Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức nói về “Trọn vẹn từng khoảnh khắc”

Dưới đây là bài viết nhận xét về nội dung cuốn sách “Trọn vẹn từng khoảnh khắc” – tác giả Thy Lâm, Nxb Công Thương – của Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức (Minh Đức Triều Tâm Ảnh).

Trọn vẹn từng khoảnh khắc, sách dày 352 trang, ghi lại những trải nghiệm trong quan sát tâm của tác giả Thy Lâm, một Phật tử đang sinh sống tại Hoa Kỳ

Trọn vẹn từng khoảnh khắc, sách dày 352 trang, ghi lại những trải nghiệm trong quan sát tâm của tác giả Thy Lâm, một Phật tử đang sinh sống tại Hoa Kỳ

Cũng khá lâu rồi, tôi không còn đọc kinh sách nữa, mà chỉ đọc tâm của mình.

Nay không rõ nhân duyên thế nào, nữ văn sĩ Thi Lâm từ xứ tuyết xa xôi lại gởi một tập tản văn nhờ tôi đọc và xin lời tựa. Tôi “ừ, ừ”, nhưng mà để đấy. Nhưng do cái tựa sách làm tôi tò mò! Tu học hơn 50 năm, có phải hiện nay tôi cũng đã và đang thực tập và giảng dạy “thực tại đang-là…” với “trọn vẹn từng khoảnh khắc” đó sao?

Thế rồi, lướt một số tiêu đề rồi đọc thử vài tiểu phẩm, sau đó đọc hết. Tôi ngạc nhiên, rất đỗi ngạc nhiên. Một cô gái trẻ Việt sớm xa quê, lập nghiệp, có gia đình, chồng con ở xứ người lại có thể sử dụng ngôn ngữ Việt một cách rành rẽ đến không ngờ?

Còn nữa, với giọng văn trôi chảy nhẹ nhàng, chẳng lên gân lên cốt, chỉ nói chuyện đời thường, rất đời thường lại có thể chuyển tải tư tưởng Phật học và tinh thần Thiền học một cách dị giản đến thế sao? Tôi không nói quá, không ca ngợi rẻ tiền mà chỉ nói chơn, nói thật thôi.

Chư vị độc giả cứ đọc đi, nhất là cư sĩ tại gia đang học Phật, tu Thiền. Có thể nói rằng, khi đi vào nội dung từng tiểu phẩm, chư vị sẽ bắt gặp mình ở trong đó như là một hành giả. Ngoài những liên tưởng, ví như khi đang xúc tuyết, càng xúc thì quả cầu tuyết càng lớn chẳng khác gì chủng tử của phàm phu càng lăn nhiều trong sinh tử thì càng nặng. Ví như “giấc mộng bình sinh” hóa ra chỉ là “vẫy vùng trong mộng mị bình sinh” đó thôi. Ví như trái tim ta mà tương tự nút Notifications trong điện thoại thì có thể bật, tắt cho những lần thương ghét… Tuy nhiên, những liên tưởng ấy dẫu hay nhưng chưa ấn tượng lắm.

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức, vị giáo phẩm của Phật giáo Nam tông Kinh, trụ trì Huyền Không Sơn Thượng (TT-Huế)

Trưởng lão Hòa thượng Giới Đức, vị giáo phẩm của Phật giáo Nam tông Kinh, trụ trì Huyền Không Sơn Thượng (TT-Huế)

Đọc thêm nữa, chư độc giả và tác giả sẽ cùng nhau chia sẻ thế nào là “cô đơn hữu ngã” và “cô đơn vô ngã”. Chia sẻ cách yêu những đóa hoa tươi thắm mà không phiền lụy khi hoa tàn úa. Sẽ biết cách xoay lưng một cái là buông bỏ mọi thứ sau lưng. Phải biết nghe pháp, thực hành pháp chứ đừng sống theo bản năng sinh tồn. Đừng đi nhầm giày của người khác.

Bản ngã càng lớn thì đau khổ càng nhiều. Bình yên ở chính bên trong chứ không phải ở bên ngoài. Tâm là nhà ảo thuật vĩ đại. Hạnh phúc chính là con đường. Quay về và cảm nhận mọi thứ xung quanh một cách tự nhiên mà không đánh giá, phán xét…

Còn nhiều lắm là những tư tưởng mà tác giả muốn chia sẻ để cùng nhau giác ngộ lẽ thật. Ví như, cuộc đời là những chuyến đi trốn khổ tìm vui. Ví như, một tâm hồn cũ kỹ và những thói quen bất thiện phải bỏ lại sau lưng. Cuộc đời này, tất cả chỉ là cảm giác. Phải biết ơn từng hơi thở. Cân bằng cảm xúc và lý trí. Nên sống hồn nhiên như trẻ con… vân vân và vân vân…

Ngoài những tiểu phẩm chia sẻ Phật học và Thiền học, tác giả còn có “những bài pháp” dạy con rất nhẹ nhàng, chỉ như là gợi ý để chúng tự ý thức chứ không có tính cách cưỡng ép theo ý mình. Hai bé con này, con của một bà mẹ đang tu Phật – thật hữu phước lắm thay!

Viết tại Huyền Không Sơn Thượng, Huế
Tháng 11 Quý Mão, Sơ Xuân 2024

Tỳ-khưu Giới Đức – Sīḷaguṇa Mahāthera
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)