Hồi đầu thị ngạn
Ngồi ngoài ban-công sân thượng, huynh đệ vừa uống trà, nhâm nhi tách cà phê nóng bên mấy chậu kiểng hoa hồng, vừa trò chuyện đổi trao chuyện Đạo trong Đời, Đời có Đạo, thật thân tình và đầy hứng khởi…
Ảnh minh hoạ.
Đây là lần thứ ba tôi có mặt trên “tịnh thất sân thượng” của huynh Duy Pháp. Lần trước là vào dịp Tết mới rồi, khi tôi đứng phóng mắt ngắm cảnh xa gần chung quanh, thấy được bóng dáng của chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa trên núi Sinh Trung hiện ra xa xa ở góc nhìn lạ, nên lần này tôi không quên mang theo máy ảnh gắn ống kính tele để “săn cảnh già lam”…
Rồi tôi bước lại mở cốp xe, cất máy ảnh. Chợt nghe huynh Duy Pháp gọi: “Lại ngồi đây chơi chút đã rồi về, huynh ơi!” Hơi ngạc nhiên, tôi quay lại chỗ bàn nước có chàng trai ngồi đó. Té ra là huynh Duy Pháp muốn giới thiệu với tôi về nhân vật đặc biệt giữa đời thường mà tôi vừa gặp gỡ chớp nhoáng và xém bỏ lỡ cơ duyên tìm hiểu, rõ biết.
“Đây là một cháu từng ở tù 9 năm, hoàn lương. Trong thời gian ở trại cải tạo A2 Đồng Găng, cháu nó được một bạn tù tặng quyển Đường Xưa Mây Trắng của Ôn Nhất Hạnh. Cháu nó đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần quyển này, gần như thuộc lòng. Khi được tự do về nhà, gặp tôi, cháu nó có kể cho tôi nghe, tôi có hỏi vậy trong quyển sách về cuộc đời của Đức Phật đó cháu thích nhất đoạn nào, nhân vật nào, thì cháu đáp là thích nhất đoạn Gotama nhiếp độ cho Sát thủ Angulimala!”
Tôi ồ lên trước thông tin ngắn gọn mà đầy sức hấp dẫn đó và trải lòng ra để ngồi đó lắng nghe tiếng tự sự của một con người từ trong bóng tối thâm u bước ra ánh sáng tưng bừng.
Tôi bồi thêm: “Đó là phước duyên của cháu. Phước duyên chứ không phải chỉ là cơ duyên!”
Duyên đó. Chàng trai không biết tôi là ai. Tôi cũng chưa hề gặp và không hề biết chàng trai này là ai. Vậy mà, chúng tôi đang ngồi lại với nhau quan chiếc bàn con của quán nước vỉa hè đầu hèm để trò chuyện thân tình với nhau. Khi đã ngồi bên nhau, tôi mới ngắm qua “nhân duyên gặp gỡ trên đời”, thấy những hình những nét xăm trổ vằn vện đầy khắp hai cánh tay và đôi chân của chàng trai một thời bồng bột mê lầm. “Đầu đinh mình xăm” đã và đang rụt rè tập tễnh đi theo lối nẻo của các bậc trí giả giác ngộ “đầu tròn áo vuông” (viên đảnh phương bào).
Các pháp đang diễn ra, hãy ngồi yên và lắng nghe, đừng thêm bớt, đừng bới bươi, đừng can thiệp…
Khi được ra trại trở về nhà, quyển sách Đường Xưa Mây Trắng mà chàng trai được bạn tù tặng đã phải nằm lại ở Trại, do cán bộ quản giáo đã giữ lấy. Đạo huynh Duy Pháp biết chuyện, liền lấy bản sách cùng tên trên kệ nhà mình tặng lại cho chàng trai.
Tôi không gặng hỏi người bạn tù nào, tên gì, là cư sĩ hay tăng sĩ mà tặng quyển sách Đường Xưa Mây Trắng, sau đó lại còn giảng giải cho nghe về Kinh Hoa Nghiêm, về Nhân Quả… suốt những năm tháng tù tội, để cho chàng trai trẻ giới giang hồ phải tỉnh ngộ qua từng ngày từng giờ trong bóng tối…
Tôi cũng không thắc mắc vì sao ở trong tù lại có được sách nhà Phật để đọc, vì tôi đã từng rõ biết nhờ trong thời gian đam mê sưu tầm sách báo cũ, rằng thì là các công ty Phát hành sách như First News thường mang sách nhiều thể loại về giáo dục, giải trí, kỹ năng sống… (như “Hạt giống tâm hồn”) đến tặng các Phòng đọc sách của các Trại giam. Tôi cũng không cần phải vô duyên hỏi chàng trai đã gây ra tội lỗi gì mà mang án đến 9 năm ròng. Nghe thôi, đừng hỏi. Chỉ cần lắng nghe từng lời tự sự để thấy biết nỗi niềm day dứt ăn năn, cũng như niềm vui khi tìm bắt được cơ duyên quay về nẻo sáng.
“Khổ hải mang mang. Hồi đầu thị ngạn” (Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ mé)!
Động thái quay đầu đó không thể dùng lời nói suông để diễn tả hết được là thấy bờ mé gì. Chỉ có người quay đầu mang một sự thức tỉnh sâu xa tận nguồn Tâm mới hiểu được, biết được. Một sự thể nghiệm chân thật!
“Lãng tử hồi đầu kim bất hoán”, người lang bạt giang hồ, lăn lộn trong giới “xã hội Đen”, cho dù hư đốn đến mức nào, nhưng một khi đã biết hồi tâm thức tỉnh, ăn năn sám hối thì phẩm chất đạo đức của người đó vẫn trở lại nguyên thể trong sáng, thanh cao. Tôi nguyện mong là vậy!
Trong tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng, sát thủ Angulimala đã giết người hàng loạt vì căm ghét loài người, rồi chặt ngón tay của mỗi người bị hắn giết để xâu thành chuỗi đeo lên cổ, khiến cho dân tình khiếp đảm khi nghe đến “đại danh”. Angulimala đã đuổi theo sa-môn Gotama, gọi Ngài dừng lại mà Ngài vẫn khẽ bước trên đường.
“Tôi biểu ông dừng lại sao ông không chịu dừng mà cứ bước đi?”
“Angulimala, những hành động có thể gây đau khổ cho các loài chúng sanh, ta đã dừng lại, và dừng lại tự lâu rồi. Chỉ có anh là chưa chịu dừng thôi!”
Gotama giáo hoá: “Ta đã học được hạnh bảo vệ sự sống, không những của con người mà còn của tất cả các loài sinh vật. Angulimala, trong các loài sinh vật, kể cả loài người, loài nào cũng muốn sống, sợ chết; vì vậy ta phải có lòng thương, đem tình thương ấy mà bảo vệ sự sống của muôn loài!”
Khi biết ra vị sa-môn chính là Phật, sát thủ mếu máo:
“Rất tiếc, Ngài gặp tôi quá muộn. Tôi đã đi quá xa trên con đường này rồi, bây giờ có muốn dừng lại cũng không được!”
Đức Phật bảo:
“Đừng nói vậy, Angulimala. Làm một việc lành thì không bao giờ muộn cả!”
… Angulimala quỳ xuống trước mặt Phật, sụp lạy sát đất dưới chân Ngài, ôm mặt mà khóc nức nở:
“Con xin nguyện từ đây hối cải, bỏ ác làm lành, quyết tâm theo Ngài để học hạnh từ bi. Cúi xin Ngài chấp nhận con làm đệ tử của Ngài!”
Chàng trai xăm trổ vằn vện khắp người đã trở về với đời sống thường nhật tự do, quyết tâm hoàn lương hướng thiện dù cuộc sống có khó khăn vất vả. Hằng ngày, chàng ra ngồi nơi đó bán nước giải khát để kiếm sống, được bà con chòm xóm thông cảm chuyện “lấn chiếm lòng lề đường vốn đã nhỏ hẹp” và giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần…
Tôi đứng dậy chào tạm biệt chàng trai, xin chụp thêm vài kiểu có mặt đạo huynh Duy Pháp, rồi nhìn tấm “bảng hiệu” dán trên vách tường sau lưng người chủ hàng nước, tôi mới biết nhân vật “hồi đầu thị ngạn” này có tên: Mr. Chuột!