Câu hỏi thứ nhất: Có chăng sự khác nhau giữa Đức Phật và Trưởng lão

Hôm nay, tôi sẽ đi vào chi tiết câu hỏi đầu tiên xoay quanh “Có chăng sự khác nhau giữa Đức Phật và Trưởng lão Thích Thông Lạc” trong tổng số “10 câu hỏi trăn trở và thao thức”, để có thể cùng quý vị luận bàn, đàm đạo ngõ hầu tìm ra ánh sáng, thắp sáng thêm con đường chánh Pháp.

 

Sự khác nhau đầu tiên đó là thân phận của một bậc đế vương, một thái tử kẻ hầu người hạ, vàng son nhung lụa, cung phi mỹ nữ với một thứ dân bình thường. Có lẽ mọi người sẽ cho rằng tại sao lại quan trọng hoá xuất thân khi mà cuối cùng đều là bậc A-la-hán. Vâng! Mọi hành động thân-khẩu-ý của một A-la-hán đều đạt chuẩn mực vô lậu, thanh tịnh nhưng hoàn toàn sai nếu hiểu sâu nhân quả. Không có ngoại lệ cho một A-la-hán. Không ai thoát ra ngoài nhân quả, A-la-hán chỉ làm chủ, chỉ chuyển nghiệp, chỉ làm biến dịch, thay đổi hoàn cảnh, thay đổi từ trường xung quanh…nhưng không thể thoát ra ngoài sự vận hành sinh-diệt của tự nhiên.

“Làng mạc hay rừng núi

Thung lũng hay đồi cao,

La Hán trú chỗ nào,

Đất ấy thật khả ái “.

“Khả ái thay núi rừng,

Chỗ người phàm không ưa,

Vị ly tham ưa thích,

Vì không tìm dục lạc.”

(Kinh Pháp Cú – Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu).

Điều quan trọng nhất mà Đức Phật để lại cho hậu thế đó là dù là gì thì cũng không thể mang cho ai trí tuệ và nhân cách, đạo đức mà chỉ có thể chỉ ra phương pháp để tự thắp đuốc lên mà đi, để tự tìm kiếm trí tuệ, nhân cách, lòng bao dung, yêu thương tất cả chúng sinh.

01

Đức Phật không áp đặt, không chỉ bảo cách sao chép, cách tạo một bản sao của Đức Phật mà chỉ đưa ra phương pháp luận cũng như những giáo pháp làm công cụ. Thuyết giảng về điều đó chắc chắn không ai trong chúng ta làm tốt hơn Trưởng lão. Phương pháp luận cơ bản đó nằm trong “xác định các pháp tu tập”. Nhưng khác nhau ở chỗ Đức Phật cứ lặng lẽ dạy đạo, truyền đạt lại sau quá trình tư duy, nghiệm xét chuẩn mực, cho nên không có những ưu tư, những bức xúc, phiền lòng như “Những bức tâm thư của Trưởng lão”. Và cũng thật tiếc khi mà Trưởng lão đã nắm được chìa khoá, một phương pháp luận nhưng lạị lãng quên, đánh rơi.

1- Nhất tâm là định.

2- Bốn niệm xứ là định tưởng.

3- Bốn tinh cần là định tư cụ.

4- Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.

5- Thở vô và thở ra là thân hành.

6- Tầm tứ là khẩu hành.

7- Tưởng thọ là tâm hành.

(Tăng Nhất A Hàm tập 3). 

Các pháp Nhất tâm, Bốn niệm xứ, Bốn tinh cần là mấu chốt, là chìa khoá để mở cửa lối vào đạo. Vì vậy mà Đức Phật nhấn mạnh: Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy. Con đường chứng đắc, con đường giải thoát sang bờ bên kia chính là tu tập định. Đức Phật cũng vậy Trưởng lão cũng vậy. Đó là cái chìa khoá vàng cần mang theo đến hết đời không gì khác. Mọi thứ công cụ tiếp theo đó là 37 phẩm trợ đạo, đó là Kinh Bát thành.

Học Phật, tôi không cần ra rả kinh kệ công phu, chỉ cần bấy nhiêu thôi mà triển khai cùng với loại “bài đọc thêm” về cuộc đời Đức Phật. Tất cả tài sản vô giá mà Đức Phật để lại đã bị các thế lực tôn giáo thời hậu Đức Phật pha trộn để mưu cầu lợi dưỡng, tham danh, đắm lợi. Ngài không những biết trước mà còn để lại những lời căn dặn thật chi tiết, cặn kẽ mà Trưởng lão nhặt nhạnh đưa vào các tác phẩm của mình.

Ta thấy Trưởng lão đã dày công suốt 33 năm vừa dạy học trò, vừa viết sách để lại hậu thế cả cái thư viện Chơn Như. Ngài không tiếc công sức cho đến khi xả bỏ báo thân để về cõi giới tịch tịnh, bất sinh, bất diệt. Không ai có quyền phụ bỏ công sức ấy dù bàng quan với số phận của mình, không tu tập mà cứ đắm nhiễm trong dục lạc. Chỉ có những đố kỵ, ghét ghen, ích kỷ, nhỏ nhen mới tìm lời thị phi, công kích. Và đặc biệt những người kế thừa cũng không thể vô tư thừa hưởng thành quả mà không tư duy, vun đắp khiếm khuyết của Trưởng lão trong quá trình hoằng dương, phục hưng chánh Pháp. Nói đên khiếm khuyết không phải để chỉ trích, công kích mà chính là bổ sung, hoàn thiện giáo Pháp đã bị pha tạp, đánh tráo vì lợi, vì danh vì pha tạp kinh sách, và cả những kẻ kế thừa một cách vô tư ngày nay.

Tại sao nói A-la-hán cũng không vượt khỏi nhân quả khi còn báo thân phàm tục. Thứ nhất, ta thấy Đức Phật sau khi chứng đắc đã quay trở lại tìm hai vị thầy mà mình đã thẳng thừng từ bỏ dù được trọng vọng, kính cẩn “Hiền giả hãy ở lại đây chúng ta cùng chăm sóc cho hội chúng”. Với tấm lòng kính trọng bậc thầy đã có thời dạy dỗ, Đức Phật mong được gặp để độ người. Trong kinh Kinh thánh cầu (26), Đức Phât trở về Alara Kalama thì ông đã mất trước đó một tuần, trở lại Uddaka Râmaputa thì ông mới mất hôm qua. Đó là tấm lòng của một đệ tử. Và cũng vậy, tấm lòng của người con, người cha, người chồng…trách nhiệm của một con người sinh ra trong thế tục hiểu biết định vị cuộc đời và cái nghĩa phải trả mà Đức Phật độ cho La-Hầu La, độ cho vua Tịnh Phạn, độ Da-du-đa-la, tất cả đủ để lý giải nhân quả hàng loạt những con người được Đức Phật độ sinh, vượt thoát luân hồi, đắm nhiễm. Độ cho Tăng đoàn 500 Tỳ kheo chứng đắc.

Khác với Đức Phật, Trưởng lão sau khi chứng đắc cũng trở lại tìm thầy củ Thầy Thanh Từ nhưng để trình thầy, xin phép thầy cho nhập diệt, xả bỏ báo thân. Tâm lý nôn nóng phục hưng chánh Pháp đã thôi thúc Trưởng lão tìm đến thầy cũ, khi ấy là người đầy đủ uy tín, có chức sắc trong Giáo hội. Chỉ vậy thôi chứ không ai muốn nhập diệt phải trở lại xin phép thầy cũ. Và nhân quả đi theo hành trình, đúng với dự liệu của Trưởng lão. Phật Giáo Nguyên Thuỷ bắt đầu gây tiếng vang làm rúng động giới Tăng ni, tu sĩ, Phật tử khắp nơi cả trong ngoài nước. Cái Chùa Am vắng vẻ giờ ùn ùn người đến tu tập mà trong đó rất nhiều vị là bậc tôn túc, cao tăng Phật giáo phát triển.

Ngày nay, Chơn Như vẫn là nơi tụ hội đông đúc Phật tử mà đặc biệt ngày vía Trưởng lão (1/1 hàng năm) thì tập trung hàng ngàn con người. Những tiên lượng nhân quả là kết quả phuc hưng một cách rầm rộ nhưng trong số hàng ngàn con người ấy lại không tìm thấy một người kế tục sự nghiệp chánh Pháp. Đúng nhân quả là một bộ vi xử lý khổng lồ, chưa hề lỗi win, chưa sai chạy một ly một hào nào, chưa bỏ sót một ai. Hành trình Chơn Như thì gập ghềnh, sóng gió  “…Hỡi các con! Luật nhân quả không tha thứ cho một người nào, dù người ấy chứng đạo như Phật vẫn phải trả nhân quả. Mọi việc xảy ra tại tu viên Chơn Như này đều do phước chúng sanh chưa đủ, nên thầy gặp nhiều khó khăn…”.

Những đệ tử được dồn tâm huyết đào tạo thành A-la-hán rơi rụng tất cả…Mọi việc xảy ra tại tu viên Chơn Như này đều do phước chúng sanh chưa đủ, nên thầy gặp nhiều khó khăn. Chúng sinh thì vốn đã vô minh nên chỉ biết sợ cái quả. Chỉ bậc thánh đức đủ đầy mới ban rãi từ tâm, mới cân nhắc gieo cái nhân mà thôi. Cho nên quả này của ai? Nhân đâu, quả đấy, không phải quả từ phước duyên chúng sanh chưa đủ mà từ cái nhân sai lầm của Trưởng lão mà chính Trưởng kão cũng đã thốt lên ngay câu trước đấy thôi. Hỡi các con! Luật nhân quả không tha thứ cho một người nào, dù người ấy chứng đạo như Phật vẫn phải trả nhân quả.

Sự khác nhau với Đức Phật chính là ở chỗ từ 8 tuổi, Trưởng Lão đã xuất gia tu tập, chay tịnh. Khác như thế nào? Bạn cứ đọc bài “Ta chia nhau danh, lợi, sắc, thực, thùy”. Tâm: danh và lợi, thân: thực và thuỳ, duy nhất hợp nhất thân tâm đó là sắc dục mà biểu tượng sắc dục chính là sự tương phản đạt đạo dục-vô dục, lậu-vô lậu, nhiễm-vô nhiễm, sinh-bất sinh…

Tất cả mọi người trong cuộc sống đều như nhau. Biểu hiện rõ nhất của sự bất xứng thân-tâm. Ở người Nhật với hình ảnh họ gà gật ngủ, thậm chí nằm lăn trên sàn tàu điện. Ngay trong giấc ngủ ấy, tâm (tưởng) cũng phóng đi để lo việc “đại sự”. Chính vì điều này mà Đức Phật dạy: Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật. Và thân tâm chỉ thực sự hoà hợp nhất như, thăng hoa khi mà danh, lợi thuộc tâm, thực, thuỳ thuộc thân, thì sắc dục, những thú vui nhục cảm càng là thử thách lơn nhất. Khoảnh khắc ngắn ngủi ái dục rồi cũng vụt qua dù là ái dục trong đạo vợ chồng hay tà hạnh, tham dâm.

Biểu đạt sự tương phản chính là sự hành trì nhất tâm là định khi mà thân tâm luôn là sự bất xứng sai lệch khát vọng và thực tại, giữa sức khoẻ, trí tuệ, hạnh phúc…Trưởng lão tu tập từ 8 tuổi, chưa trải qua tình ái để thấm thía sự đắm nhiễm của nó ở tất cả những con người “trưởng thành” và do đó đã hiểu sai nhất tâm là định, cái sức mạnh của nhất tâm. Và từ đây đã bỏ quên, đánh rơi chiếc chìa khoá vàng xác định các pháp tu tập. Đó là việc thứ nhất. Việc thứ hai chính vì sự ngộ nhận mà Ngài lại đem Bốn niệm xứ là định tưởng (một trong hai công cụ hữu hiệu để tu tập ngay từ lúc sơ cơ, để vào sơ thiền) đưa vào Định, tu tập nâng cao khi đã qua sơ thiền (Giới). Có nghĩa rằng sơ thiền thì không được phép đụng đến Tứ niệm xứ một bậc học cao hơn. Học sinh tiểu học không được đụng đến sách trung học. Đây cũng là một sai lầm cơ bản làm thay đổi, tất cả những hoạch định giáo dục đào tạo A-la-hán của Trưởng lão.

Và cũng bởi sự khác nhau về thân thế, so với Trưởng lão khi rời xa Thầy Thanh Từ, Đức Phật vẫn mang một thân xác đầy sự bất xứng, sự huân tập ác Pháp dù chưa phải người bệnh nhưng vẫn tàng chứa đầy lậu hoặc bên trong cái xác thân phàm tục. Nếu như Trưởng lão kêu gọi nhiếp tâm, tác ý đuổi bệnh vì đơn giản cái sức mạnh ý thức lực của thân tâm vô dục, không nhiễm sắc dục, danh, lợi, thực, thuỳ đều muội lược giống như tâm quờ tay là đụng thân khác hẳn sự cách biệt thân tâm của người bình thường, đang bắt đầu ly dục, bắt đầu vào chặng đầu tiên của Giới.

Trong Đại kinh Saccaka, Đức Phật miêu tả những trải nghiệm mà các sa môn phải thốt lên “Sa môn Gotama chết rồi”. Trạng thái của người tìm ra những bậc thiền hữu sắc vi diệu là thử thách sống chết như thế, không đơn giản. Cắt ái, ly gia, dứt bỏ những gì cần vứt bỏ của Trưởng lão đơn giản hơn nhiều vậy mà Ngài còn suýt tìm đến cái chết. Chính thử thách sống chết mới cho Đức Phật trải nghiệm quí báu khi chỉ rõ việc đi vào tu tập, giống như đánh lửa trên 3 dạng thân gỗ.

1. Như khúc gỗ đầy nhựa sống đặt trong nước

2. Khúc gỗ khô đặt trong nước

3. Khúc gỗ khô được vớt khỏi nước. Trải nghiệm 3 dạng người chính là sự kiên trì, tinh tấn cần nắm vững, đó là chìa khoá nhất tâm, Bốn niệm xứ, Bốn tinh cần. Điều kiện tiên quyết để có thể tu tập thiền nín thở mà Đức Phật miêu tả cho thấy sự kết nối thân-tâm, sự hợp nhất, sự nhất tâm không phải vấn đề của kỹ thuật, của quyền năng, của ý chí, của quyền lực, của sự chiếm hữu của một chủ nhân ông, hay tên bạo chúa trước kẻ nô lệ hay thần dân chỉ biết phục tùng.

Thân dù tuỳ tâm, dù chịu sự nhiếp phục nhưng không phải không biết phản kháng. Đức Phật tưởng đã chết đi khi nghe tiếng nổ trong tai, khi nghe như ống thổi lửa lò rèn…Còn Trưởng lão cũng miêu tả cảm giác khi vào tứ thiền như con đại tượng qua sông, nhưng vẫn chưa đủ để cảm nhận sự phản kháng đó mà vu nó cho ma ngũ ấm, vu cho tẩu hoả nhập ma.

Sơ thiền, đó là bước quyết định để có Nhất tâm (cùng 4 chi thiền tầm, tứ, hỷ, lạc) mà Tứ niệm xứ và Tứ chánh cần chính là phương tiện. Và khi đã an trú sơ thiền thì dứt khoát, chẳng có thần kinh giả, hay tẩu hoả nhập ma, ngũ ấm ma nào chạm đến bạn. Nếu hiểu đúng, hiểu đủ như thế, tu sinh sẽ chẳng khiến cho Trưởng lão than phiền, thậm chí mắng nhiếc vì cái bệnh sợ hãi, khiếp đảm hoang tưởng, bệnh hoạn.

Sơ thiền không phải trạng thái nhiếp tâm không phóng dật 5 – 10 phút hoặc 1 ngày, hai ngày mà chính là an trú trong nhất tâm. Vì vậy sơ thiền không đơn giản mà khi đã có nó không phải phí sức, không phải dụng công, qua nhị, tam thiền như cho tay vào túi áo. Nhưng tứ thiền thì khác. Nếu nhất tâm ở sơ thiền là ly dục, đoạn diệt ác Pháp thuộc phần thô trên thân, trên  tâm (liên quan đến thiểu duc và ly dục)  thì tứ thiền dù không phải dụng công, hướng tâm sử dụng quyền năng để điều khiển, để nhiếp phục như sự chiếm hữu đơn thuần mà là sự hợp nhất tế vi, sự nhu nhuyến dễ sử dụng sự trùng khít của hai hình vuông có cạnh bằng nhau, hai hình tròn cùng bán kính. Nên nhớ nó không phải kỹ thuật cũng như sự huyễn hoặc tứ thần túc, thất giác chi như pháp thuật, không được truyền dạy như các phù thuỷ trong phim Harry Poster.

Kỳ Nam