ấy không thể không hành động dựa trên lương tâm.

Nhưng như thế nào là thiện?

Thiền tập để thấy rõ thiện/ bất thiện. Ảnh minh họa

Thiền tập để thấy rõ thiện/ bất thiện. Ảnh minh họa

Thầy Sariputa, người học trò trí tuệ của Đức Phật Gotama, cho biết:

Không sát sanh là thiện. Không lấy của không cho là thiện. Không xâm hại đức hạnh người khác là thiện. Không nói dối là thiện. Không nói lời độc ác là thiện. Không nói lời gây chia rẽ và hận thù là thiện. Không nói lời phù phiếm, vô ích là thiện. Không tham lam là thiện. Không sân hận là thiện. Không tà kiến là thiện.[1]

Một người tuệ tri được thiện (như trên), người ấy sẽ đoạn trừ được tham lam tiềm ẩn, tẩy sạch được sân hận tiềm ẩn, nhổ tận gốc được kiêu mạn (tôi là) tiềm ẩn và trong hiện tại, tâm người ấy an, trí người ấy sáng, không có khổ đau.[2]

Không thể nào có hạnh phúc, an lạc trong hiện tại và tương lai nếu thiện không có. Việc tu tập thiện là vô cùng quan trọng. “Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập thiện, vì rằng này các Tỷ-kheo, tu tập thiện đưa đến hạnh phúc, an lạc”[3], Đức Phật Gotama nói như vậy.

Ai tự mình làm thiện, khuyến khích người làm thiện và vui mừng khi thấy việc thiện được làm, người ấy không chỉ tự thân phúc lành mà còn góp phần cho tha nhân và xã hội có hoà bình và thân ái.

Ngược lại, ai tà kiến, tự mình làm ác, khuyến khích người làm ác, vui mừng khi thấy việc ác được làm, nhất là kiêu mạn khi ác nghiệp chưa chín muồi, người ấy chắc chắn sẽ chịu quả báo khổ đau không hôm nay thì cũng ngày mai.

Thiện, tốt đẹp cho mình và người. Bất thiện, khổ đau cho mình và người. Chúng ta là ai, ở đâu, thuộc chủng tộc hay niềm tin nào, không tu tập thiện, kiêu mạn làm ác, chịu khổ đau sẽ là chính chúng ta, không có ngoại lệ. Nói theo lời Phật: “Người mê nghĩ là ngọt/ Khi ác chưa chín muồi/ Ác nghiệp chín muồi rồi/ Người mê chịu khổ đau”.[4]

Nhuận Đạt

—————

[1]Trung Bộ, Kinh Chánh Tri Kiến.

[2]Trung Bộ, Kinh Chánh Tri Kiến.

[3]Tăng Chi Bộ, Kinh Các Sức Mạnh.

[4]Kinh Pháp Cú số 69.