Bình bát trôi ngược dòng của Thế Tôn
Sau khi thọ thực bát cháo sữa cúng dường của hai chị em nàng mục nữ Sujata, Sa môn Gotama đến bên dòng sông Ni-liên-thiền nói rằng: “Nếu ta thành đạo Bồ Đề, thì bình bát này sẽ trôi ngược dòng sông!”. Rồi ngài ném bình bát ra giữa dòng nước. Lạ thay, bình bát bằng vàng trôi ngược dòng nước chảy một khoảng xa. Lúc này, Sa môn Gotama trở lại cội cây cổ thụ Ajapala, dũng mãnh phát đại nguyện: “Nếu ta chưa thành đạo, dù thịt nát xương tan, quyết không rời cội cây này”. Sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định, vào rạng sáng khi sao Mai mọc, Ngài chứng nhập vào cảnh giới Bất Khả Tư Nghì, thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. (Cội cây Ajapala ấy sau này được gọi là cây Bồ Đề, cây Giác Ngộ).
Người bạn đạo cho rằng do nghị lực phát nguyện của Sa môn Gotama cảm ứng Chư Thiên nên Chư Thiên dùng thần thông khiến bình bát trôi ngược dòng. Tôi không thích lắm với cách lý giải này. Nói vậy, Chư Thiên biết việc thành đạo của Sa môn Gotama hay sao? Thử đặt vấn đề: Giả sử bình bát không trôi ngược dòng, mà trôi xuôi hoặc chìm xuống, Sa môn Gotama không thành đạo hay sao?
Có bản khác lại ghi rằng: Khi Sa môn Gotama thả bình bát xuống, cùng lúc ấy lại có một con rắn nước đang bơi, để tránh dòng nước chảy mạnh, nó mới nấp dưới bình bát bơi lên, lại vô tình giúp bình bát trôi ngược dòng…
Rồi có những lý giải khác nữa…
Câu chuyện này mang tính huyền sử. Đạo Phật là như thật. Nếu có thêm yếu tố thần thánh, lạ kỳ, đó là cách nhìn của Chư Thiên, hoặc cũng chỉ vì thêm niềm tin, vì lợi ích cho người học đạo sau này, chứ tuyệt nhiên không muốn người đời sau sa vào những điều thần bí, không đúng với tinh thần Đạo Phật. Xin được phép không mạn đàm, lý giải.
Hãy tạm gác lại yếu tố nói trên, chỉ nhìn sự việc câu chuyện qua con mắt thực tế của nhà thiền, để rút ra những lợi ích thực tiễn trên con đường tu học.
Con đường thế gian là con đường một chiều, dòng sanh tử, dòng thời gian cứ trôi mãi. Muốn thoát được phải ngược dòng, người học đạo có lẽ nên xem đây là ẩn dụ.
Yếu chỉ ngược dòng được thể hiện rất rõ trong kinh Lăng Nghiêm, phẩm Bồ tát Quán Thế Âm trình bày pháp tu Nhĩ Căn Viên Thông với Đức Thế Tôn: Phản văn văn tự tánh (xoay cái nghe trở về Tánh Nghe – Tự Tánh). Sáu căn: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân, Ý (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý) là nơi dẫn chúng sanh đi vào sáu nẽo, luân hồi, sanh tử tiếp nối không có ngày ra; nhưng cũng chính sáu căn là cửa ngõ giải thoát, cửa ngõ Niết Bàn. Từ sáu căn mà biết cách tu, xoay về thì đều đạt cảnh giới Niết Bàn. Từ sáu căn hiện tướng mà ứng hóa thì đầy đủ thần thông diệu dụng.
Cũng qua kinh Lăng Nghiêm, Phật đã chỉ ra hai món căn bản từ vô thủy, mà chúng sanh do không rõ được hai món căn bản này, lạc mất bản Tâm, đành chịu trôi lăn, trầm luân trong bể khổ. Hai món căn bản đó là:
1. Sanh tử, phiền não từ vô thủy.
2. Thanh tịnh, Niết bàn từ vô thủy.
Như vậy, với một người trở lại nguồn xưa, thì ngay đây là vô minh sanh tử và cũng ngay đây là Thanh tịnh Niết Bàn, chỉ là khéo xoay trở lại.
Lúc mê tu nhiều kiếp,
Ngộ chỉ một sát-na.
Con đường Niết bàn, cứu cánh tối hậu mà mười phương chư Phật đồng chứng nhập. Kỳ thật, vốn sẵn nơi mỗi chúng sanh, nơi mỗi người. Ngay sát-na hiện tiền, đã bao gồm đầy đủ cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Gọi là vô thủy vô chung vì dòng sanh tử vô minh không manh mối, không biết từ lúc nào và khởi thủy từ đâu. Chúng sanh vô minh nên mịt mờ manh mối, Bậc Giác Ngộ bùng vỡ vô thủy vô minh, chứng nhập Niết bàn, thấu tột cội nguồn chỉ một sát-na.
Mười phương Bạc-già-phạm (Chư Phật)
Nhất Lộ Niết Bàn Môn.
Trong lịch sử Thiền Tông Việt Nam, vua Trần Nhân Tông – Sơ tổ Trúc Lâm Đại Đầu Đà – khi hỏi yếu chỉ với thầy mình là Tuệ Trung Thượng Sĩ thì được bảo rằng: Phản quang tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc (Xoay lại mình là bổn phận chính, không từ bên ngoài mà được).
Ngay đó, Sơ tổ bèn biết được lối vào.
Người học đạo chân chính không dựa dẫm, cầu xin từ bên ngoài, họ vẫn nhờ tha lực trợ duyên trên con đường tu học, còn bản thân phải tự nỗ lực dựa vào chính mình, cần phải có dũng khí, hùng lực của một con sư tử; nhân địa của một bậc trượng phu.
Ngày xưa, nơi Ngao Sơn, Tổ Nham Đầu đã từng khai mở cho sư đệ của mình là Tổ Tuyết Phong Nghĩa Tồn: “Từ bên ngoài mà được, chẳng phải của báu trong nhà. Mỗi mỗi phải tự trong hông ngực của mình lưu xuất, mới đảm đương việc che trời đạp đất sau này”.
Có vẻ yếu chỉ ngược dòng thế gian cũng dễ nhận thấy, nhưng khó áp dụng trên con đường tu học qua việc đối duyên xúc cảnh hằng ngày. Nói là khó vì tập nghiệp sâu dày, chẳng rõ bản Tâm, ôm ấp bảo vệ khư khư bản ngã. Người thực tâm học đạo, quyết tâm từ đây không bảo vệ, xây dựng tường thành cho bản ngã ẩn nấp nữa, từng bước thực hành trên con đường Bồ Tát đạo. Những kiến chấp, ngã chấp dần dần rơi rụng, bản ngã lộ diện chỉ là ảo ngã, không thực có, không còn tác oai tác quái nữa, cho đến một ngày họ chạm mặt với Biển Đại Giác thênh thang không ngằn mé, nhìn lại chuyện thế gian như giấc mộng đêm hè, nhìn lại sơn hà đại địa, tấm thân tứ đại cùng sum la vạn tượng,… như những hòn bọt nhỏ nhoi nổi trôi trong Biển Giác vô bờ.
Tuy nhiên:
Đốn ngộ tuy đồng Phật
Nhiều đời tập khí sâu
Gió dừng sóng vẫn vỗ
Lý hiện niệm còn xâm.
Biết được như vậy, con đường tu học đã rõ ràng. Dù tập khí, tập nghiệp do vô minh huân tập nhiều đời vẫn còn đó, nhưng với một người đã rõ yếu chỉ ngược dòng, họ không còn lo sợ, nghi ngờ gì nữa, từng bước tiêu mòn nghiệp cũ, từng bước vững vàng trên con đường đạo.
Tùy duyên tiêu nghiệp cũ
Hồn nhiên mặc áo xiêm.
Yếu chỉ ngược dòng cũng hàm ý là xoay lại, trực nhân bản Tâm. Qua giai thoại pháp môn an tâm mà Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma dạy Nhị tổ Huệ Khả:
Huệ Khả: Tâm con không an, xin Thầy an tâm cho con.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma: Đem tâm ra đây, ta sẽ an cho.
Huệ Khả: Dạ con tìm tâm không được.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma: Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Ngay câu nói này, Nhị tổ Huệ Khả liền nhận ra yếu chỉ.
Người thế gian thường thích được ca tụng, thích ăn trước ngồi trên, thì ngược lại người tu học phải nhún mình lùi lại phía sau, âm thầm làm bao nhiêu việc lợi ích cho mọi người mà không màng ai biết đến. Người thế gian thì hay vỗ ngực xưng tên, ăn nói lấn lướt, khoe khoang này nọ, thì người học đạo lại tùy duyên mà nói và nhường lời cho người khác, hạ mình khiêm cung. Người thế gian thường tranh luận hơn thua, đấu tranh giành giật, còn người học đạo không ham tranh luận, chịu nhận phần thiệt về mình.
Con đường quen thuộc của nhân thế xưa nay là vậy, say men trong hương vị ngọt ngào của sắc thanh hương vị xúc pháp, để bị quyến rũ không dừng được, để rồi tạo nghiệp thọ sanh, tương tục đi hoài trong sáu nẽo. Chưa từng biết đâu để dừng lại, dừng cái gì, xoay lại như thế nào?…
Con đường của Phật, Tổ chỉ cho họ một lối đi trung đạo, vẫn giữa dòng đời chìm nổi, xô bồ, họ học hạnh nhẫn, nghe được những lời miệt thị khó nghe, những điều mà thiên hạ chẳng ai muốn nghe, chẳng ai thèm thấy. Một khi ngược dòng, họ đã nếm được hương vị giải thoát, họ đã có lối đi riêng “Mặc Tánh tiêu dao, Tùy duyên vô quái ngại”. Họ từng bước mài mòn bản ngã vì họ tin lời chư Phật, chư Tổ, muốn vào được đất Như Lai, điều kiện tiên quyết là phải bước đi trên con đường vô ngã.
Dù ở cảnh giới nào, cho dù bức bách, khó khăn, bất như ý, thì người học đạo vẫn thỏa mái, an lạc, vẫn an nhiên tự tại trong mọi cảnh giới. Thật là biết biến cảnh giới tối tăm, bức bách, phiền não… thành miền an lạc.
Người học đạo hành như vậy, thấy ra như vậy, biết được Pháp ấy nơi Đức Thế tôn chỉ bày như vậy, mới không uổng công học đạo, mới không phụ ơn lớn của Phật, Tổ không gì báo đáp được. Mới cảm thông được Pháp Hội Linh Sơn vẫn chưa tan, mới thấy hình ảnh Đức Từ phụ với bình bát trôi ngược dòng vẫn sáng ngời giữa hai vầng Nhật Nguyệt.