10 câu hỏi trăn trở và thao thức

Thực sự khi đến với Chơn Như của Thầy Thông Lạc đã tạo dấu ấn cho tôi về sự giản đơn, xoá bỏ vọng cầu tha lực, kinh kệ, chuông mõ vang rền, mê tín cầu cúng dị đoan, đúng như lời Phật dạy…nhưng tôi thực lòng vẫn băn khoăn về hai từ chánh Pháp. Có lẽ đó là sự cầu toàn quá chăng?

 

Sau sự kiện chứng đắc của Thầy Thông Lạc – Tu viện Chơn Như tại Trảng Bàng, Tây Ninh gây cú sốc thực sự trong giới Tăng chúng, các bậc tôn túc không chỉ trong mà còn ngoài nước. Không chỉ với những người thực sự mừng vui vì hơn hai ngàn năm trăm năm Phật tịch diệt cả thế giới lại bắt đầu một thời kỳ mà con người tự bơi trong bể luân hồi. Dù khổ ách tận cùng, dù cuộc đời đầy ác Pháp nhưng sẽ chẳng còn ai chỉ bảo ai, đạo đức thế tục len dần vào đạo đức Phật giáo, pha trộn, nhấn chìm và huỷ diệt. Sự xuất hiện một A-la-hán có phải là một cứu cánh cho con người? Đó là niềm hy vọng rất lớn cho loài người.

Đã có đến vài chục ngàn tín đồ, Phật tử Phật giáo phát triển lần lượt đổ xô về Chơn Như để nghe, để chiêm bái, để thỉnh kinh sách, băng đĩa. Và cũng có vô số những kẻ đến chỉ vì hiếu kỳ càng làm cho những người đố kỵ, ghen tức, lồng lộn lên. Một trào lưu dè bĩu, xúc xiểm, bài bác thậm tệ.

Đến Chơn Như không vì hiếu kỳ mà là cảm nhận hơi hướng của chánh Pháp, nơi có thể tìm được con đường giải thoát, giác ngộ, tôi khi ấy đang là một môn sinh Trường Sinh Học. Sự kiện ấy, tôi đã nêu nhiều lần, từ câu trả lời như nhập đồng cho một môn sinh mới nhập môn “Học thiền để chữa bệnh hay giác ngộ chú?”. Với tôi đó là một công án. Nhắc lại lần nữa đó là nỗi băn khoăn của tôi khi nhìn ra hai ngã rẽ chữa bệnh và giác ngộ mà chánh Pháp phải làm được thế mới gọi chánh Pháp, phải có sự hợp nhất như Đức Phật đã từng làm, những đồ đệ của Ngài đã từng làm chứ không thể khiến cho chúng sinh chạy rối lên như “kiến bò miệng chén”.

Con đường của bậc A-la-hán

04

Khi tôi đến thì Trưởng Lão đã không còn, chặng đường Ngài đi qua đã để lại gần 80 đầu sách, vô số băng đĩa và những lớp học đông nghịt người. Cả cái thư viện Chơn Như bạn có thể vào đọc, thỉnh sách về đọc. Tôi đọc, tôi nghe và tìm hiểu thật nhiều nhưng thật sự không có gì để tự mãn khi mà vẫn còn nhiều dấu hỏi lởn vởn giữa thực tế và giáo thuyết mà thầy Thông Lạc dầy công vun đắp. Thực sự thì Phật giáo Nguyên Thuỷ của Thầy Thông Lạc đã tạo dấu ấn về sư giản đơn, xoá bỏ vọng cầu tha lực, kinh kệ, chuông mõ vang rền, mê tín cầu cúng dị đoan, đúng như lời Phật dạy…nhưng tôi thực lòng vẫn băn khoăn về hai từ chánh Pháp. Có lẽ đó là sự cầu toàn quá chăng? Khi mà đạo và đời ( Trong tài liệu sách vở của Trưởng Lão) thì phân định rất rõ ràng bằng 2 quan niệm tuy hai mà một, tuy một mà hai – Vẫn chỉ là lý thuyết.

Ít nhất Phật tử cần biết rõ điều đó để không nhầm lẫn biết mình đến Chơn Như cần gì, làm gì để còn phân biệt được với tà giáo, rối rắm Đạo – Đời, Đời – Đạo, điều mà Trưởng lão thường xuyên chỉ trích “Đời không muốn bỏ mà Đạo thì muốn thêm” hay “Mượn Đạo, tạo Đời”  ùn ùn, tràn ngập ngoài kia. Những người sống theo lẽ đời nhưng hướng đạo để giảm ưu bi, sầu khổ, phiền não, bệnh tật hay những người dứt bỏ trần lao một lòng theo đạo phải có một ranh giới, phải có sự phân biệt kẻ ở ngoài và người ở trong, (tôi không dùng khái niệm tu sĩ và cư sĩ).

Chơn Như không phải là nhà máy sản xuất đủ loại hàng hoá từ chính phẩm đến thứ phẩm rồi cứ trộn vào nhau mà tung ra thị trường, khi mà từ thiểu dục và ly dục không phân biệt. Cho dù có nguỵ biện “tuỳ duyên hoá độ, gieo mầm thiện pháp” vẫn không thuyết phục được.

Vấn đề là cho đến giờ mọi người vẫn lởn vởn, nhầm lẫn chưa biết mình đã hay chưa vào đến sơ thiền, cứ nói vung mạng, theo bản năng nhồi nhét giáo lý, theo cách học tủ, luyện thi, cứ bê nguyên xi nguyên đai nguyên kiện lên bệ thờ phượng nhang khói. Điều đã nuôi dưỡng tà đạo lớn mạnh, sự mê tín, cuồng tín, sự tranh luận hơn thua đã sinh ra từ đây. Không có ranh giới của sơ thiền để nhận định người vào đạo hay chưa vào đạo, cứ nhập nhằng hướng lưu, dự lưu, nhập lưu.

Vì quá bận rộn, nhiều việc, vì những nhầm lẫn vì nôn nóng, vì canh cánh dựng lại chánh Pháp mà thầy đã chưa phân định, chỉ rõ, nhưng đến lớp người kế thừa phải biết, phải tiếp tục bổ sung những khiếm khuyết kia chứ. Chỉ cần thiểu dục, tri túc để giảm thiểu khổ đau, bớt đi tàn hại sinh linh, động vật vô tội đó cũng là một cách tu. Ít nhất, phải biết mình tu thế nào, tu đến đâu không như điều mà Trưởng lão nhiều lần “nặng lời” những kẻ tu mù dắt nhau cả đám mù tìm đến chỗ chết. Nếu không ấn chứng, tạo thêm ngã mạn vì tập quán “thọ dụng theo ngũ dục” thì tại sao không rạch ròi cách tự kiểm chứng cho Phật tử thiểu dục và ly dục.

Khi đưa lên những câu hỏi, tôi hết sức cân nhắc vì lòng kính ngưỡng Trưởng lão. Những câu hỏi mà lẽ ra chỉ có bậc A-la-hán mới có đủ trí tuệ tam minh để trả lời đã đành mà thậm chí đó còn là trách nhiệm của người được hỏi: Trưởng lão Thích Thông Lạc người liên quan mật thiết đến số phận của chúng sinh giờ đã không còn. Khi đưa ra những câu hỏi ngay cả về những cái sai nhỏ nhất, tôi vẫn mong đó là lỗi ấn tống chưa được kiểm tra, thẩm định. Nhưng thôi, tôi sẽ lần lượt đi vào chi tiết từng câu hỏi dưới đây để rồi từ đây có ai đó có khả năng trả lời thay hoặc ai đó trong chúng ta có thể luận bàn, đàm đạo ngõ hầu tìm ra ánh sáng, thắp sáng thêm con đường chánh Pháp. Thậm chí, bấy nhiêu câu hỏi chưa phải đã hết, nếu ai đó phát hiện, tìm thấy điều gì, câu hỏi gì xin cứ bổ sung, gửi đến Ban biên tập.

Sau 33 năm mà một vị A-la-hán dồn hết tâm sức vẫn không đào tạo nổi một A-la-hán để kế tục sự nghiệp hoằng dương chánh Pháp thì không sao hiểu nổi. Riêng tôi, tôi nghiệm ra một lý do mà tôi sẽ trình bày trong những bài dưới đây đó là những khác nhau rất cơ bản giữa Đức Phật và Trưởng lão dù cũng đều trải qua thiền vô sắc trước khi chứng đắc. Chính vì sự khác nhau, sự khiếm khuyết đã tạo nên yếu tố căn bản của hành trình nhân quả, khiến Ngài đưa ra những chủ trương chưa hợp thời như mong đợi của tất cả chúng sinh vẫn còn bơi ngụp lặn trong luân hồi, khổ ách, còn loanh quanh giữa những cuộc chiến thị phần tàn nhẫn. Và dưới đây là những câu hỏi đó:

1. Có chăng sự khác nhau giữa Đức Phật và Trưởng lão Thích Thông Lạc?

2. Tại sao lại rút Bát chánh đạo lại bị loại ra khỏi 37 phẩm trợ đạo để thay vào đó tứ vô lượng tâm và Tứ bất hoại tịnh?

3. Tại sao con đường tam vô lậu học Giới-Định-Tuệ 3 cấp học cũng là giác ngộ-hộ trì và chứng đạc mà định Tứ thánh lại lại hoạch định nằm gọn trong định trong hộ trì trong khi phần giác ngộ (sơ thiền) và chứng đạt (tứ thiền, phần tuệ) lại hoàn toàn biệt lập như là môn học khác?

4. Tại sao sau 33 năm, thu hút một lượng tín đồ hàng ngàn con người vẫn không tìm ra một A- la-hán để thừa tự sự nghiệp chấn hưng đạo Pháp?

5. Tại sao chìa khoá vàng “Xác định các pháp tu tập” được Trưởng lão nói đến như là phương pháp luận, như là bảo bối, là hành trang cho người học Phật lại bị “đánh rơi” dọc đường?

6. Tại sao Tám Pháp Tứ thánh định và Tứ vô lưọng tâm chưa được xem là đạo Pháp, là pháp bảo để tu tập?

7. Tại sao chưa làm rõ sự khác nhau giữa lẽ đời và lý đạo khi truyền dạy chúng sinh thiểu dục tri túc và ly dục ly ác pháp? Điều này rõ ràng đã vô tình trộn lẫn vàng với thau khiến tăng chúng, Phật tử chẳng biết đâu mà lần. Thiểu dục và ly dục khác nhau nhiều chứ?

8. Tại sao ma ngũ ấm, tẩu hoả nhập ma được Trưởng lão lại đem giới thiệu trước đám đông tu sinh?

9. Tại sao một trong 3 Pháp bảo nhất tâm – Tứ niệm xứ – Tứ chánh cần Tứ niệm xứ lại được mang đi lẻ loi, đơn độc vào cuộc nâng cao, chọn lọc mà lại rơi vào bế tắc?

10. Tại sao “Niết bàn” mãi vẫn lặng lẽ, không thấy bóng dáng một ai, hay ta đang xem hiện tượng ùn ùn kéo đến Chơn Như vào ngày vía Trưởng Lão 1/1 hàng năm đó là Niết bàn?

Kỳ Nam