Ăn cơm chùa mắc nợ?
Đời hay nói “ăn cơm chùa mắc nợ” nên nhìu đứa trẻ đi chùa với bà với mẹ một lần rồi thôi trốn luôn. Chữ nợ đó khiến người nghe thấy sợ nên thà mang cái bụng đói tay chân rã rịu về nhà.
Tuổi thơ tôi đi qua rất nhiều bữa cơm chùa nên khối nợ nặng mang, đến hôm nay miệt mài hoàn đáp. Nhờ chút nợ với chùa mà mình thường tới lui để có dịp tưới tẩm căn lành sẵn có. Nợ mấy bữa cơm ngày rằm, nợ mớ bánh trái ngủ quên lâu ngày trên bàn Phật héo queo héo quắc. Nợ mấy câu chuyện ma mị của Sư cả. Cứ giờ tan học Sư hay ra ngồi trước sân chùa dưới tán me già đang rũ bóng lá vàng lất phất bay – ông Sư già và gốc me cằn cỏi – cả hai đang chờ mấy đứa nhỏ đi học về. Thế nào tụi nhỏ cũng giả vờ đi ngang ông Sư thật chậm, chờ ông Sư đằng hắng ngoắc tay là bu vào chia nhau mớ bánh trái trong chiếc thúng bung vành. Chút nợ không tên nhưng đủ neo chặt hồn người dù mai này đi đâu về đâu cũng nhớ mãi; chút nợ dân dã đã tưới tẩm nhiều hạt giống Bồ-đề tăng trưởng, bài pháp nhiếp phục lòng người bằng tình thương dung dị.
Nợ cũng nhiều loại, có loại nợ xấu khiến đời người chao đảo trầm nịch, có loại nợ tốt khiến đời người thăng hoa hạnh phúc.
Có chút nợ lành để gánh đời bớt nhọc nhằn hơn…
Chỉ sợ không có chút duyên – nợ nào với Tam bảo, thấy đó kề bên đó mà hững hờ xa lạ. Nên hãy yên tâm với mấy bữa cơm chùa, những món quà bánh trái mang về từ chùa. Và cả những phần quà tiếp sức được trao – nhận giữa những ngày gian khó cũng là một chút nợ, nợ ân tình thơm thảo thì mai này trả lại cho đời chút thơm thảo ân tình.
Thôi đừng vay mượn ngoài kia mãi, lận đận hoài với tử sinh bất tận. Về chùa vay ơn từ Phật, đừng ngại ngần nợ ơn Tam bảo, món nợ thiện lành để mai này được gặp nhau trên con đường thiện lành, tỉnh thức!
Thích Chơn Khánh