Phật dạy: Hội chúng Tỷ kheo thuần tịnh cường mạnh mới đem lại lợi lạc cho số đông
Sứ mạng của chư Tăng nói chung là tự hoàn thiện mình đồng thời góp phần mang đến an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại.
Một thời, Tôn giả Mahà Kaccàna trú ở Madhurà, tại rừng Gundhà, dạy các Tỷ kheo:
Khi nào các người trộm cướp cường mạnh, này các Tỷ kheo, trong khi vua chúa yếu đuối, khi ấy, thật không an toàn cho những người ra đi làm các công việc ở bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, khi các ác Tỷ kheo cường mạnh, trong khi ấy, các Tỷ kheo thuần tịnh yếu đuối.
Này các Tỷ kheo, trong khi ấy, các Tỷ kheo thuần tịnh giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chúng Tỷ kheo, hoặc đi đến các quốc độ biên địa. Và như vậy, này các Tỷ kheo, là bất hạnh, không an lạc, không lợi ích cho đa số; là bất hạnh, đau khổ cho chư thiên và loài người.
Khi nào, này các Tỷ kheo, các vua chúa cường mạnh, trong khi các người trộm cướp yếu đuối, khi ấy, thật an toàn cho những người ra đi làm các công việc ở bên ngoài. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, khi các Tỷ kheo thuần tịnh cường mạnh, trong khi ấy, các ác Tỷ kheo yếu đuối. Này các Tỷ kheo, trong khi ấy, các ác Tỷ kheo giữ thái độ im lặng, hoặc ẩn mình giữa chúng Tỷ kheo, hoặc đi đến các quốc độ biên địa. Và như vậy, này các Tỷ kheo, là hạnh phúc, an lạc, lợi ích cho đa số; là hạnh phúc, an lạc cho chư thiên và loài người.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 2, phẩm Tâm thăng bằng, phần Đất [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.130)
Phật dạy tu pháp gì để chẳng rơi vào đường ác, thẳng đến Niết bàn
Lời bàn:
Sứ mạng của chư Tăng nói chung là tự hoàn thiện mình đồng thời góp phần mang đến an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và nhân loại. Tuy nhiên, sứ mạng ấy chỉ được thực thi và hoàn thiện khi Tăng già thuần tịnh, có sức mạnh nhiếp phục mọi người cải tà quy chánh, nhất tâm quy hướng Chánh pháp, phụng sự Tam bảo.
Đối với một đất nước, nếu lãnh đạo gương mẫu, pháp luật nghiêm minh, giữ vững an ninh trật tự xã hội, không có trộm cướp và các tệ nạn khác hoành hành thì người dân mới được an cư lạc nghiệp. Với hội chúng Tỷ kheo cũng vậy, khi nào phần lớn các thành viên trong hội chúng ấy thuần tịnh, thúc thủ được số ít chưa thanh tịnh thì chắc chắn trụ xứ ấy sẽ an ổn và vững mạnh.
Thời Thế Tôn, một vài hội chúng Tỷ kheo ở những trụ xứ riêng lẻ từng có biểu hiện các ác Tỷ kheo cường thịnh, chiếm đa số và lấn lướt những Tỷ kheo chân chính đến độ họ phải im lặng hoặc ẩn dật. Dù cho những hội chúng này có tụ hội đông đảo và lớn mạnh, theo Thế Tôn vẫn là “bất hạnh, không an lạc, không lợi ích” cho số đông.
Do đó, đối với các hội chúng Tỷ kheo, hình thức bên ngoài chưa nói lên được điều gì, trừ khi song hành với hình thức bề thế và hoành tráng kia là sự thuần tịnh, chân chánh của chư vị lãnh đạo và toàn thể thành viên trong hội chúng ấy. Được vậy, những hội chúng này mới thực sự mang lại an lạc và hạnh phúc cho chư thiên và loài người.