Tri hành và ngôn hành
Như biết bạo thực ắt sinh bệnh, quá ngôn thời đa thất, tham tài có phen tản mạng, nhưng mấy ai là người có gan đè nén cái ham ăn, ham nói, ham tiền của mình, khi sự kích thích của ngoại cảnh quá mạnh. Thật vậy, dễ ngoảnh mặt làm ngơ với một món lợi nhỏ phi nghĩa bao nhiêu, thời khó đừng suy nghĩ bao nhiêu trước một số bạc kếnh xù. Mà suy nghĩ là lòng bị động rồi vậy. Cũng thế, miếng ăn đừng quá vừa miệng, lời khen đừng quá nồng nàn, họa may con người mới có thể giữ gìn tiết độ, bằng không thời thật là thiên nan vạn nan.
Đó là mối tương quan giữa biết với làm.
Còn giữa làm với nói cũng không khác gì. không khác cho nên cổ ngữ mới có câu: “Đàm thiền tự thánh, xúc sự như ngu”. Ngồi mà luận đạo, bao nhiêu cái huyền cái thâm, cái chân cái thật, ít khi là khó nói, khó nghe. Nhưng nói để tranh cao hạ, hay nói để mà nói, nghĩ ra không mấy ai là làm không được, khó chăng là ở chỗ nói ít mà làm nhiều, hay ít ra, nói tới đâu làm tới đó.
Nói ít mà làm nhiều là hạng đại trí, đại hùng, đại lực.
Đại trí biết lúc nào phải tiến, khi nào phải lùi, thế nào là hợp đạo, thế nào là sai đạo, những việc nào nên làm, những việc nào không nên. Rồi cứ y theo đó mà hành một cách dõng mãnh, tinh tấn, không cần phô trương, không cần người biết, vì vậy mà nói ít làm nhiều, nhưng luôn luôn vẫn sợ hành bất cập ngôn.
Người chưa được đại trí, nhưng biết trọng lời nói thường sợ vọng ngữ đại ngôn, dối mình gạt người, không ích gì cho mình, cho người, mà còn có hại đàng khác. Do đây mới cố làm tới đâu là nói đến đấy, hay rủi có lỡ lời, thời cố làm cho đúng mức, để khỏi mang tiếng là bịp.
Ngoài đời trong đạo, mỗi người giữ được như hạng này không còn gì quý hơn.
Nhưng thực tế chỉ cho chúng ta thấy gì?
Trong cử chỉ, chưa có một nét gì đáng gọi là quân tử, khinh tài, trọng nghĩa, bụng thẳng lòng son, thế mà nhiều người mở miệng ra là toàn những lời lẽ của Thánh hiền, khiến người tầm thường khâm phục bao nhiêu thì người trí nén cười bấy nhiêu. Đó là ngoài đời. Trong đạo là nơi giới luật phải nghiêm trì, dù xuất gia, dù tại gia, thế mà số người ngôn hành bất hợp nhất, chẳng những không giảm mà càng ngày càng thấy tăng là khác. Càng tăng hơn nữa, từ ngày hoàn cảnh đổi thay.
“Chưa chứng mà nói chứng” là một lời kết tội của đức Phật đối với ai ngôn hành không hợp nhất. Nhưng chưa chứng mà tự hào là đã chứng, để làm gì? Ngoài cái ý tự đề cao, để được ngợi khen, thật không còn thấy lý do nào khác. Nhưng muốn người ta khen để làm gì, há không phải vì lòng mong ước một cái lợi tinh thần hay vật chất nào đó?
Hoặc giả, khuyên người theo Phật mà từ, bi, hỷ, xả, nhưng ngay đó lại nhắc đến những cái ác của người đã làm khổ mình. Chúng ta thấy chăng cái mâu thuẫn quá lớn lao giữa hai thái độ? Nếu thật phải xả, thời cái gì thuộc về quá khứ, bỏ quách cho rồi, nhắc lại làm chi, để cho mình tức người giận mất hết đức hỷ. Còn nếu thật là từ bi, thì những kẻ ác kia đáng thương chứ nào đáng ghét. Họ đã quá tham, quá chấp, cho nên thành mù quáng ngu mê, say ngủ. Họ đã như thế, họ đã hết là họ, là con người, thời còn bắt tội họ làm chi? Họ đã tự kết án họ rồi, họ là người đang sống trong ngục. Nên thương những con hổ đang âu sầu trong chuồng sắt với câu “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!”, hơn nữa là trêu tức chúng, nguyền rủa chúng…
Thiết nghĩ, như thế mới là ngôn hành hợp nhất, mới là cử chỉ xứng đáng của con nhà Phật.