Hai ngôi chùa di tích thu hút hàng vạn khách tham quan mỗi năm
Chùa Dâu, chùa Bút Tháp là những di tích lịch sử hàng ngàn năm tuổi ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, du lịch.
Nằm cách Hà Nội 30km, chùa Bút Tháp nay thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, Thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất ở đồng bằng Bắc Bộ được bảo toàn nguyên vẹn đến ngày nay.
Chùa Bút Tháp tên chữ là Ninh Phúc Tự, ngoài ra người dân trong vùng còn gọi chùa này là chùa Nhạn Tháp. Chùa được xây dựng từ thế kỷ 14 với diện tích khoảng 10.000m2, dưới thời vua Trần Thánh Tông. Quy mô của chùa như hiện nay là kết quả của lần tu tạo vào vào giữa thế kỷ XVII thời Lê – Trịnh. Chùa được trùng tu vào những năm 1739, 1903, 1915, 1921 và gần đây vào năm 1992 – 1996. Đây là ngôi chùa có kiến trúc quy mô hoàn chỉnh nhất còn lại ở Việt Nam.
Một công trình bằng đá được coi là biểu tượng của chùa Bút Tháp, đó là tháp Báo Nghiêm. Tòa tháp trông như một cây bút gồm 5 tầng với chiều cao 13,05m. Tầng đáy rộng với mái hiên nhô ra, bốn tầng trên gần giống nhau, năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ.Tương truyền vào năm 1876, khi vua Tự Đức qua chùa thấy có một cây tháp hình dáng khổng lồ liền gọi tên là Bút Tháp và ngôi chùa mang tên Bút Tháp từ đó.
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, chùa Bút Tháp còn là nơi lưu giữ bốn bảo vật quốc gia gồm: tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay, ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, hương án, tất cả đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.
Với những giá trị độc đáo, chùa Bút Tháp được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1962, đến năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Sau khi tham quan chùa Bút Tháp du khách có thể di chuyển đến chùa Dâu (cách chùa Bút Tháp 3km), chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi khởi nguồn của đạo Phật.
Chùa Dâu còn có tên gọi là chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng Tự, Pháp Vân tự. Chùa được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 2 (từ năm 187 đến năm 226), năm 1313 chùa được xây dựng lại và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Tọa lạc ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chùa là một trong những danh lam bậc nhất xứ Kinh Bắc. Năm 2013 chùa Dâu được chứng nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Nổi bật nhất trong các công trình của chùa là tòa tháp Hòa Phong. Theo thư tịch cổ, vào thời Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho trùng tu chùa Dâu, xây tháp cao 9 tầng. Nhưng kiến trúc của tòa tháp hiện còn là của thời Lê Trung Hưng. Tháp được xây bằng gạch nung già, với 3 tầng, cao 15m.
Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817.
Được xây dựng theo mô hình “nội công ngoại quốc”, các dãy ở chùa Dâu đều được liên kết với nhau và tạo thành hình chữ nhật bao quanh khu nhà chính. Các khu bên ngoài bao quanh gồm có tiền đường, thiêu hương, thượng điện.
Tượng Pháp Vân được thờ trong nhà Thượng điện. Đây là một trong 4 pho tượng trong hệ thống tượng Tứ pháp vùng Dâu -Luy Lâu được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tượng Pháp Vân uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc.
Phúc Nguyên
(tạp chí Du lịch TP.HCM)