Để qua hết mọi khổ nạn
“Khi quán chiếu để tâm an định tự tại như Bồ Tát, thực hành thâm sâu trí tuệ Bát Nhã của chư Phật, thì sẽ thấy ngũ uẩn là không, mọi khổ ách sẽ qua…”
Chúng sinh hữu tình được tạo thành từ 5uẩn đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc là phần vật chất mà ta có thể thấy và biết qua các giác quan thông thường. Tưởng là sự suy diễn của tâm thức, là sự tưởng tượng diễn ra trong tâm ta về các pháp. Thọ là cảm thọ, là sự tiếp nhận của ta đối với các pháp như buồn vui hay đau khổ. Hành là hành động, là ý niệm diễn ra không ngừng trong tâm, kể cả khi có ý thức hay vô thức. Thức là sự phân biệt, là định kiến của ta về pháp, sự phân biệt đó có mối liên hệ các nghiệp mà ta đã gặp hay đã làm trong quá khứ.
Trong phần mở đầu của Bát Nhã Tâm Kinh có đoạn: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Tạm hiểu là: “Khi quán chiếu để tâm an định tự tại như Bồ Tát, thực hành thâm sâu trí tuệ Bát Nhã vô lượng của chư Phật, thì sẽ thấy ngũ uẩn là không, mọi khổ ách sẽ qua”. Tức là Đức Phật dạy rằng muốn qua mọi khổ nạn ta cần thiền định và quán chiếu bằng trí tuệ Bát Nhã. Với trí tuệ đó ta sẽ thấy tướng không của ngũ uẩn và cũng từ đó mọi khổ nạn sẽ không còn, hay nói đúng hơn là dù chúng còn đó nhưng cũng không làm vướng bận được ta nữa.
Bí quyết vượt mọi khổ nạn được Đức Phật cô đọng trong câu mở đầu của Bát Nhã Tâm Kinh, rất đơn giản, dễ hiểu và cũng dễ thực hành. Vậy thì ta còn chần chờ gì mà không áp dụng. Tu hành không phải chỉ là tụng niệm, cầu nguyện mà quan trọng hơn là biết thực hành những lời Phật dạy vào trong đời sống hàng ngày để cho cuộc sống bớt đau khổ và ngày càng an lạc.