Câu chuyện con rùa và sáu căn

Trong kinh A Hàm, có câu chuyện: Một hôm đức Phật vào rừng ngồi thiền. Sau khi xả thiền, Ngài nhìn chung quanh thấy có con rùa lớn bò qua. Một con rái cá thấy được định chụp ăn, nhưng mai con rùa cứng và trơn quá, nó chụp không được.

 

Nó chờ con rùa ló đầu ra liền chụp. Con rùa lại rút đầu vào, rái cá chờ chụp chân nhưng rùa cũng rút chân luôn. Còn cái đuôi, rái cá vừa định chụp thì rùa vội rút đuôi vô mai. Sáu bộ phận rùa đều rút kín vô mai hết, con rái cá đi tới đi lui cạp không được, cuối cùng nó bỏ đi.

Phật nói người tu phải khéo giữ sáu căn như con rùa khéo giữ các bộ phận của nó vậy. Nếu các bộ phận rút vô mai hết thì rái cá không ăn được. Cũng vậy, chúng ta nếu khéo phản quan sáu căn của mình quay lại, không cho dính với sáu trần, đó là kế sách an toàn nhất. Người không dính với sáu trần thì người đó sẽ được giải thoát sanh tử.

Người tu cần canh gác sáu căn

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cho nên Lục Tổ Huệ Năng khi nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang đến câu “bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài liền đại ngộ và thốt lên “đâu ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt v. v…”. Ngay đó Ngũ Tổ biết Ngài đã ngộ đạo.

Vậy Ngài ngộ đạo qua pháp gì? Qua lời dạy an tâm. Tâm không dính sáu trần thì được tự tại. Bởi vì khi tâm không dính với sáu trần thì không khởi niệm nghĩ điều gì cả. Tất cả các nghĩ tưởng của chúng ta đều duyên theo sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà có. Thí dụ ngồi niệm Phật hoặc ngồi thiền, không tiếp xúc với sắc thanh hương vị xúc nhưng còn thấy pháp trần.

Những bóng dáng cũ hôm qua hôm kia còn lưu lại trong tâm, bây giờ nó sống dậy. Thấy các bóng dáng đó thì phải bỏ đi, không chạy theo nó, đó là chúng ta tu. Đi ra nhìn thấy sắc thanh hương vị xúc, mình không dính. Ngồi lại pháp trần dấy hiện lăng xăng, mình buông đi, không dính. Tu như vậy là gỡ các thứ dính mắc, không cho sáu căn kẹt nơi sáu trần. Do đó mà tâm được định. Tu là cốt để được định, từ định phát sinh trí tuệ.