Người không màng nhân quả
Nhân quả là một định luật tồn tại vô hình và khách quan, công bằng, chính xác tuyệt đối, linh động và uyển chuyển chi phối tất cả mọi thứ trong Vũ Trụ và Pháp giới chúng sinh này.
Ai gieo nhân gì, sẽ nhận lại quả báo tương ứng. Tùy vào Nhân ta gieo mà thời gian gặt quả sẽ nhanh hay chậm.
Vì thế, mà chúng sinh buộc phải bị tái sinh trong ba cõi sáu nẻo luân hồi để trả quả báo mà mình đã gây ra, trong đó có Thiện nghiệp và Ác nghiệp.
Trong đạo Phật, Phật, Bồ Tát và các vị A La Hán là những bậc thấu suốt và hiểu nhân quả tới từng đường tơ kẻ tóc. Cho tới những lỗi lầm mà nhỏ như sợi tơ chẻ ra làm 1 nghìn lần Phật cũng phải dạy cho hạng Bồ Tát và A La Hán. Những lỗi có tính hệ thống cao cấp đó người Phàm phu chúng ta không bao giờ đủ đẳng cấp để mắc phải.
Ta hiểu rằng, cách Phật đã xa, nhưng trên Thế Giới chưa bao giờ vắng bóng các vị Bồ Tát và Chư Thánh với đại nguyện đi trong luân hồi để giáo hóa chúng sinh.
Đặc biệt hơn là trong Phật Giáo, để đánh giá trí tuệ và đạo lực của một vị Bồ Tát, ta nhìn Đạo Đức tu hành, và mức độ hiểu Nhân Quả của vị đó tới đâu. Chứ không phải vị đó có thần thông hay giúp ta được chuyện này chuyện kia…
Do đó, giáo lý về Nhân Quả được các vị Bồ Tát thêm vào thời đại ngày nay để trực quan hơn cho chúng sinh. Vì ngày xưa, thời Phật, có nhiều thứ chưa xuất hiện. Do đó, ngày nay, chúng sinh dễ bị tạo tội giữa thời đại cuồng điên này.
Phước của chúng ta có được, ta có xe đi, áo mặc, cơm ăn, nghề nghiệp, vợ con và làm những gì ta thích trong khả năng ( trong số Phước) thì ta biết ta đang có Phước.
Phước thôi chứ chưa chắc ta là người có Đức.
Vù nhiều kiếp xa xưa, ta có vô tình cúng chùa, giúp người qua cơn tai ách, biết bố thí, biết đắp đường, xây cầu….do đó kiếp này ta có Phước. Và trong số Phước của ta đó…ta được Quyền hưởng.
Các bạn có Quyền vui chơi, mua sắm, đi du lịch, ăn chơi sa đọa, đua đòi, tạo tội, …nói chung. Các bạn có quyền làm tất cả những gì bạn muốn trong khi Bạn Đang Còn Phước.
Khi hết phước rồi, thì quả báo của những chuỗi ngày đó phải trả ra sao, trả cho ai, trả như thế nào thì chắc chỉ có các bạn là người hiểu rõ. Dù tin hay không, thì Nhân Quả vẫn đi theo con đường của Nhân Quả.
Ví dụ như: Ban đầu ta vào quán bar, vũ trường vì tiếng nhạc, giải trí, sau đó là bắt đầu cảm thọ dắt ta đi tìm những thứ vui hơn, vui hơn, sa đà hơn như thuốc lắc, ma túy, thác loạn…rồi phạm pháp và bị bắt.
Còn nếu ta là người có Phước. Và có Đức độ.
Thì ta biết rằng, Phước là bất khả hưởng tận. Ta có Phước, có tiền, có quyền, ta phải có trách nhiệm, và trách nhiệm rất lớn là khác.
Nhân Quả có cái rất kì lạ.
Người nghèo kém Phước thì khổ đã đành .
Người có Phước và có Trí, thì lại càng đau khổ hơn.
Cầm tiền mà run run sợ tiêu tiền bậy lại tạo tội và bị đọa. Sợ ra quyết định sai một tí là bao nhiêu con người, sinh mệnh bị ảnh hưởng, ta lại càng có tội.
Do đó, người có Phước trên cuộc đời này không ít. Rất nhiều. Và họ có quyền sống không cần tin Phật Pháp, Nhân Quả gì. Cứ làm theo cảm tính, theo sở thích mà cho đó là thù thắng. Thì trong Kinh Phật gọi đó là người vô minh. Mà nói thẳng ra là người ngu. Kém đạo đức và không có trí tuệ. Rất dễ sa đọa.
Cũng vậy, khi ta nhìn qua bức tranh Nhân Quả trên, chư tôn túc thạc đức vì lòng thương yêu chúng sinh mà không muốn cho chúng ta hoang phí Phước báo của mình mà đã răn dạy như thế. Khi rong ruổi đi chơi, ta sẽ hết phước. Nhiều người, trong những ngảy vừa qua trên mạng xã hội đã lấy chủ đề này ra để mà sừng sỏ và chống lại. Như một đứa con thơ dại mà cãi lời mẹ cha vậy.
Chúng ta hiểu rằng, công nhận với nhau rằng, những trò chơi của thế gian, ban đầu mang tính vui vẻ, giải trí và coi như vô hại. Nhưng do Tâm rong ruổi, nó dẫn dắt ta cứ phải tăng thêm đô. Từ ly rượu trên bàn ăn uống cho tiêu hóa, sau mấy trăm năm, mấy nghìn năm ta có hẳn một văn hóa nhậu. Mà hậu quả thảm thương sau những buổi nhậu, truy hoang, thường là cảnh máu đổ đầu rơi, tan cửa nát nhà, tai nạn giao thông….biết bao nhiêu là đau khổ, tang thương mà bị che đi hết trong cảm thọ vui của việc nhậu. Từ một hai con bạc, lá bài vui với nhau ngày Tết, giải trí, luyện não, giờ đây, ta có luôn một tệ nạn đánh bài, cá cược với đủ các thể loại và hình thức, chiêu trò khác nhau nối giáo, phát triển theo công nghệ hiện đại.
Từ ban đầu là nghe nhạc thưởng thức, ta bắt đầu có thêm chút men cho say, rồi cần có thêm một người tâm sự, và tới bây giờ….ta thấy mỗi khi nhắc tới bar, vũ trường…là hết 99,9999% là trá hình, là sa đọa, là trụy lạc, là phạm pháp.
Cũng vậy, như trên ảnh nhân quả trên, ban đầu thì cũng là đi chơi cho vui, rồi kéo sau đó là nhiều thứ vui khác nữa. Làm ta tổn phước. Vì sao ta tổn phước, vì tâm người đang vui không biết an trú trong chánh niệm tỉnh giác, rong ruổi hết thú này tới trò kia, từ bến mê này sang bờ trụy lạc khác. Thứ hai, trong nhân quả, khi ta hưởng một hạnh phúc gì về thân, thì ta mất ngay phước báu về khai mở tâm linh. Do đó, vì lòng từ bi thương tưởng tới chúng sinh trong thời xa Phật, sợ chúng ta không còn Phước để mà làm người đúng nghĩa, nên chư tôn túc thạc đức đã dạy chúng ta rất đúng về nhân quả này.
Còn với những ai không có thiện căn, họ không muốn Nhân Quả tồn tại, không dám tin nhân quả, thì ta biết cuộc đời của những người này sẽ ra sao.
Cái đau khổ của chúng ta là, chúng ta biết chính xác số tiền của ta nhưng ta không hề biết số tội số phước ta ra sao. Và với người Phật tử, thì họ luôn luôn sợ hết phước, và phát tâm Bồ Tát mà tu tập, làm phước không một giây phút lơi lỏng. Nên khi họ được đọc Nhân Quả trong Kinh Phật, những tội phước thời 4.0 này từ các bậc chân sư, chân tu…họ rất hoan hỷ mà tránh tội làm phước. Và không quên ân nghĩa mà Thầy Tổ đã dạy cho ta từ cả một đời tu phạm hạnh của Vị ấy.
Với người kém Trí, họ có thái độ khinh chê, không nhu thuận, không có tâm khiêm hạ để học và quay sang phỉ báng. Thì rõ ràng, người thiệt về sau là họ. Mà ta, là con Phật, muốn độ họ cũng không được, vì họ đang trong cơn cuồng quay quá, ta rất khó độ.
Ta thấy họ nhởn nhơ giữa đời vậy chứ không biết rằng cái nhân Địa Ngục, Ngạ Quỷ và Súc Sinh đã rộng đường chào đón, chỉ chờ đủ nhân đủ duyên mà họ về với bến bờ ác đạo đó. Vì sao vậy, vì họ có biết Quy Y và giữ Giới đâu.
Còn người Phật tử thuần thành, ta có Tam Quy, Ngũ Giới, các điều Nguyện cao tột. Nó là hàng rào của ta ngăn cho ta sa đọa và trôi lăn.
Ta tin Quả tin Nhân, ta sợ tội, dù là tội rất nhỏ không ai bắt bẻ, không ai nói tới, nhưng trong tâm ta lúc nào cũng dè dặt, lo sợ và luôn chí thành sám hối…vì còn là người đang đi trên đạo lộ Giải Thoát, chứ chưa phải là Thánh nên chắc chắc ta vẫn còn phạm sai lầm. Nhưng ta biết lỗi, sám hối, ăn năn, day dứt về cái lỗi đó…thì là người có Trí.
Vì Phước xài rồi thì cũng hết.
Người có Trí lo làm phước, từ Chánh Tư Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp cho tới Chánh Mạng. Không để sơ hở chút nào.
Còn người vô minh, ngu si, tâm tối thì sợ những lời dạy về Nhân nào Quả đó. Vì sao vậy. Vì động tới tim đen của ai đó. Động tới sở thích sa đà của ai đó. Động tới thú vui ác trượt của họ…là chạm vào bản ngã của họ. Mà bản ngã chạm vào, nó nổi sân lên, và họ tiếp tục sống như ý thích để phủ nhận Nhân Quả. Thật là đáng thương. Thật là đáng buồn và thật là tội nghiệp cho họ.
Chúng sinh thì đam mê hư ảo, tên tuổi, công danh, lợi tức, thú vui, trụy lạc rồi trôi lăn.
Còn Bồ Tát thì rất cần Phước để tu và giáo hóa chúng sinh, cứu độ chúng sinh…trở thành vị Thánh Giải Thoát cao tột bay lên.
Câu nói:
“Chúng sinh thì sợ Quả.
Còn Bồ Tát thì sợ Nhân” là vậy!
Một chút phân tích nhỏ, như một hạt bụi giữa bầu trời Trí Tuệ bao la của Phật hiểu biết về Nhân Quả. Để người Phật tử chúng ta có thêm trách nhiệm với việc đem Nhân Quả mà truyền bá tới mọi người xung quanh có duyên với mình. Việc này không dễ, cần mất nhiều công sức và thời gian. Nhưng bù lại, phước và công đức của người truyền bá Nhân Quả theo lời Phật dạy rất lớn.
Người đó sẽ tránh tội, làm phước và tin sâu Tam Bảo, phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề để mà làm lợi lạc cho tha nhân, làm cây đại thụ giữa Đất Trời cho bao nhiêu loài ngưỡng vọng quy tụ về tu tập.
Chúng tôi cũng chân thành nguyện cầu cho tất cả mọi người tin sâu Nhân Quả, đừng quay lưng để rồi quả báo về sau thật là mệt mỏi và thê lương.
Nẻo về cho những ai cứng đầu thì chỉ có một. Đó là nơi mà một khi đã rớt xuống thì rất khó có thể ngoi lên. Mà trong kinh, Phật ví như một người rơi xuống hầm phân, toàn thân dính đầy phân hôi hám, mà người trên bờ muốn cứu, cũng không cứu được, vì kẻ đó không còn chỗ nào sạch sẽ để mà người kia cứu lên.