Kinh Pháp Cú – Sách gối đầu giường

Kinh Pháp cú (Dhammapada) chọn lọc lời dạy của Đức Thế Tôn được trình bày dưới dạng văn vần, ngắn gọn, súc tích. Mỗi phẩm gồm một bài, sau phần chính văn đến diễn ngôn (Tích chuyện) với những ví dụ cụ thể đúc kết từ thực tế.

Kinh điển Phật giáo nói chung đều lưu trữ trong Tàng kinh các hay thư viện, nhưng không phải bộ nào, cuốn nào cũng được dùng làm sách gối đầu giường – một ấn phẩm được lựa chọn để kết thúc một ngày của người đọc trước khi chìm vào giấc ngủ. Trong thời gian ở khách sạn Hoa viên, khu Trung Chính, trung tâm thủ đô Đài Bắc, Đài Loan, buổi sáng tôi thường rời khách sạn lúc 7h và trở về lúc 21h. Khách sạn này hết sức tiện nghi, đến mức còn có riêng một “quản gia” AI phục vụ nhu cầu trò chuyện, nghe nhạc, điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ… trong phòng. Điều đáng chú ý là trên hai chiếc giá kê đầu giường xếp trang trọng hai cuốn sách, một bên là Kinh Pháp cú, một bên là Kinh Cựu ước. Hai ấn phẩm có kích cỡ tương đương nhau, đồng thời đều xuất bản bằng hai ngôn ngữ Hoa – Anh.

Kinh Pháp cú vốn được chép bằng tiếng Pali thuộc kinh Tiểu bộ, gồm 26 phẩm, 423 bài kệ....

Kinh Pháp cú vốn được chép bằng tiếng Pali thuộc kinh Tiểu bộ, gồm 26 phẩm, 423 bài kệ….

Sự khác biệt giữa kinh và sách

Như chúng ta biết, kinh có thể gọi là sách, như kinh sách và sách cũng có thể gọi là kinh, như sách kinh. Có điều, cách thức định danh này không phải lúc nào cũng liên thông với nhau. Trường hợp đầu, đa số kinh đều có khả năng tự chuyển hóa thành sách nhờ hình thức tồn tại. Còn đối với trường hợp sau, đa số sách lại không thể tự chuyển hóa thành kinh, xuất phát bởi sự khác biệt về nội dung, nhất là cách thức tiếp cận.

Thời gian đầu tiếp xúc với kinh, tôi đem kỹ năng đọc sách ra đọc kinh, coi kinh giống như sách, đồng nhất giáo lý với tri thức, thậm chí lấy việc ghi nhớ làm mục đích. Hễ cuốn kinh nào nhớ hết từ đầu tới cuối, đặc biệt là các khái niệm, phạm trù… kể như đã hoàn tất việc chinh phục kinh sách. Trên thực tế, giới tăng lữ, thầy tu giành cả đời để tụng, niệm, hành trì kinh văn, chẳng lẽ họ không thuộc sao? Rồi lặp đi lặp lại một hành vi, họ không cảm thấy nhàm chán sao? Tình cờ tôi đã tìm ra câu trả lời trong cuộc đối thoại với học trò.

Học trò từng hỏi, thầy đàn đi đàn lại một tác phẩm, hết năm này qua năm khác có thấy chán không? Nghe trò hỏi, tôi vừa ngỡ ngàng, vừa nhận ra điều gì đó. Chúng ta thường đặt câu hỏi tại sao, để làm gì với người khác, thay vì dành cho bản thân. Người chơi đàn chuyên nghiệp nói chung đều lặp đi lặp lại công việc tưởng chừng nhàm chán giống như người tu. Phật dạy, “văn tư tu”. Văn là kỹ năng lắng nghe, nói rộng ra bao gồm toàn bộ kiến văn, tri thức nói chung. Tư thuộc phạm trù tư tưởng, suy nghĩ, còn tu là thực hành, một hoạt động nhằm chỉnh sửa bản thân. Nó luôn ở thì tiếp diễn, chứ không có quá khứ hay hiện tại hoàn thành. Nghệ sĩ cũng vậy, không ai lấy bằng cấp thay thế năng lực đồng hiện với tác phẩm. Một tác phẩm mới thể hiện thành công, không có nghĩa sau đó sẽ tiếp tục thành công. Hành động đúng đắn ở thời điểm này, không có nghĩa tiếp tục ở thời điểm khác. Đọc kinh giúp cho người tu liên tục soi rọi vào bản thân, đồng thời nhắc nhở duy trì thực hành. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Đức Phật nói, “làm bao nhiêu việc thiện vẫn chưa đủ, chỉ một việc ác đã là dư”. Và việc gì chưa đủ vẫn phải tiếp tục thực hành. Có nghĩa là, mục đích đọc kinh không nằm ở việc thâu tóm toàn bộ nội dung cuốn kinh vào đầu mà thông qua đó hướng tới việc tu hành. Công cuộc này kéo dài suốt đời, chứ không dừng lại ở một giai đoạn nào. Rất nhiều ngành nghề giống như tu, phải thường xuyên rèn luyện, thực hành. Bởi vậy, có những sáng tác cách nay hàng mấy trăm năm vẫn được thực hành. Trong quá trình hành trì (duy trì thực hành), con người từng bước thay đổi, vượt lên trên bản thân.

Kinh là sách giáo lý, nó không chuyên chở nội dung, tri thức thuần túy mà hướng người đọc tới mục đích thực hành. Rồi thông qua thực hành đạt tới những cảnh giới, “ngưỡng” khác nhau. Trong nghệ thuật, cùng một tác phẩm, nghệ sĩ lớn hay nhỏ, hay hoặc dở khác nhau bởi cách thức thực hành. Lặp đi lặp lại một hành động dễ khiến người ta nản lòng. Đó cũng là phương pháp rèn luyện, thách thức lòng kiên trì. Nên, có những việc, khó không nằm trên bản thân công việc mà ở đức tính người thực hành. Phương pháp tu tập vốn đã được thiết kế một cách minh triết nhằm hướng dẫn người tu hành trì, nhưng việc duy trì thường khó hơn kỹ năng thực hành, đồng thời nếu không duy trì, điều kỳ diệu khó thể xảy ra.

Sự tương đồng giữa sách và kinh

Như trên đã đề cập, kinh đương nhiên là sách, nhưng sách chưa chắc đã là kinh. Kinh vốn là một từ gốc Hán, trong ngữ cảnh văn hóa Hán, nó bao hàm ý nghĩa quyền uy, mẫu mực, một công cụ phổ biến để truyền bá tư tưởng, giáo lý, như Kinh Kim cang, KinhBát nhã, Kinh Hoa nghiêm hay Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Nhạc,Kinh Lễ, Đạo đức kinh, Nam hoa kinh, Tam tự kinh… Như vậy, trong kinh có khá nhiều ấn phẩm mang tính chất sách, như: Tamtự kinh chẳng hạn. Tam tự kinh thực chất là một cuốn sách giáo khoa được trình bày dưới dạng văn vần, mỗi bài gồm 4 câu, mỗi câu 3 chữ, như: “Nhân chi sơ, tính bản thiện, tính tương cận, tậptương viễn”… Cách trình bày này giúp người học dễ nhớ, kết hợp với lời giảng của người dạy càng dễ nắm bắt hơn, qua đó tiến tới ứng dụng vào đời sống. Kinh cũng vậy. Bên cạnh sự khác nhau (như đã trình bày ở trên), còn nhiều đặc điểm giống nhau thể hiện qua cách thức trình bày. Trong chiều hướng đó, cả kinh và sách đều quan tâm đến hình thức tồn tại. Nhờ vậy, chúng mới làm nên giá trị chung, mang tính chất tương đồng, như sử dụng văn tự, xuất bản dưới dạng ấn phẩm, kết cấu gồm nhiều đoạn, thậm chí theo hình thức văn vần… Bằng cách đó, sách có cơ hội trở thành kinh và ngược lại.

Sách gối đầu giường và Kinh Pháp cú

Ngày nhỏ nghe người lớn kể, dùng sách gối đầu khi đi ngủ, ban đêm chữ nghĩa từ sách chui vào đầu qua giấc mơ. Vốn lười học, tôi tưởng đó là thật. Trước khi đi ngủ thường chọn một cuốn sách thật dày làm gối với mong muốn chữ nghĩa sẽ dịch chuyển từ sách vào đầu. Ban ngày cứ mặc sức chơi, ban đêm vừa ngủ, vừa học, nhất cử lưỡng tiện. Trong nhiều phim chưởng cũng xuất hiện tình tiết người này truyền công cho người kia, nhờ vậy, một con người có thể lột xác từ “văn dốt võ dát” thành cao thủ võ lâm. Đối với trẻ con, có thể tin chuyện bịa đặt là thật. Đến khi biết sự thật không phải như vậy, ấy là lúc đứa trẻ đã lớn lên, ít nhất về mặt nhận thức.

Như chúng ta biết, mọi việc dễ dàng như vậy chắc chẳng ai cần phải đi tu mà chỉ cần ngủ một đêm trong tự viện hoặc nhờ sư phụ truyền cho ít công đức, Phật tính vốn có sẵn trong mỗi người rồi! Trở lại khái niệm sách gối đầu giường, đơn giản nhằm chỉ những ấn phẩm được người đọc sử dụng trên giường trước lúc đi ngủ. Xét về danh xưng, sách dùng làm gối đặt ở đầu giường thực chất chỉ là một hình ảnh ẩn dụ. Hai cuốn Kinh Pháp cú và Cựu ước trong phòng khách sạn Hoa Viên đều nằm trên giá đặt ở đầu giường. Chúng là loại sách có thể đọc đi đọc lại, đọc bằng nhiều cách, không nhất thiết phải ngồi vào bàn ghi chép, ghi chú như sách tra cứu, Từ điển, sách khoa học… mà có thể đọc một cách linh hoạt, mỗi ngày một ít, có thể bắt đầu và tiếp tục ở bất kỳ chương hay trang nào…

Kinh Pháp cú (Dhammapada) chọn lọc lời dạy của Đức Thế Tôn được trình bày dưới dạng văn vần, ngắn gọn, súc tích. Mỗi phẩm gồm một bài, sau phần chính văn đến diễn ngôn (Tích chuyện) với những ví dụ cụ thể đúc kết từ thực tế. Kinh Pháp cúkhông luận bàn nhiều về lý thuyết, quan điểm tư tưởng… mà đi thẳng vào thực hành giáo lý, dễ tiếp thu, tất nhiên không hề dễ thực hành, đòi hỏi phải suy tư, nghiền ngẫm. Bởi vậy, đọc kinh không giống như đọc sách. Mục đích của đọc sách là thâu nhiếp tri thức, còn đọc kinh hướng tới hành trì – duy trì việc thực hành giáo lý.

Ví dụ:

Phẩm Song yếu (Yamakavagga) viết: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo”. Hòa thượng Thích Giác Toàn đã chuyển đoạn văn này sang thể thơ lục bát, như sau:

“Xưa nay các pháp trong đời

Tâm làm chủ tâm gọi mời mà nên

Ngày ngày ác hạnh triền miên

Nói năng hành động dính liền nhiễm ô

Như bánh xe theo chân bò

Nghiệp khổ cũng thế hẹn hò cùng tâm”

Qua đó thấy tính chất ứng dụng của Kinh Pháp cú thể hiện rất rõ qua cấu trúc văn bản. Người đọc có thể tiếp cận dưới góc độ ngữ, nghĩa (cấu trúc văn xuôi) hay nhạc điệu câu thơ (cấu trúc văn vần). Đứng ở pháp phương tiện, cách thức trình bày này giúp cho việc hoằng pháp triển khai một cách dễ dàng, phù hợp với đại chúng. Bởi vậy, Phật giáo tuy là triết lý thâm sâu, thù thắng, nhưng bằng các biện pháp khác nhau vẫn có khả năng đến với đại chúng. Trong quần thể di tích động Đôn Hoàng ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, bên cạnh các bản kinh chép tay, có hàng nghìn pho tượng, các bức bích họa lấy đề tài Phật giáo mà theo họa sĩ, nhà nghiên cứu Tưởng Huân, người Đài Loan, đó chính là kinh Phật thể hiện bằng hình ảnh. Vào thời cổ, không phải ai cũng biết chữ, nhưng mù chữ không đồng nghĩa với mù tâm, thậm chí dưới cặp mắt một họa sĩ bậc thầy, Tưởng Huân ngỡ ngàng trước cách thể hiện các bức bích họa. Nó khiến cho người quan sát “đốn ngộ”.

Kinh Pháp cú vốn được chép bằng tiếng Pali thuộc kinh Tiểu bộ, gồm 26 phẩm, 423 bài kệ 1. Ngày nay, Kinh Pháp cú đã dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong tay tôi sử dụng bản dịch của Thích Thiện Siêu, Thích Minh Châu, Thích Giác Toàn, Phạm Kim Khánh do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. Dù bản dịch nào, mục đích hoằng pháp của Kinh Pháp cú vẫn không thay đổi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong bản dịch Kinh Pháp cú của nhóm tác giả trên có hẳn phần chuyển ngữ từ kinh văn sang thơ văn của Hòa thượng Thích Giác Toàn. Cách làm này kéo kinh văn đến gần độc giả hơn khi mà cơ tầng văn hóa của đại bộ phận độc giả vốn sản sinh trên nền tảng thơ ca lục bát. Nếu trong bối cảnh văn hóa Trung Hoa thì thơ tứ tuyệt đã được ưu tiên lựa chọn. Bằng chứng là bản dịch Kinh Bát nhã của Cưu Ma La Thập, một dịch giả thi sĩ người Quy Tư (Kashmir) đã xuất hiện những câu: “Sắc tức thị không, Không tứ thị sắc, Sắc bất dịkhông, Không bất dị sắc”. Kết cấu này có lẽ đã đi ra từ Kinh Thi, như: “Quan quan chi cưu, Tại hà chi châu, Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu”.

Phật giáo đặc biệt chú trọng pháp phương tiện, bởi vậy, cùng một tôn giáo đã nảy sinh nhiều giáo phái, pháp môn và điều quan trọng tất cả đều thống nhất với nhau. Tuy khác “đường”, rồi từng người khác nhau về căn duyên, nhưng đích đến vẫn giống nhau. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, Phật giáo có rất nhiều lựa chọn, có tôn phái khắc kỷ như Luật tông, cũng có tông phái giản dị như Tịnh độ tông, rồi chẳng cần bám chấp vào lời lẽ, như Thiền tông… Đối với kinh văn, bên cạnh những cuốn khó “nhằn”, như Kinh Kim cang, Hoa nghiêm, cũng có những cuốn giản dị như Kinh Pháp cú.

Lời Phật dạy thể hiện qua kinh văn, thơ văn, hình ảnh, âm thanh hay mật ngữ… tất cả chỉ là phương tiện quan trọng tác động vào cảm quan con người. Với khuôn khổ vừa phải, cấu trúc ngắn gọn, rõ ràng, ngôn ngữ giản dị, súc tích, gần gũi đời thường, nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng… điều khiến cho Kinh Pháp cú có khả năng dịch chuyển qua nhiều ngôn ngữ, nền văn hóa, từ nơi tôn nghiêm, linh thiêng đến chốn thế tục đa đoan.

Chú thích: 

1. Kinh Pháp cú có nhiều phiên bản khác nhau với khuôn khổ không đồng nhất, như bản của ngài Pháp Cứu thế kỷ I trước CN, gồm 39 phẩm, 759 bài kệ; bản của Trúc Phật Niệm (398) gồm 33 phẩm, gần 1.000 bài kệ…

Lê Hải Đăng