Có lắng mới nghe
Hiểu và thực hành hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm
Để tâm trí mình lắng yên, và trọn vẹn lắng nghe người thương của ta mà không có thành kiến, phán xét, đánh giá chen vào. Nghe người thương của ta tâm tình, chia sẽ một cách hết lòng, trọn vẹn với tâm trí lắng động, an yên, có mặt thì cái nghe đó được gọi là lắng nghe.
Và khi thực tập lắng nghe như vậy sẽ giúp cho ta nghe được những điều người kia đã nói, và không những thế ta có thể nghe được cả những điều người kia chưa nói, không nói.
Ta sẽ có thể tự giải thoát, tháo gỡ cho chính ta những tri giác sai lầm của ta đối với người ấy. Ta thấy ra được rằng, ngươi ấy đối xử, nói năng, giận giữ với ta như vậy, thực tình người đó cũng không muốn, nhưng bởi vì những khổ đau người đó đã, đang trải qua quá lớn.
Người đó đã không có hạnh phúc của tuổi thơ, người đó đã không có một mái ấm gia đình trọn vẹn. Người đó đã không có được tình yêu thương đầy đủ của ba và mẹ. Người đó đã từng sống trong một gia đình có nhiều bạo hành từ nhỏ.
Người đó đã sống trong một môi trường mà tình thương yêu và sự tha thứ không có mặt. Người đó đã sống trong một môi trường có bố mẹ cờ bạc, rượu chè bỏ bê con cái. Người đó đã sống trong một môi trường không thiện lành, và những hạt giống không thiện lành ấy đã được gieo trồng và tưới tẩm quá nhiều trong tâm thức, để giờ đây người đó trở thành con người như thế này…
Càng lắng nghe sâu thì ta càng hiểu ra nhiều vấn đề của người kia. Mà thấu hiểu người kia càng nhiều thì tình thương trong trái tim của ta đối với người đó cũng càng tăng. Vì tình thương yêu trong ta giành cho người đó đã thật sự tăng nên ta không còn trách móc, hờn giỗi mà thay vào đó ta sẽ tìm mọi cách để giúp người đó tiến lên, thay đổi.
Nếu ta làm được như vậy thì trong cuộc sống của chính ta sẽ có rất nhiều an vui, bớt thù thêm bạn.
Nếu ta phát triển được khả năng “Lắng” để “Nghe Sâu” thì ta sẽ trở thành nơi nương tựa cho rất nhiều người. Ta sẽ trở thành suối nguồn của bình an và thấu hiểu.
Con cháu, những người thân yêu, bạn bè của chúng ta sẽ tìm đến với ta để giải bày chia sẻ những nỗi khổ, niềm đau.
Và khi đó ta sẽ trở thành cánh tay nối dài của Đức bồ tát Quán Thế Âm, vị bồ tát của lắng nghe sâu, vị bồ tát đại từ và đại bi.
Muốn nghe thì phải lắng
Tất hiểu tận nguồn cơn
Thì còn đâu giận hờn
Thân an, tâm tĩnh lặng