Thí dụ “Nhà lửa” dưới góc nhìn hiện đại theo truyền thống Nichiren
Những dụ ngôn trong kinh Pháp hoa đã kiến tạo nên nền tảng của truyền thống và các phương pháp tu tập của Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, điều khiến Phật tử chúng ta cảm thấy cuốn hút không phải là những gì Đức Phật nói về Pháp mà là vì những gì Pháp nói về chúng ta.
Đặc biệt, khi đọc câu chuyện “Nhà lửa”, chúng ta cần có thời gian, sự kiên nhẫn và định tâm, bởi đối với nhiều người, nội dung của câu chuyện này có phần đáng lo ngại. Trong cuốn sách Two Buddhas Seated Side by Side: A Guide to the Lotus Sūtra, Tiến sĩ Donald Lopez và Jacqueline Stone đã nhận xét rằng ngôi nhà lửa là câu chuyện ngụ ngôn “khiến người đọc băn khoăn và trăn trở nhất” trong toàn bộ quyển kinh.
Các chủ đề của bộ kinh Pháp hoa phù hợp cả với thời Đức Phật cho đến ngày nay. Cùng với sự phát triển của các thiết bị điện tử và các phương tiện truyền thông xã hội, những hội chứng tâm lý và rối loạn tinh thần đang ở mức báo động cao nhất từ trước đến nay. Đọc câu chuyện ngụ ngôn trong bối cảnh hiện đại, chúng ta dễ dàng nhận ra sự tương đồng giữa thời của Đức Phật và xã hội hiện nay. Mặt khác, câu chuyện này còn mang đến một cảm hứng mới về sự chuyển hoá và chữa lành cá nhân, vượt thoát sợ hãi, khổ đau và tin tưởng rằng giác ngộ sẽ đến ngay khi chúng ta mở rộng tâm mình.
Và nếu đứng ở một góc nhìn khác, thì nhà lửa cũng là câu chuyện của Tứ diệu đế. Bởi vì cuộc sống có khổ, có nguyên nhân, có kết thúc, nhưng vẫn có lối thoát nếu chúng ta tự mình bước qua cánh cửa đó. Có lẽ một trong những ý quan trọng của thí dụ này là Đức Phật muốn dạy cho chúng ta một điều rằng khổ đau sẽ chấm dứt, và tất cả những gì mà chúng ta cần làm và phải làm là “bước chân qua cánh cửa”. Một cuộc sống tốt đẹp hơn bắt đầu bằng việc nhận ra sự việc và quyết định thay đổi.
Ẩn dụ nhà lửa đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy cho ngài Xá-lợi-phất trong “Thí dụ”, phẩm thứ ba của kinh Pháp hoa. Ngôi nhà mục nát và đầy quỷ dữ của một người đàn ông giàu có đang bốc cháy khi những đứa con của ông đang chơi đùa bên trong đó với những món đồ chơi yêu thích của chúng; vì vậy, để cứu chúng ra khỏi nhà lửa, ông hứa hẹn cho chúng những thứ tốt đẹp hơn, như xe dê, xe hươu và xe bò. Thế nhưng, khi chạy ra khỏi nhà lửa và thoát khỏi nguy hiểm, mỗi người đã được tặng một thứ còn tuyệt vời hơn, đó chính là một chiếc xe bò lớn màu trắng.
Người cha tượng trưng cho Đức Phật, còn con cái là người thế gian. Ba loại xe tượng trưng cho ba thừa, mà Đức Phật xem đó là những phương tiện thiện xảo nhằm khuyến khích các đệ tử. Chiếc xe bò lớn màu trắng tượng trưng cho Phật thừa, chỉ có một thừa duy nhất mà thôi. Nhất thừa là giáo lý Đại thừa trọn vẹn, bao trùm, không bị ai loại trừ, kể cả các vị A-la-hán hay các vị Duyên giác Phật.
Đây là một câu chuyện ngụ ngôn khiến cho nhiều người trăn trở nhất. Ngôi nhà lửa là ẩn dụ cho cuộc sống và thế giới mà chúng ta đang sống. Nhà lửa đó vừa là những hiện tượng của thế giới bên ngoài mà cũng chính là thế giới tâm trí của chúng ta.
Trên thực tế, mọi người đều là một vị Bồ-tát đang trên con đường tu tập để trở thành một vị Phật. Kinh Pháp hoa được xem là một lời dạy bình đẳng vì không có sự phân biệt giữa các hành giả, không có các tầng lớp khác nhau như Tăng Ni, cư sĩ, Thanh văn, Duyên giác hay Bồ-tát.
Qua đó, chúng ta cũng sớm nhận ra được dụ ngôn rằng Đức Phật cũng đang ở trong ngôi nhà lửa với chúng ta. Đức Phật, Phật tánh và Phật quả luôn hiện hữu trong ngôi nhà lửa thế gian này, trong cuộc sống và môi trường này. Những bộ kinh trước đều dạy chúng ta rằng mọi pháp đều phát sinh từ tâm. Tuy nhiên, kinh Pháp hoa lại nêu lên một thông điệp rằng tâm và pháp là “hai mà không phải hai”.
Bởi vì Đức Phật ở trong nhà lửa với chúng ta và với mười cõi khác nữa, nên chúng ta biết rằng Phật tánh không chỉ là một tiềm năng hay một điều gì đó mà người ta phải tu tập nhiều kiếp mới đạt được, mà mọi hiện tượng của thân và tâm, mọi suy nghĩ và cảm xúc khác nhau, mọi hình tướng của bản thân và môi trường, mọi chúng sinh hữu tình và vô tình, và mọi trạng thái duyên khởi đều được tích hợp trong một sát-na tư tưởng duy nhất. Ngôi nhà lửa thể hiện mối quan hệ tương quan lẫn nhau giữa chân lý tối thượng và chân lý quy ước. Mọi khả năng và xác suất của cuộc sống đều hiện hữu trong ngôi nhà lửa.
Đức Phật đã lao vào những nơi như nhà lửa để cứu độ chúng ta. Vì tâm đại bi muốn hóa độ chúng sanh mà Ngài đến với thế gian, nhận lấy tấm thân ngũ uẩn như thỏi sắt nóng! Điều này rất quan trọng. Nhưng chúng ta thường có xu hướng muốn che giấu nó. Tuy nhiên, khi đã mang thân người, Ngài cũng có suy nghĩ, cảm xúc nội tâm và chịu mọi thăng trầm như chúng ta. Đây chính là lòng từ bi vô lượng của Đức Phật.
Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng biết rằng rất khó khi phải để con mình tự làm mọi việc và nếm trải mùi vị của sự thất bại. Nhưng Đức Phật cũng hiểu rằng nếu can thiệp trực tiếp để cứu con mình, Ngài sẽ tạo cho chúng văn hóa lệ thuộc và dựa dẫm. Vì vậy, Ngài đã làm gương cho chúng ta, khiến chúng ta hiểu rằng thầy tổ và cha mẹ chỉ có thể là người chỉ đường, mở cửa và đưa tay hỗ trợ khi ai đó gặp khó khăn; như vậy sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân có thể trải nghiệm trực tiếp bài học của cuộc đời mình.
Thí dụ nhà lửa đã cho chúng ta thấy rằng phàm thánh và chúng ta đều ở trong nhà cùng nhau. Chúng ta không đơn độc. Nỗi sợ chia ly bắt đầu từ hơi thở đầu tiên khi chúng ta được cắt dây rốn ra khỏi người mẹ. Nỗi sợ hãi khi ở một mình khiến chúng ta bất an, san chấn, và lo lắng tột độ. Và Blaise Pascal đã nói rằng: “Tất cả các vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không thể ngồi yên lặng trong phòng một mình”.
Trong kiệt tác Pensées, nhà triết học và toán học người Pháp Blaise Pascal đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc và tuyệt vời về những nhìn nhận sai lầm của chúng ta đối với việc tự nhận thức và trách nhiệm của bản thân. Kỳ lạ thay, chúng ta sẽ không ngừng làm bản thân xao nhãng bằng vô số những thứ tầm thường và những trò tiêu khiển thay vì đối mặt với sự sợ hãi ban đầu là phải ở một mình và mất kết nối từ khi mới sinh ra.
Các nhà tâm lý học cũng đã thử nghiệm điều này một vài lần. Trong một thí nghiệm, gần một nửa nhóm không thể ngồi im lặng đến mức họ chọn cách bị điện giật để sớm ra khỏi phòng và kết thúc thí nghiệm. Đau đớn vì điện giật còn hơn là phải nhìn mình một cách sâu sắc. Nỗi sợ hãi đã nuốt chửng chúng ta, khiến chúng ta né tránh những thứ thực sự có thể chữa lành cho bản thân. Chúng ta điên đảo quá, chúng ta thích ngôi nhà lửa hơn. Chúng ta sợ hãi và ác cảm với chính mình đến mức chúng ta muốn trải nghiệm nỗi đau thể xác khi bị điện giật hơn là nỗi đau bên trong khi chúng ta suy ngẫm về bản thân mình.
Tuy nhiên, xin đừng xem câu chuyện này là một gợi ý để bỏ qua những hình thức rèn luyện tinh thần khác, chúng ta có thể thiền định theo cách của riêng mình để loại bỏ tham, sân và si. Lớn lên, trưởng thành và bước vào giai đoạn giác ngộ rất gian nan và vất vả. Dù vậy, qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng khổ đau sẽ chấm dứt, và tất cả những gì bạn phải làm là tự mình bước qua cánh cửa của ngôi nhà lửa. Đây là sự thật cao quý thứ tư.
Trong truyền thống Phật giáo Nichiren, có một khái niệm gọi là Bonno Soku Bodai nghĩa là “Những phiền não của chúng ta đang giác ngộ”. Điều này ám chỉ rằng không phải bác bỏ mười cõi, mà chỉ khi hiểu sâu sắc, chấp nhận, suy ngẫm, quan sát phiền não phát sinh như thế nào thì chúng ta mới có thể giác ngộ hoàn toàn. Tuy vậy, việc tự suy ngẫm và thiền định như vậy hiếm khi có thể tự thực hiện một mình. Vì thế, Đức Phật đã dạy rằng cuộc đời của người tu hành cần phải có những bậc thiện tri thức. Chúng ta thực sự rất cần những người bạn tốt, những bậc minh sư và thậm chí là những người trị liệu giỏi.
Dụ ngôn “nhà lửa” đã để lại trong chúng ta niềm hy vọng và một lời hứa. Mỗi lần ngồi thiền là mỗi bước chân của chúng ta qua ngưỡng cửa của ngôi nhà lửa. Cũng giống như các thiền sư vĩ đại đã nói “chỉ cần bắt đầu lại”. Sự giác ngộ là có thể, việc giải thoát khỏi khổ đau cũng có thể.