Những điều lưu lại
Năm 2023, giữa đời sống đầy biến động, muôn vàn khó khăn do dư chấn sau đại dịch Covid-19 cùng những biến động đau thương trên thế giới liên quan tới chiến tranh bạo lực, vẫn có những tín hiệu đem đến niềm vui, như ánh sáng trên con đường soi từng bước chân vững chãi hướng về tương lai
Với người Phật tử, năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện chương trình hoạt động của GHPGVN sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022-2027).
Tín hiệu đáng quan tâm nhất là 86/105 vị Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh lần đầu tiên trong lịch sử của Giáo hội kể từ ngày thành lập (7-11-1981) đã trở về Việt Nam Quốc Tự thảo luận và quyết nghị những vấn đề nền tảng của sự phát triển đối với tổ chức tôn giáo, đó là chấn chỉnh việc tổ chức Đại giới đàn và quản lý Tăng Ni.
Đây là hoạt động rất mới đối với GHPGVN, nhưng chỉ là thực tiễn hóa vai trò của Hội đồng Chứng minh được xác lập một cách cụ thể trong Hiến chương của Giáo hội sửa đổi lần thứ 7, để cơ quan này không còn hiện hữu hình thức và phụ thuộc.
Bên cạnh đó, các hoạt động của Giáo hội, đặc biệt là về quan hệ quốc tế sau những năm tạm hoãn vì đại dịch Covid-19 đã trở lại và sinh động. Nhiều tổ chức Phật giáo ở các khu vực và thế giới đã đến Việt Nam, như Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB), Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới (IBC), Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP)…, và những ngày cuối năm là Thượng đỉnh Phật giáo ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia lần thứ II diễn ra tại TP.HCM… cung thỉnh chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội chứng minh tối cao, tham gia điều hành các Phật sự chung.
Đó là những tín hiệu vui và sẽ hoan hỷ hơn khi Giáo hội có những việc làm thực tiễn trong việc chấn chỉnh Tăng sự; quan tâm hơn nữa tới chất lượng đào tạo Tăng Ni, tuyển chọn người xuất gia, nhân sự tham dự vào hàng lãnh đạo Giáo hội như khuyến nghị của Hội đồng Chứng minh, cũng là theo định hướng mà Đức Đệ tam Pháp chủ – cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ đã từng nêu: Giáo hội cần những nhà tu hành hơn là các cán bộ làm công tác tôn giáo, bởi xét cho cùng, đó là yếu tố phát triển bền vững của một tổ chức tôn giáo.
Nếu thực hiện chính danh, nghĩa là khi người Phật tử, bao gồm cả giới xuất gia và tại gia, sống đúng, có chánh kiến – nhận thức được về những gì Đức Phật đã dạy, giữ gìn giới luật và có những ứng xử phù hợp, sẽ tránh những cơ hiềm, sự chê bai của số đông.
Bởi, như Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN nói với Tăng Ni trong dịp cuối năm 2023 này, rằng “Một khi người tu sĩ có những việc làm để quần chúng chán ghét thì Phật giáo sẽ bị suy thoái, không còn được tôn trọng trong xã hội, và không có vị trí trong các chính sách của đất nước. Đó là bài học lịch sử cần ghi nhớ. Cách để vô hiệu hóa mọi sự chống đối là tự sửa chính mình. Nếu dùng quyền lực hoặc sự khôn ngoan để bao che thì đến khi quần chúng phát hiện và lên án thì hậu quả sẽ rất khó lường”.
Với tính chất vô thường, mọi sự vật, hiện tượng đều có cơ hội phát triển; đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ suy đồi, thậm chí bị thay thế trong dòng vận hành không ngừng nghỉ. Chính con người, chứ không ai hết, có thể quyết định làm thay đổi hướng đi đó; và cũng chính con người chứ không yếu tố bên ngoài nào có thể làm khủng hoảng khi tự thân họ có khả năng tự cân bằng, nghĩa là có nội lực thực sự, như Đức Phật đã dạy:
“Những ai có giới hạnh,
An trú không phóng dật,
Chánh trí, chân giải thoát,
Ác ma không thấy đường”
(Pháp cú, 57)
Giữa đời sống đầy biến động, muôn vàn khó khăn do dư chấn sau đại dịch Covid-19 cùng những biến cố đau thương trên thế giới liên quan tới chiến tranh bạo lực, những tín hiệu trên đem đến niềm vui, như ánh sáng trên con đường soi từng bước chân vững chãi hướng về tương lai.
Với những nền tảng đó, chúng ta tin tưởng năm 2024 tới sẽ có những niềm hoan hỷ lớn hơn, bởi chỉ có niềm hoan hỷ trong ý nghĩa vô cầu mới mang đến một sức mạnh và sự tự tin để kế thừa lịch sử và có chất liệu để phát huy ở hiện tại và mai sau.