Tuổi trẻ học Phật
Đạo Phật là con đường hướng dẫn tất cả mọi người hướng đến một cuộc sống giá trị nhân văn và an lạc trong cuộc sống hiện tại, điều đó thật không? Là người trẻ, tôi từng trải qua những sợ hãi, những nóng vội của cuộc sống, đôi khi là bồng bột, non nớt trong suy nghĩ và hành động. Lúc ấy, tôi có may mắn tìm đến những lời dạy mộc mạc và gần gũi của Phật. Từ đó, tôi đã chuyển biến và nâng suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, sống bằng những hành động đúng đắn hơn. Sao lại có sự chuyển biến như vậy? Bạn có tin chăng? Khoan vội tin, vì sao? Vì Đức Phật Thích Ca có nói: “Khoan tin lời ta nói, hãy thực tập đi, trải nghiệm những lời ta dạy đi, rồi hãy tin”. Đấy, Phật còn nói thế, sao ta không thử thực hành? Hãy làm một cuộc thử nghiệm và học hỏi, hãy tập, nếu đúng thì ta áp dụng vào đời sống, áp dụng trong sinh hoạt, trong công việc hàng ngày. Trẻ mà, cứ trải nghiệm.
Ảnh minh hoạ.
Đầu tiên, tôi muốn với các bạn trên tinh thần của một người Phật tử, vì nếu là Phật tử chúng ta có thọ tam quy ngũ giới? Nên quy y Tam bảo, mà tam bảo là gì? Quy y là gì? Nghe hơi lùng bùng đúng không? Không sao, hãy bình tĩnh. Quy là quay về, y là nương tựa, vậy quay về nương tựa gì? À nương tựa Tam bảo? Tam là ba, bảo là bảo vật, là những gì quý giá, có giá trị. Vậy thì quy y Tam bảo là quay về và nương tựa ba điều quý giá, là giá trị cốt lõi trên bước đường học Phật. Nghe có gì đó cuốn hút phải không? Vì có bảo vật, có giá trị cốt lõi mà.
Điều quý giá thứ nhất để nương tựa là Phật, Phật là đấng giác ngộ, người đã thoát khỏi sự ràng buộc, sự tỉnh giác hoàn toàn, là người Thầy sẽ chỉ ra con đường đi đúng đắn cho chúng ta đi theo. À có điều nay tôi muốn chia sẻ, Phật không phải là đấng giáo chủ, vì Phật chưa bao giờ nói ta là tất cả, hay nói như ngôn ngữ các bạn trẻ bây giờ, Phật không phải là ông trùm và nói gì chúng ta cũng chấp nhận là đúng ngay lập tức, không được nghĩ khác, nói một là một, hai là hai… Phật cũng không phải là ông thần, ông thánh ban phước hay giáng họa. Nói quy y Phật, là quy y vị thầy giác ngộ, quay về nượng tựa người tỉnh thức, chỉ đường cho chúng ta. Có bạn hỏi tôi rằng:“Tôi quy y Phật A Di Đà thôi, vì tôi thấy pháp môn Tịnh độ hay, hay tôi nghe Phật Dược Sư linh nghiệm nên tôi chỉ quy y Phật Dược Sư thôi… Tôi xin nói rằng, suy nghĩ thế là chưa đúng với ý nghĩa quy y. Quy y Phật không phải là quy y một vị Phật nào cả, dù tên gọi Phật có khác nhau, nhưng danh từ “Phật” là để chỉ cho người đã tỉnh giác hoàn toàn, vị thầy sáng suốt hoàn toàn, là bậc dẫn dắt cho tất cả mọi người đi theo con đường đúng, giúp chúng ta giải thoát khỏi đau khổ, mỗi hành động, suy nghĩ của chúng ta khi quay về nương tựa Phật là tạo một cuộc sống an lạc, hướng đến Chân Thiện Mỹ.
Nương tựa vào điều quý thứ hai là Pháp. Pháp là những lời Phật nói, là nương tựa nơi sự thật, nương tựa nơi chân lý. Những lời chư Phật nói đều giúp cho mọi chúng sinh thoát khỏi luân hồi, đau khổ, giúp chúng ta nhận diện được chân lý của cuộc sống và học theo. Nhưng Phật Thích Ca cũng dạy ta rằng, Pháp chỉ là con đường dẫn đến giác ngộ, dẫn đến tỉnh thức, Pháp chỉ là ngón tay chỉ trăng, không phải mặt trăng. Vì vậy, người trẻ chúng ta cứ bám vào Pháp, mà không suy nghĩ, thực hành thì chúng ta sẽ không thể nào đi đến mặt trăng được cả. Một điều muốn chia sẻ rằng trong Phật giáo rất nhiều tông phái, nhiều kinh điển khác nhau, vì vậy các bạn hay chê kinh này không linh nghiệm, kinh kia hay hơn,… Hôm nay thấy pháp này hay thì theo, hôm khác thấy pháp kia màu sắc âm thanh hay hơn thì nhảy qua, nếu vậy chúng ta chỉ chuốc lấy phiền não, không vượt ra được mọi chướng ngại, không thể sống tự tại như Pháp, không tịnh lạc như Pháp để có một cuộc sống trọn vẹn. Như vậy không thể hoàn toàn quy y điều thứ 2 là quay về nương tựa sự thật, chân lý.
Điều quý giá thứ ba chúng ta quay về là nương tựa Tăng. Tăng là một tập thể thanh tịnh, cùng thực hành các Pháp của Phật, là các vị lìa bỏ gia đình, sống cuộc đời phạm hạnh, thiểu dục, trong sạch. Khi nói quay về nượng tựa Tăng là quay về nương tựa một đoàn thể thanh tịnh, không nương tựa vào một vị Thầy/Sư nào cụ thể. Không thể nói rằng tôi quy y Hòa thượng này cao lắm, tôi đã quy y vị Sư đắc đạo,… còn quý vị quy y với các thầy bình thường, quý vị thấp hơn tôi, nói như thế là không đúng với ý nghĩa về quy y Tăng. Các vị Thầy/Sư xuất gia phải sống giữ giới, tức là cũng phải học và hành những lời dặn của Phật như chúng ta, cũng cùng đi với chúng ta trên con đường tìm đến chân lý. Khi các Thầy/Sư sống cuộc đời thanh tịnh, chúng ta nương tựa để cùng nhau tu học, cùng làm “những người bạn” đồng hành trên con đường học Phật.
Tiếp theo, tôi muốn chia sẻ với các bạn là giới Luật. Nếu bạn nào đã là Phật tử, thì chúng ta cũng đã từng quỳ trước bàn Phật, nghe các Thầy/Sư giảng và truyền cho chúng ta năm giới người Phật tử cần giữ. Vậy giới là gì? Tôi tin chắc đa phần các bạn cũng sẽ không nhớ, đúng không? Vậy giới là gì? Đơn giản nhất để hiểu đó là giới là những đều căn dặn của Phật khuyên chúng ta đừng nên phạm, vì phạm sẽ phải trả giá. Trả giá thế nào? Trả giá bằng chính cuộc sống chúng ta, lời dặn của Phật giúp chúng ta sống tốt hơn, đẹp hơn và ý nghĩa hơn. Đó là những quy tắc sống, vậy các bạn hỏi tôi, tại sao tôi phải sống có quy tắc? Tôi sẽ trả lời bạn rằng, đi đường bạn có chạy đúng làn đường không? Làn xe buýt hay ô tô mà bạn chạy vào thì trước sau gì cũng sẽ xảy ra chuyện, phải không? Hay đi thi mà bạn quay cóp thì chắc gì bạn sẽ không bị đình chỉ thi?
Tôi vẫn hay nghe các bạn nói rằng, đã nghe các Thầy/Sư truyền giới và đã hứa trước Phật là con sẽ thực hành lời dạy này, mà mình làm sai, bị phạm, thì chúng ta sẽ bị tội? Phật sẽ giáng tội cho chúng ta! Điều này thật oan cho Phật, Phật nào có giáng tội cho ai nếu phạm giới. Phật là người Thầy dẫn dường, truyền dạy cho chúng ta con đường đúng để đi, nếu đi sai thì Phật chắc cũng sẽ nói: “Con ơi, đi sai rồi, quay lại đi” chứ một bậc thầy đại từ bi và đại hỷ xả như Phật sao lại giáng tội cho chúng ta được? Để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện: Số là nhà anh kia có năm con trâu, nhưng do lơ là, rong chơi quên chăn trâu, anh ta vô tình để một để trâu chạy vào rừng và bị hổ ăn thịt. Anh chợt tỉnh, giữ cẩn thận bốn con còn lại, và tạo dựng lại đàn trâu. Vậy giới luật hay lời căn dặn của Phật cũng vậy, năm con trâu là năm lời dặn của Phật, nếu có phạm mà ta biết tỉnh giác, biết quay về thực hành lại lời dạy của Phật, thì chúng ta sẽ không bị phạm nữa, nếu không thì chúng ta sẽ mất cả trâu để cho chúng chạy vào rừng cho hổ ăn thịt hay chính mình sa vào những vòng xoáy của sanh tử, đánh mất cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện tại mà thôi.
Vậy năm giới hay 5 lời dặn của Phật cho người Phật tử là gì?
Bạn hãy tưởng tượng mà xem, một ngày nào đó, giả sử một con vật yêu thích nào đó của chúng ta đang nuôi, ví như con gà trong vườn, rồi ta bắt, ta sát hại chúng để làm thức ăn cho chúng ta, bạn có thấy nó chạy trốn khi chúng ta rượt đuổi, nó la oan oan khi chúng ta bắt được không? Bạn có thấy thương không? Hay giả sử tay ta bị vết cắt, ta có đau không? Tôi chắc rằng bạn sẽ nói có, Vậy điều thứ nhất tôi tin chắc các bạn cũng nhận ra rằng, ai cũng muốn sống và sợ chết, vậy tại sao chúng ta lại giết hại lẫn nhau? Để thấy rõ ràng, lời dặn thứ nhất (giới thứ nhất) là không được sát sanh. Vì sao? Vì tất cả đều muốn sống, vì chúng cũng có cuộc sống riêng của mình. Bạn có thấy đàn kiến cùng sống chung tổ với nhau, đàn gà chơi trên sân, những chú chim trên cành cây, chúng cũng có bạn, cũng có cuộc sống đấy chứ! Đạo Phật từ bi, thương tất cả chúng sanh và trên hết tất cả chúng sanh đều có tánh Phật, đều có thể giác ngộ, tỉnh giác cho dù đang là kiếp nhỏ bé như kiến, côn trùng đi chăng nữa. Vậy hãy nhớ lời dặn này, không giết mọi loài và luôn tâm niệm rằng ta cũng như chúng, chúng đồng với ta, không khác.
Đó, bạn thấy không, đơn giản phải không? Nếu nhìn khía cạnh xã hội, bạn sẽ không còn thấy cảnh sát hại tràn lan, không có nhan nhãn trên báo những cuộc chết chóc vì cố tình đâm chém nhau. Rồi tự hỏi rằng tôi giữ gìn người khác sát hại cũng thế. À nghĩ vậy lại khác. Nếu chúng ta sống không sát hại, tâm ta luôn nuôi dưỡng lòng từ bi, thì sự thể hiện bên ngoài cũng đầy vẻ hiền hòa, vui tươi, không sợ bị những điều ác đến với mình. Bạn sẽ là nhân tố, là hạt nhân để lan truyền tánh thiện trong gia đình, trong nhóm bạn, trong công ty và nếu nhiều người thực hành không phạm giới sát, bạn hãy suy nghĩ xem, xã hội chúng ta tốt đẹp biết bao? Điều cần thiết, mình đừng nên xoay ngang xoay dọc để xem người khác làm gì. Cũng như người đang đi trên đường, không chú tâm đi, cứ ngoái ra sau xem người khác thế nào, thì làm sao anh ta/chị ta đi cho an toàn? Vậy hãy quay về chính mình, để tự thực hành lời dặn thứ nhất này.
Chúc Trọng