Tại sao tứ thánh định và tứ vô lượng tâm chưa được xem là pháp bảo tu tập?
Tại sao tám Pháp trong Kinh Bát Thành, tứ thánh định và tứ vô lượng tâm chưa được xem là đạo pháp, là pháp bảo để tu tập?
Nếu chưa đọc bài 5 thì bạn hoan hỷ quay lại đọc trước khi đọc bài này vì tính chất bắc cầu. “…Tại sao “Xác định các pháp tu tập” được Trưởng lão nói đến như là phương pháp luận, như là bảo bối, là hành trang cho người học Phật lại bị bỏ quên?. Đây là chiếc chìa khoá thứ hai mà tôi nhặt được. Trưởng lão từng dạy “không lấy của không cho”, nhưng nếu đứng đấy chờ thì ai sẽ đến nhận là chủ sở hữu và sẽ cho nhỉ.
Đó lại là cái cách mà tôi cãi thầy vì sợ rằng, tôi không nhặt sẽ không ai nhặt và Pháp bảo lại lần nữa bị thời gian vùi lấp, mất dấu.
Cái đạo của Đức Phật không phải là những thánh đường uy nghi, không phải những chùa tháp lộng lẫy để trang trí cho bắt mắt. Nó mộc mạc, giản đơn vì vậy dễ bị phủ lên đấy màu sắc loè loẹt, sang trọng để đánh lừa mọi người.
Kinh Bát Thành là một trường hợp như thế, tập kinh rất cơ bản trong Trung Bộ Kinh là tập kinh mà Ngài A-nan thay mặt Đức Phật, chỉ rõ đường lối tu tập vào chánh đạo đã được Trưởng lão Thích Thông Lạc phân tích sự pha trộn, tạp nham của Bà la môn thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất.
“… Nhưng kinh Bát Thành này đã bị người sau thêm vào Bốn Định Vô Sắc. Bốn Định Vô Sắc là bốn loại định tưởng. Bốn loại định tưởng thì không thể nào tu tập đi đến rốt ráo được, vì chính Đức Phật đã nhập các loại định tưởng này còn phải bỏ mà trở về tu tập Bốn Định Hữu Sắc mới thấy được sự giải thoát làm chủ sanh, tử chấm dứt luân hồi. Bốn loại định vô sắc này được cộng chung lại với tám pháp đầu tiên là 12 pháp, như vậy bài kinh này đúng ra phải có tên là “Thập Nhị Thành” chứ đâu gọi là “Bát Thành” được. Đó là cái sai thứ nhất trong bài kinh này, do các vị Tổ Sư kết tập kinh.
Cái sai thứ hai là đoạn kết của bài kinh này: “Bạch Tôn Giả Ananda, như người tìm một kho tàng cất dấu, trong lúc tìm được 11 kho tàng cất dấu. Cũng vậy bạch Tôn Giả, như ngôi nhà người ta có đến 11 cửa, khi ngôi nhà bị cháy, thì chỉ do một cửa người ta cũng có thể thoát ra một cách an toàn. Cũng vậy, bạch Tôn Giả, chỉ với một cửa bất tử trong 11 cửa bất tử này, con có thể đạt được sự an toàn cho con”. Tựa kinh đề là “Bát Thành” mà kết luận là “Thập Nhất Thành”, còn trong bài kinh này thì nêu ra 12 pháp tu tập. Kinh viết như vậy có nhất quán không. Các bạn nghĩ sao về những việc làm của các bậc tôn túc ngày xưa? Họ có thấy khi kết tập kinh sách Phật là một trách nhiệm với Đạo Phật và con người đời sau không?..”
Câu hỏi thứ 5: Tại sao “Xác định các pháp tu tập” lại bị bỏ quên
Những cái sai xưa cũ lại liên tục được bổ sung bởi các các tăng già hậu thế mới “cho rắn thêm chân, cho rồng thêm cánh”. Ngay địa danh thành Atthaka cũng được cho thêm chú thích (Bát thành). Cho thêm phần “khả tín”. Trong khi Kinh Bát Thành là chỉ 8 pháp thành tựu, chứng đắc chứ không phải chỉ “địa danh”. Có những trang “sáng tạo” hơn cho vào đoạn tóm tắt
“…Người từ thành Bát.
Tôn giả Ànanda dạy 11 “cửa bất tử “, qua cửa này một tỳ kheo có thể đạt đến vô thượng an ổn khỏi trói buộc.
Gia chủ Dasama đến gặp tôn giả Ànanda hỏi về pháp môn độc nhất mà nếu tinh tấn tu hành, sẽ khiến tâm chưa giải thoát được hoàn toàn giải thoát, lậu hoặc chưa trừ hoàn toàn được đoạn trừ, đạt vô thượng an ổn. Tôn giả giảng, đó là pháp môn ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với 5 thiền chi, lần lượt chứng đến tứ thiền chỉ còn xả niệm thanh tịnh; an trú bốn phạm trú: biến mãn 10 phương với Từ tâm giải thoát, Bi tâm giải thoát, Hỉ tâm giải thoát, Xả tâm giải thoát; tu tập ba trong bốn Không định là: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ…” – chỉ đưa vào 3 (trong 4 thiên vô sắc) cho hợp với con số 11( thập nhất thành).
Cho nên câu hỏi các bạn nghĩ sao về những việc làm của các bậc tôn túc ngày xưa? của Trưởng lão Thích Thông Lạc có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực sự cương quyết, không nhân nhượng, thoả hiệp. Mặt khác, câu nói còn chưa đề cập đến các học giả, các bậc tôn túc ngày nay. Tất cả đã tạo nên một mớ hỗn độn, bùng nhùng, rác rưởi…Và Phật bảo cứ bị nhấn chìm, vùi lấp như vậy. Là người tìm cầu trên con đường bốn chân lý không ai đành nhắm mắt lướt qua, né tránh những rác rưởi như thế này.
Đấu lý để dành chủ quyền, nhưng lại không sử dụng chủ quyền, Trưởng lão lại “rút tứ vô lượng tâm” cùng với tứ bất hoại tịnh đưa vào thế chỗ cho Bát chánh đạo trong 37 phẩm trợ đạo. Những Phật tử trùng trùng của Chơn Như vẫn cứ tu Tứ vô lượng tâm dù “nó” đã thành “phẩm trợ đạo” chứ không còn là pháp tu.
Có nghĩa rằng giờ chỉ còn Tứ thánh định mà Định này bạn phải vào đến cấp II thì mới được học còn giới thì dành cho việc xả tâm theo chương trình cải cách giáo dục của thầy. Chắc không cần phải nhắc lại “Xác định các pháp tu tập” với những nhầm lẫn về nhất tâm đã khiến thầy đã xác định được rồi lại đánh rơi chìa khoá ấy. Là người nhặt được tôi không dám nhận bừa của tôi. Thầy là người tìm ra và tôi muốn đem dâng lên trang thờ của Bậc-la-hán để mãi mãi nó là của thầy trò Nguyên thuỷ Chơn Như. Và đó cũng là ước nguyện của tôi về con đường hợp nhất chữa bệnh và giác ngộ. Mà chìa khóa ấy (Xác định…) được sử dụng cùng với kinh Bát Thành, một cách đúng đắn, chuẩn xác thì tứ vô lượng tâm về vị trí cũ, đứng chung định Tứ thánh; Tứ niệm xứ lại quay về giới, về tam pháp nhập môn (nhất tâm-Tứ niệm xứ và Tứ chánh cần) Bát Chánh Đạo trở về 37 phẩm. Con đường hành trì Tứ thánh định được lập lại trật tự chứ không nháo nhào hỗn loạn như hiện nay. Nó xác lập trở lại đúng đắn hơn, bao trùm 37 phẩm, bao trùm ba bậc giác ngộ-hộ trì và chứng đạt, nó không rời xa 423 câu kệ kinh Pháp Cú, Không xa lìa 42 bài kệ Con tê ngưu một sừng.
Tôi vẫn thao thiết, trăn trở với những lời tâm huyết của thầy cứ phải mắng mỏ về tình trạng “ăn phi thời” phàn nàn về tình trạng “phá hạnh độc cư”, đau đáu về tình trạng “ngũ ấm ma”. Và…sau những “sóng gió Chơn Như”, sau sự kiện tên “phản đồ” bất nghĩa…khiến đến giờ vẫn chưa học trò nào dám nhúc nhích thêm một bước vì không có thầy bên cạnh.
Làm sao dám tiến thêm khi mà “không chắc mình đã vào sơ thiền hay chưa?”. Đó là câu hỏi mà mọi người thật sự cứ tự hỏi mình như thế sau những lúc hứng khởi thuyết một tràng về ly dục ly ác pháp nhập sơ thiền. Đó là một bi kịch thực sự cho những người đặt lòng tin mơ hồ, thiếu căn cứ vào chánh Pháp, thiếu lòng tin, rèn luyện chánh tư duy, vào năng lực tự thắp sáng ngọn đuốc, tự dựa vào chính mình. Để mọi tu sinh đủ dũng mãnh và đức tin thì không phải nhồi nhét cho đầy một “bồ” giáo lý tuy không thừa, nhưng chưa thật cần thiết khi mà cái điều hết sức bức thiết là bước nhất tâm. Bị nhầm lẫn thì không bao giờ bạn an trú được sơ thiền với 5 chi tầm, tứ, hỷ, lạc và chắc chắn không bao giờ có nhất tâm như Đức Phật đã chỉ dạy.
Tôi đã nhiều lần nghe nhắc nhau để tinh tấn hướng tâm làm chủ sanh già bệnh chết, nhắc nhau ly dục ly ác pháp nhập sơ thiền, nhắc nhau sống thiểu dục để có đời sống thanh tịnh, Niết bàn…Tình trạng ngộ độc ngôn từ rất phổ biến trong Phật tử Chơn Như có phải là pháp tương kế tựu kế, cuốn đàn na vào cuộc chiến thị phần như mong muốn của lớp người kế thừa sự nghiệp “cách mạng” của Trưởng lão.
Nếu không phải thì việc uốn nắn những nhầm lẫn, hiểu sai là việc trước tiên, cần kiếp để con người bắt đầu đi từ cái đúng, chuẩn xác hay luận nhân quả thì đi từ nhân thiện, nhân lành, không vọng ngữ là hết sức cấp bách. ( Tu đến mức độ nào thì làm chủ sống chết).
Chữa bệnh thì không giác ngộ, ngược lại giác ngộ thì không chữa bệnh. Không chữa được bệnh thì không bao giờ giác ngộ. Ngược lại không giác ngộ thì không sao chữa dứt căn bệnh tật. Đó là một chứng nghiệm đắt giá mà tôi có được sau câu hỏi của một môn sinh. Cho đến giờ, sau nhiều bài viết tôi vẫn mong găp lại người đồng môn để nói lời cảm ơn về công án hết sức đơn giản mà cậu ấy đã đưa ra khiến tôi động não mất nhiều ngày để có ngày hôm nay. Cũng chính từ đây, tôi dễ dàng nắm bắt nhất tâm-Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần.
Trong 7 pháp đoạn trừ lậu hoặc (Tri kiến, phòng hộ, thọ dụng, kham nhẫn, tránh né, trừ diệt và tu tập) thì pháp đầu tiên tri kiến bạn đừng hiểu một cách hời hợt nó là thứ kiến thức thế tục dành để tranh luận, để dành phần thắng. Năm cách sống Phật cũng đã dạy:
1. Nên sông với tâm không có tưởng;
2. Nên sống với tâm không động chuyển;
3. Nên sống với tâm không chấn động;
4. Nên sống với tâm không lý luận;
5. Nên sống với tâm từ bỏ ngã mạn
Nếu cứ theo đà bê nguyên đai nguyên kiện giáo thuyết lên bệ để nhang khói, thờ phượng, dứt khoát chúng ta thoả hiệp, nhân nhượng, và liên minh với ác pháp và rồi sẽ đến lúc “chết chìm” vì bệnh tật.
Lấy bịnh khổ làm thuốc thần
Lấy hoạn nạn làm giải thoát
Lấy khúc mắc làm thú vị
Lấy ma quân làm bạn đạo
Lấy khó khăn làm thích thú
Lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ
Lấy người chống đối làm nơi giao du
Coi thi ân như đôi dép bỏ
Luận Bảo Vương Tam Muội.
Bệnh tật mà tôi dùng là để chỉ tất cả những xấu ác, những ác pháp, những lậu hoặc nói chung: Đố kỵ, ganh tức, ghét ghen, thù hằn, giả nhân cách, giả đạo đức, tham ái, bần tiện, nhỏ nhen…Người ta cứ phân định bệnh tật là người ở trên giường bệnh. Thậm chí, đi khám bệnh, lấy thuốc về điều trị ngoại trú thì cũng không tính là bệnh. Trong khi nó nhiều cấp độ, triệu chứng lâm sàng và ủ bệnh khác nhau. Với Thiền chữa bệnh đó là tiêu chí hoạt động của họ, đó là làm thanh tịnh tâm thể. Mà môi trường đó đã có người nào sạch được lậu hoặc đó đâu. Chính sự nhầm lẫn đã để cho ác pháp có dịp len vào tàn phá chúng ta. Thậm chí bài kinh này còn cho rằng không bệnh tật thì dục vọng dễ sanh. Bệnh tật (ác pháp) dục, sắc dục (ác pháp) vậy chúng ta khuyến khích lấy ác pháp để diệt ác pháp sao!!!? Thực tế, cuộc chiến của ác pháp là cuộc “xâm lược”, kẻ thắng sẽ ca khúc khải hoàn lúc bạn đang nằm trong quan tài…Ngồi thiền, đau chân nóng tê, buốt…là cảm thọ sự ra đi của ác pháp từ bên trong ra ngoài, đừng nhầm lẫn với lấy dục diệt dục. Năng lực tư duy, chánh tư duy chính là hoat động của định vô lậu, của năng lực tứ chánh cần ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp
Pháp hướng người ta cứ lặp lại nguyên xi lời dạy của Trưởng lão mà không cần nghiệm xét, trở thành những cổ máy thật đáng thương. Tứ vô lượng tâm cũng vậy. Đó là pháp hành, nương theo tứ thánh định (hợp nhất) để vào sơ thiền nhưng nếu muốn đi tiếp phải vào định tứ thánh ở nhị, tam thiền và tứ thiền không thể khác. Thế mà cứ lặp đi lặp lại hướng tâm ly dục ly ác pháp nhập sơ thiền, làm chủ sanh già bệnh chết…Có phải ở Nguyên thuỷ đã quá quen với những xáo ngữ, tự lừa mình, lừa người…
Những cổ máy nhắm mắt xả tâm, mặc thân ra sao, đó chính là cách của thiền thoát ly. Cứ muốn rời xa, lìa bỏ thân uế trược, ô nhiễm, bệnh tật.
“… Này Aggivessana, không luận người nào mà cả hai phương tiện đều có lạc thọ khởi lên, không chi phối tâm và không an trú, do thân có tu tập; khổ thọ khởi lên, không chi phối tâm và không an trú, do tâm có tu tập, như vậy này Aggivessana, người ấy là người có thân tu tập, có tâm tu tập. (1) ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống và đặt trong nước (2) ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống, được vớt khỏi nước (3) ví như có một khúc cây khô, không nhựa, được vớt khỏi nước, được đặt trên đất khô. Những Sa-môn hay Bà-la-môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôm ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt. Nếu những Tôn giả Sa-môn, hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh Ðẳng Giác…” (Đại kinh Saccaca).