Lỡ tạo nghiệp thì sám hối thế nào?
Tôi rất xấu hổ khi viết email này. Cách đây mấy năm, vì tham lam nổi lên che mờ tâm trí nên tôi đã giành hoa hồng của đồng nghiệp. Tuy số tiền không lớn lắm nhưng sau đó tôi rất áy náy với hành vi xấu này. Tệ hại hơn, tôi lại nói xấu bạn ấy với các đồng nghiệp khác để mọi người tin là tôi đúng. Sau đó vì quá thẹn với mình nên tôi đã chuyển hết số tiền đó cho bạn kia rồi im lặng mà không hề xin lỗi hay giải thích cho mọi người về hành vi tội lỗi của mình.
Sau này tôi cố gắng sám hối và làm phước thiện, xin được hồi hướng cho bạn kia. Nay tôi đã quy y Tam bảo, nghe được Phật pháp, tôi hiểu là bản thân mình cần sám hối với chính bạn đồng nghiệp đó. Nhưng cái ngã của tôi vẫn lớn khiến tôi không dám khơi lại chuyện cũ. Tôi tin nhân quả, lo lắng về quả báo nhưng lại sợ mất mặt khi sám hối với bạn kia. Tôi đã sai khi làm tổn hại tài sản và danh dự của người. Tôi thấy mình tệ và hiện không biết phải làm sao?
Thành tâm sám hối, dần dần tội hết
Đã sinh làm người thì ai cũng có lỗi lầm. Trừ các bậc Thánh thì hầu như ai cũng từng đắc tội, có lỗi. Khác biệt và hơn nhau ở chỗ là tự nhận ra lầm lỗi của mình để tìm cách khắc phục. Như có bệnh mà quan tâm chữa trị thì bệnh sẽ lành, ngược lại có bệnh mà che giấu hay tự huyễn là không bệnh thì bệnh sẽ nặng thêm lên. Bạn đã biết mình sai, có tâm muốn sám hối và chuyển hóa nghiệp xấu, nếu thực hành đúng pháp thì chắc chắn tội nghiệp kia sẽ được hóa giải.
Bạn đã làm được việc khá quan trọng từ rất lâu là khi biết mình sai thì tâm tư luôn áy náy, trong lòng ray rứt và chuyển ngay số tiền kia về đúng khổ chủ. Nợ về tài sản, căn bản đã được giải quyết. Còn nợ về bôi nhọ danh dự người, thực hành hối lỗi với người và minh oan cho bạn ấy thì vẫn còn nguyên. Mặc dầu bạn đã tự tâm sám hối cũng như làm được việc lành nào thì hồi hướng cho bạn nhưng chưa đủ để hóa giải hết tội nghiệp của mình.
Chướng ngại của bạn hiện là cái tôi còn quá lớn, biết sai mà ngại sửa. Để làm mỏng cái tôi cá nhân, trước tiên, bạn hãy tiếp tục tự ăn năn và thực hành sám hối trước Đức Phật. Có thể xướng lạy danh hiệu Phật để sám hối, hoặc lễ Phật rồi quỳ xuống tha thiết phát lộ (nói lên tâm sự của mình), cầu xin sám hối. Đức Phật sẽ chứng minh cho sự ăn năn hối lỗi và gia hộ cho bạn đầy đủ sự dũng cảm để thực hành sám hối tiếp theo.
Kế đến, bạn thì nên tìm đến một vị Tăng (Ni) mà bạn cung kính, đảnh lễ xin phát lộ sám hối. Vị Tăng (Ni) đó sau khi nghe xong câu chuyện sẽ chứng minh cho sự thành tâm hối lỗi của bạn, đồng thời sẽ khuyến tấn bạn cố gắng hơn nữa trong việc sống và hành xử tử tế. Sau khi sám hối xong, bạn sẽ cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm hơn, điều ấy đồng nghĩa với việc tội lỗi đã vơi đi rất nhiều.
Có thể bạn đồng nghiệp bị hại kia đã buông hết chuyện xưa và cũng có thể vẫn đang còn ghim việc cũ. Thời gian trôi đi cũng giúp xóa nhòa, loãng bớt đi mọi chuyện. Khi nhận được sự chân thành hối lỗi (dù gián tiếp) từ bạn thì người ấy cũng nguôi lòng và dễ dàng hỷ xả, bỏ qua chuyện cũ. Nếu nhận được sự phản hồi cảm thông, không để bụng nữa thì xem như bạn đã sám hối thành công.
Vì bạn ái ngại không dám gặp mặt để nói về chuyện xưa nên phải đi đường vòng. Nếu đủ dũng cảm, mạnh mẽ gạt bỏ cái tôi thì việc dọn lòng sẽ đơn giản hơn. Tìm cách gặp nhau, nói ra hết nỗi lòng, chân thành nhận sai và xin lỗi, được bạn hỷ xả và bỏ qua, bắt tay xong thì lập tức thảnh thơi, nhẹ nhàng.
Xét cho cùng, xin lỗi là điều phải làm trong cuộc sống nếu muốn thực sự trưởng thành. Có lỗi là bình thường, biết xin lỗi mới phi thường, Đức Phật dạy đó là người mạnh mẽ nhất. Đời sống chỉ mấy mươi năm, hiện tại tội phước đan xen để làm nền tảng cho tương lai. Một khi đã tin sâu nhân quả thì sám hối, xin lỗi và phục thiện là cách hay nhất để vun bồi cội phước, đó cũng là việc quan trọng của đời người.
Theo Giác Ngộ.