Để có một mùa xuân miên viễn an vui
Niềm an vui chỉ có khi tâm chúng ta chấm dứt phiền não khổ đau. Mùa xuân chỉ đến khi băng giá tiết đông không còn nữa. Tâm xuân chính là một mùa xuân miên viễn an vui, vì không còn bóng dáng khách trần phiền não nhiễu loạn tâm ta.
Niềm an vui chỉ có khi tâm chúng ta chấm dứt phiền não khổ đau. Mùa xuân chỉ đến khi băng giá tiết đông không còn nữa. Tâm xuân chính là một mùa xuân miên viễn an vui, vì không còn bóng dáng khách trần phiền não nhiễu loạn tâm ta.
Vì thế để có một mùa xuân đúng nghĩa, không gì hơn là chúng ta dẹp sạch hết những mầm mống gây đau khổ cho mình, cho người.
Đức Phật từng bảo chúng sanh mỗi người mỗi nghiệp, mỗi người mỗi tật, không ai giống ai cả.
Ngay đến người thân ruột thịt trong gia đình cũng mỗi người mỗi nghiệp, không ai giống ai.
Theo nghiệp tập của mình mà sống mà hành động, Phật nói chúng sanh sống theo tập quán là thế.
Người tu rõ biết tập quán của mình, khéo áp dụng đạo lý để chuyển hóa, tiêu trừ những nghiệp tập ấy.
Mùa xuân, cơ hội chuyển hóa thân tâm
Chúng ta tu là tu cho mình chớ không phải tu cho ai, nên không thể trông cậy vào người khác.
Đó là chỗ chúng ta phải nhận định thật kỹ để sắp xếp việc tu hành cho thích hợp.
Người Phật tử khi đã quyết tâm tu, trước phải có đức tự tín, không nên băn khoăn.
Tại sao?
Vì trong lòng băn khoăn thì việc làm sẽ không tới nơi, vì vậy người tu phải cương quyết.
Đức tự tín của người tu, không có nghĩa là tự kiêu, tự đại.
Tự tín ở đây tức là tin chắc mình là Phật và mình tu sẽ thành Phật.
Tin một cách khẳng định như vậy, nhất định việc tu sẽ tiến.
Có thành tựu đức tự tín viên mãn, công phu tu của chúng ta mới thành công được.
Chúng ta đã biết mọi thứ vẽ vời trên cuộc đời này đều từ cái tâm vọng tưởng đảo điên mà ra.
Tâm ấy không phải là tâm chân thật của mình.
Cũng từ cái tâm không chân thật này, nhiều đời kiếp rồi chúng ta bị trôi giạt trong luân hồi sanh tử.
Do đó ngày nay gặp Phật pháp, được chỉ phương pháp tu hành, chúng ta đừng lầm nó nữa, đừng tin cái tâm không chân thật ấy nữa.
Muốn thế, phải cố gắng buông bỏ hết vọng tưởng, để tâm chân thật hiện bày.
Đức Phật đã từng nhắc nhở chúng ta, cái tâm chân thật ấy vốn viên mãn, vốn luôn sẵn có bên mình, không phải ở đâu xa.
Nhưng nếu chúng ta phóng tâm theo ngoại cảnh, lăng xăng bỏ quên mình thì coi như nó không có vậy.
Nói không có tức là có mà cũng như không, chớ thật ra cái tâm ấy chưa từng vắng thiếu bao giờ.
Bây giờ chúng ta tin khẳng định tâm chân thật của mình luôn hiện hữu, nếu ta bỏ được tất cả mọi thứ bóng dáng không thật đi.
Dứt khoát như vậy thì mới tu và sống được với tâm chân thật, tâm thuần phác thanh tịnh sáng suốt trùm khắp của chính mình.
HT. Thích Nhật Quang