Biệt thời ý thú và lời nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà
Khi đọc kinh Phật, nếu thông qua Tứ ý thú và Tứ bí mật thì ta dễ thông tỏ chính xác hơn về những gì mà Phật muốn nói trong các kinh.
Hoa nghiêm thám huyền ký ghi: “Biệt thời ý thú là, như nói nếu tụng danh hiệu Đa Bảo Như Lai thì đối với Bồ-đề Vô thượng Chánh đẳng đã được quyết định”. Hoặc nói do chỉ phát nguyện, liền được vãng sinh thế giới Cực lạc”.
Trong cả hai câu, “Chỉ phát nguyện liền được vãng sinh” hay “Hết lòng tin thích muốn sinh về nước tôi, nhẫn đến mười niệm” thì nhân không phải ba mà chỉ có một, là nguyện.
Ngài Vô Tánh giải thích: “Vì khuyến khích kẻ giải đãi, đối với pháp không chịu tinh cần mà nói như vậy. Cũng là muốn trưởng dưỡng kẻ có thiện căn đời trước. Như thế gian nói chỉ nhờ một đồng mà được đến hàng ngàn”.
1. Trưởng dưỡng kẻ có thiện căn đời trước: Như Lục tổ, tuy chỉ là người đốn củi không biết chữ, nhưng khi nghe một câu tụng của kinh Kim cang liền sáng tỏ, đến gặp Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, không bao lâu sau được ấn chứng làm Tổ thứ sáu. Với người đã có thiện căn niệm Phật sâu dày từ trước thì việc tu hành ngày nay cũng tương tự. Đối với thế giới A Di Đà đã có niềm tin sâu xa, hạnh vốn đầy đủ, nên chỉ cần phát nguyện vãng sinh thì liền vãng sinh. Sư Tăng Duệ, tác giả bài tựa viết cho cuốn Trung luận của ngài Thanh Mục, là một điển hình.
Tăng Duệ là một cao tăng đời Đông Tấn Trung Quốc. 18 tuổi xuất gia, thờ ngài Tăng Hiền làm thầy. Năm 20 tuổi đã thông suốt kinh luận. Năm 24 tuổi đi thuyết pháp khắp nơi. Người tham dự rất đông, nhưng Sư vẫn than rằng Thiền pháp chưa được lưu truyền.
Khi Đại sư Cưu Ma La Thập đến Trường An thì Sư thỉnh ngài dịch cuốn Thiền pháp yếu giải, theo đó ngày đêm tinh tấn tu học. Sư thường cùng Tăng Triệu tham dự việc dịch kinh và là một trong bốn vị đệ tử lớn của Đại sư Cưu Ma La Thập.
Bình sinh, Sư nguyện cầu vãng sinh Tịnh độ An dưỡng. Khi đi, đứng, nằm, ngồi thường không quay lưng về hướng Tây. Sau, Sư biết giờ lâm chung, cáo biệt đại chúng rồi vào phòng tắm gội, đốt hương lễ bái, xoay mặt về hướng Tây, chắp tay thị tịch, hưởng thọ 67 tuổi.
2. Khuyến khích kẻ giải đãi: Giải đãi, là làm biếng, không tinh tấn. Nói việc này, trước là gieo niềm tin với kẻ mà tín và hạnh còn yếu, sau là khuyến khích những người giải đãi, muốn vãng sinh mà ít chịu thực hành. Đây là nói nhân và quả mà không nói duyên. Chỉ nói mốc ban đầu và cuối cùng mà không nói thời gian nào thì nhân thành quả. Song pháp Phật, có nhân rồi phải đủ duyên mới thành quả, tùy lực tu hành của hành giả mà thời gian thành ngắn hay dài.
Nói mười niệm, tức nhân đã gieo, nhưng phải đợi đủ duyên quả mới thành. Nếu không có mười niệm đó thì không có nhân để tâm không loạn. Không nhân thì duyên dù đủ bao nhiêu, quả cũng không thành. Với người, tu thì giải đãi mà muốn có quả nhanh chóng, thì đây là phương tiện giúp gieo mười niệm vào tạng thức, là cái nhân để sau này tâm được bất loạn, sinh về thế giới A Di Đà.
Trong cả hai câu, “Chỉ phát nguyện liền được vãng sinh” hay “Hết lòng tin thích muốn sinh về nước tôi, nhẫn đến mười niệm” thì nhân không phải ba mà chỉ có một, là nguyện. Nguyện như vậy là đã có niềm tin với thế giới A Di Đà. Phát nguyện rồi, tùy công đức tu hành, tinh tấn thì hiện đời hay kiếp sau vãng sinh, không tinh tấn thì vài chục kiếp về sau. Nhưng một khi đã có nguyện thì trước sau gì cũng vãng sinh mà hạnh là thứ quyết định. Ý là vậy.
Như vậy, khi nào đọc chánh kinh hay chánh luận mà thấy nhân và quả có vẻ không tương thích, thì cần phải dùng Biệt thời ý thú mà hiểu, không phải kinh luận nói sai.