Ngày xuân con én đưa thoi
Nếu không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng mùa xuân!
Nhìn lại một đời người, cũng không khác tiết trời bốn mùa như vậy. Sinh ra trong cõi người đã là nhân duyên lớn, kỳ diệu và may mắn. Trong các điều khó trong Phật pháp, thì điều đầu tiên ai đang được làm người, là đã đủ yếu tố may mắn: Thân người khó được, như Kinh Phật ví như con rùa mù ở đại dương, bốn trăm năm mới trồi lên mặt biển một lần, gặp đúng bộng cây trôi lênh đênh mới được làm người. Xác suất này cực thấp, mà mình đang có, nên biết trân quý và chớp lấy cơ hội này để học Đạo.
Hãy xem các điều khó học Đạo đối vối mỗi một chúng sanh:
1. Được thân người là khó.
2. Được đầy đủ sáu căn là khó (sáu căn không khiếm khuyết).
3. Được làm thân nam tử là khó.
4. Sinh ra đời gặp Phật pháp là khó.
5. Gặp được bậc Thiện tri thức là khó.
Vậy ai đang may mắn có đầy đủ những điều kiện quá khó trên, tự ngẫm lại vui mừng và thầm biết ơn Tam bảo, rằng mình từ bao nhiêu kiếp đã gieo nhân lành, để có điều kiện quý báu đời này, nhân đó tự tin, vững chí trên con đường Đạo.
Điều kiện Cần đã có, còn lại điều kiện Đủ là ở nơi bản thân mình. Trong các yếu tố trên, nếu chưa đủ thì phát nguyện, tạo thêm nhân duyên cho đủ. Phàm mọi việc khi đầy đủ các yếu tố cần thiết thì có kết quả. Việc học Đạo cũng không khác, khi đầy đủ các duyên mới thành tựu.
Cần định hướng rõ ràng trên con đường học Đạo. Ở thế gian, các nhà khoa học cũng đã định hướng nghiên cứu của mình, Newton đã phát minh định luật Vạn vật hấp dẫn khi phát hiện quả táo rơi; Archimedes đã phát minh định luật Lực đẩy của chất lưu (chất lỏng hay chất khí) khi đang tắm… đóng góp lợi ích vào cuộc sống cho nhân loại.
Phật và các vị Tổ sư, trước đã gieo nhân địa Bồ Đề, định hướng cho việc phát minh Tâm Địa, khi đầu đủ nhân duyên, thành tựu quả vị Bồ Đề, rồi truyền bá ra khắp, đem lại lợi ích rộng lớn cho quần sanh.
Tất cả chư Phật đều thành Đạo ở cõi Người. Đời người không ngắn, cũng không dài, với đầy đủ buồn vui sướng khổ, rất phù hợp và đầy đủ nhân duyên để học Đạo.
Là người ai cũng đầy đủ sáu căn, đầy đủ sáu vị vua giúp ta thành tựu đạo Bồ Đề. Chỉ là có chịu nhận các vị vua hay không? Có chịu khế hợp với vua, hay là dung túng cho ma ngoại được dịp quấy phá. Nói như vậy để thấy rằng lỗi tại nơi mỗi người, xưa nay nhận giặc làm con, nuông chiều quá mức, giúp ma ngoại tung hoành, phá nát của báu trong nhà, thành ra nghèo khổ, lang thang kiếp ăn mày đói rách thiếu thốn, giao du và hành xử theo cách nghèo hèn, không biết đã từng an lạc với Mùa Xuân Di Lặc, quên mất ngày xưa vốn là bậc vương giả giàu sang.
Vậy bằng cách nào để khế hợp với phong cách bậc quân vương? Hãy nghe các chư Tổ dạy: Hàn Lu trục khối – Sư tử giảo nhân. Dựa theo tích truyện nước Hàn có giống chó Lu rất khôn ngoan và nhanh nhẹn. Khi một người thảy ra một cục xương thì giống chó này nhanh lẹ phi lên đớp ngay cục xương không cho rơi xuống đất. Tuy là nhanh và hay như vậy, vẫn bị chê là loài chó chạy theo miếng mồi trần cảnh, dễ bị dụ theo sanh diệt bên ngoài. Sư tử thì không như vậy, người quăng cục xương ra, sư tử (tương trưng cho vua của muông thú) không đuổi theo cục xương mà vồ đớp ngay tay người ấy. Qua Phật thoại ngắn đầy hình tượng như vậy, ngầm nhắc người học đạo nên như loài sư tử kia, không bị dụ chạy theo, mê hoặc bởi trần cảnh bên ngoài, đó là những tướng sanh diệt của tiền trần, của sắc thanh hương vị xúc pháp. Mà nhân đó quay về, nhận lại bản vị nơi mình, vốn sẵn gốc pháp tự ngàn xưa.
Hoặc hai câu kệ trong kinh Lăng Nghiêm:
Tri kiến lập tri, tức Vô minh bổn
Tri kiến vô kiến, tư tức Niết Bàn
Đều là yếu chỉ trực tiếp đưa người học Đạo chóng nhận kho báu Bồ Đề.
Hãy xem phong cách của một vị vua: Oai nghi, đường bệ, quang minh, chính đại, bao dung, độ lượng, có tầm nhìn xa trông rộng. Ánh mắt nhìn chính trực, hiền từ. Cử chỉ khoan thai, nhàn nhã. Lời nói dõng dạc, rõ ràng. Tinh thần mạnh mẽ, khí phách. Tâm hồn nhân hậu, bao dung… Ngược lại là kẻ nghèo hèn yếu đuối, tinh thần bạc nhược. Mắt nhìn lấm lét, sợ sệt. Giọng nói yếu ớt, không âm điệu. Dáng vẻ khúm núm, rụt rè… Do quên mất kho báu nơi mình, trở thành kẻ cùng đinh xa xứ, uổng chịu kiếp sống nghèo hèn như vậy. Phật Tổ thương xót, ứng dụng nhiều phương tiên thiện xảo chỉ bày, cốt quay về nhận lại kho báu, trở thành giàu có chưa từng thiếu thốn, trở lại với phong cách của vị vua, hưởng an lạc trong mùa xuân miên viễn.
Mà việc trở về có xa không? Có khó lắm không? Xa thì thật là xa, trôi lăn từ vô lượng kiếp mà! Khó thì quá khó, như nhiều kẻ bạc nhược dẫn chứng lập luận rằng: Từ xưa đến giờ người tu cũng nhiều mà có ai thành Phật đâu, chỉ có mình ông Phật thành Phật thôi! Tu chi cho mệt! Rồi chấp nhận kiếp bèo dạt mây trôi, nuông chiều theo dục vọng…
Về tâm thì không thể nói xa gần, vì tâm ai cũng có, cũng sẵn sàng. Về khó hay dễ thì quan trọng là ý chí và khả năng điều phục cái tôi, bản ngã, hay tập khí huân tập quá lâu. Cái chính là cần đi đúng hướng, quan trọng là gặp bậc Thiện tri thức hướng dẫn.
Duyên lành đã đủ, việc còn lại dành riêng mỗi người, tự nỗ lực bản thân. Đức Phật từng quở trách rồi nhắc nhở ngài A Nan: Ngươi dù học rộng hiểu nhiều, nhưng nếu không chịu nỗ lực tu học, thì một giọt nước cũng khó tiêu.
Việc thành tựu đạo hạnh chẳng thể ngẫu nhiên, may mắn, cũng chẳng thể dựa dẫm, ngộ (ké) được ai. Các vị Tổ sư đều nhận thấy sâu sắc và lập chí mạnh mẽ. Tổ Huyền Sa Sư Bị nói: Ngày nay nếu chẳng liễu đạt thì sáng mai vào thai lừa bụng ngựa, kéo cày chở nặng, hàm thiếc mang yên, cối xay mài giã, nấu đốt trong nước sôi lửa bỏng, không phải là dễ chịu, phải nên sợ hãi. Quốc sư Vô Nghiệp nói: Than ôi! Được thân người như đất dính móng tay, mất thân người như đất khắp quả đất. Thật đau đớn thay!
Tổ Hoàng Bá nhắc nhở:
Chẳng phải một phen xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương!
Sắc Xuân vẫn ngập tràn khắp chốn, tỏa duyên lành cho mọi người gieo hạt giống Vô Sanh, khơi dậy Tự Tánh Bồ Đề viên mãn, cùng tiến bước trên con đường người xưa khai mở, nhận lại Mùa Xuân An Lạc, không để lỡ qua một kiếp người quý báu, khỏi phải lang thang bao kiếp trầm luân.
Tuệ Quán