Đức Phật mô tả lời nói của bậc thiện trí với năm điều kiện

Theo quan điểm của Thế Tôn, bậc thiện tri thức đúng nghĩa, ngoài phạm hạnh trọn vẹn, phải có khả năng dẫn dắt người đi theo con đường lành. Trong quá trình gần gũi, thân cận bậc thiện tri thức sẽ khiến cho tín, văn, thí, tuệ của chúng ta tăng thêm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

1. Phát biểu đúng lúc (Kālavādī):

Có khi một lời chân thật nhưng không được phát biểu đúng lúc thì thành ra vô ích hoặc làm cho người khác bực mình. Người thiện trí phải tế nhị để áp dụng lời nói của mình đúng chỗ, đúng lúc.

2. Hợp với sự thật (Bhūtavadī):

Bậc thiện trí thức nói một lời phải dựa trên sự thật, không ngụy biện, không lừa dối. Tuy vậy nói sự thật chưa đủ, cần phải có điều kiện sau đây bổ túc.

3. Đem lại lợi ích (Atthavādī):

Lời nói phải có mục đích và ý nghĩa của nó, dù là lời nói chân thật nhưng không có mục đích đem lại lợi ích cho ai, thì đó cũng là lời nói nhảm nhí, vô dụng.

4. Thích ứng với đạo lý (Dhammavādi):

Dhamma ở đây có nghĩa là đạo lý. Lời nói hợp đạo lý có nghĩa là phải hợp lý, hợp tình và hợp với chánh pháp.

5. Hợp với đạo đức (Vinayavādi):

Giá trị của lời nói còn phụ thuộc tính cách đạo đức của nó. Nếu một lời nói có đủ bốn yếu tố trên nhưng không hợp với luật pháp hay luân thường đạo lý thì vẫn nguy hiểm.

Nhưng đôi khi có lợi ích chưa hẳn là thiện, như khi nói trục lợi, vụ lợi người ta thường dùng với nghĩa bất thiện. Vì vậy lời nói thiện phải vừa có ích vừa lương thiện, nghĩa là phải hợp với đạo đức nữa mới được…

HT. Viên Minh