Tại sao một ngày nào đó mình phải chết?

Con thử tưởng tượng trên đời này chỉ có sinh ra mà không có chết đi. Một ngày nào đó, sẽ khó mà tìm trên trái đất một chỗ trống để cho người ta đứng. Chết nghĩa là để lại một chỗ trống cho con cháu của mình. Mà con cháu của mình là ai? Chính là mình chứ ai.

06

Đáp:

Con cháu của mình là một biểu hiện mới của mình. Con là sự tiếp nối của cha. Người cha, khi nhìn con mình, sẽ thấy là mình không chết bởi con của mình vẫn còn đó để tiếp nối mình. Có cái thấy ấy, mình sẽ thấy là mình không hề chết, bởi vì mình đang tiếp tục trong con của mình. Con mình cũng không chết vì được tiếp nối trong cháu chắt. Thiền tập của đạo Bụt giúp ta nhìn sâu để thấy không có cái chết thật sự mà chỉ có sự tiếp nối không ngừng trong những hình thái khác nhau.

Con hãy nhìn đám mây trên trời. Có thể đám mây đang sợ phải chết đi, nhưng có một lúc nào đó, mây sẽ phải trở thành mưa. Nhưng đó không thật sự là cái chết. Đó chỉ là sự thay đổi hình thái mà thôi. Đám mây trở thành mưa, đám mây đã được tiếp nối bằng mưa. Nếu con nhìn sâu vào trong mưa, con có thể nhìn thấy đám mây. Không có cái chết thật sự.

Con sẽ tiếp tục có mặt trong rất nhiều hình thức khác. Đám mây cũng có thể tiếp tục dưới hình thức tuyết, dòng sông hay nước đá. Một ngày nào đó, đám mây cũng có thể sẽ trở thành kem. Nếu đám mây không chịu thay hình đổi dạng thì làm sao có kem cho chúng ta ăn?

Sư Ông không sợ chết vì Sư Ông thấy Sư Ông trong các đệ tử, và trong con. Con đã đến đây để học hỏi từ Sư Ông thì con đã có Sư Ông trong con rồi. Sư Ông đã trao truyền chính Sư Ông cho con. Nếu con tiếp nhận được một chút hiểu, chút thương, chút tỉnh thức từ Sư Ông thì Sư Ông được tiếp nối trong con. Sau này, nếu có người muốn đi tìm Sư Ông, họ chỉ cần đến gặp con họ sẽ thấy Sư Ông. Sư Ông không chỉ ở đây [Sư Ông chỉ vào mình] mà còn ở đây nữa [chỉ vào bé]. Sư Ông thích điều này nhất trong thiền tập của đạo Bụt.

Thiền tập đạo Bụt giúp ta vượt thoát ý niệm về cái chết. Con nên biết cái chết rất cần cho sự sống, cho sự tiếp nối của chúng ta. Trong cơ thể của chúng ta, mỗi phút có rất nhiều tế bào đang chết để nhường chỗ cho những tế bào mới được sinh ra. Sự sống và cái chết đang diễn ra từng phút trong thân ta. Nếu không có sự chết, cơ thể ta sẽ không thể nào tiếp tục được. Cho nên cái chết và sự sống có liên hệ mật thiết với nhau. Nhờ có chết mà có sự sống, nhờ có sự sống mà có sự chết.

Nếu mình khóc mỗi khi một tế bào trong cơ thể mình chết đi thì mình sẽ không còn nước mắt để khóc nữa. Nếu mình tổ chức đám tang mỗi lần có một tế bào chết đi thì mình sẽ phải dùng tất cả ngày giờ của mình để làm đám tang.

Do đó, ta phải thấy sự sống và cái chết đang diễn ra từng phút từng giây trong chính bản thân ta. Đó là lý do tại sao vai trò của cái chết rất là quan trọng. Đó là câu trả lời thứ nhất của Sư Ông. Nhưng câu trả lời thứ hai còn hay hơn. Nhìn sâu, con sẽ thấy không có sống mà cũng không có chết: chỉ có sự tiếp nối mà thôi. Càng học con sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn.

Hãy nhớ cái chết đang chờ chúng ta

Sư Ông Làng Mai