Đối nghịch và sự hóa giải rốt ráo

Trong thế giới hiện tượng tự nhiên, luôn luôn có sự đối nghịch. Trong nguyên tử có những hạt mang điện tích dương (+) và những hạt mang điện tích âm (-). Chúng đối nghịch nhau – thu hút nhau, đẩy nhau – nhưng có một sự cân bằng, hài hòa tương đối để nguyên tử ấy tồn tại.

Trong bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió, có cái đối nghịch nhau như nước và lửa, và cũng có cái hỗ trợ nhau như gió và lửa. Sự xung khắc, sinh thành lẫn nhau này khiến cho thế giới hiện tượng có thể chuyển động, sanh, trụ, dị, diệt.

Ở các phần tử thì có sự đối nghịch nhau, hỗ trợ sinh thành nhau, nhưng ở cấp độ toàn thể, vũ trụ vẫn có một sự cân bằng tương đối để tồn tại. Thế nên, vũ trụ tiếng Hy Lạp là Cosmos, có nghĩa là hài hòa, trật tự.

Ở cấp độ con người sự đối nghịch lớn hơn nhiều vì con người có ý thức. Khi sinh ra là đã thấy mình khác với thế giới, khác với người khác. Sự khác biệt đó khiến con người cá nhân thấy thế giới và người khác là đối nghịch với mình. Hơn nữa, con người còn có những phiền não tham, sân, si, kiêu căng, đố kỵ… khiến sự đối nghịch với thế giới và với người khác càng thêm nặng nề, rất khó giải tỏa.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Nếu không có chánh kiến, chánh tư duy thì thậm chí một người còn không biết rằng thân thể của nó chia sẻ cùng những nguyên tử của vũ trụ, chia sẻ cùng đất, nước, lửa, gió của vũ trụ. Huống gì tâm thức, nó có liên hệ với cái gì, có thể kết nối với cái gì cao siêu, an vui và bất tử, vĩnh cửu hay không.

Đạo Phật cho biết một con người vẫn luôn luôn nằm trong, sống trong cái nền tảng, cái cội nguồn của tất cả mọi chúng sanh và của tất cả mọi sự. Cái đó những kinh điển khác nhau dùng những từ khác nhau như Như Lai tạng, tánh Không Một tướng, Vô tướng, Phật tánh, Pháp thân của tất cả chư Phật, Pháp giới… Và kinh nào cũng chỉ ra những phương pháp, những pháp môn để đạt đến (hay nếu thích thì dùng chữ “trở về”) Cái Đó.

Đạt đến Cái Đó, hay dùng chữ đã dùng trong bài này là Pháp giới, người ta có thể hóa giải mọi đối nghịch trong thế giới hiện tượng và trong thế giới con người.

Khi Kinh Đại Bát Niết Bàn nói, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” thì nếu đạt đếnPhật tánh vốn có nơi mình, người ta có thể “có” tất cả chúng sanh, dù họ có thế nào trên mặt hiện tượng. Đức Thích Ca khi thành Phật là ngài đã trở thành Phật tánh trọn vẹn của tất cả chúng sanh. Đây là điều Đức Phật nói trong Kinh Pháp Hoa đã trích dẫn ở trên, “Ba cõi là của ta, tất cả chúng sanh là con ta”.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, một trong ba kinh chính yếu của Tịnh Độ tông, nói rằng chư Phật là pháp giới thân, đi vào tâm tưởng của tất cả chúng sanh:

“Chư Phật Như Lai là pháp giới thân, đi vào trong tâm tưởng của tất cả chúng sanh.Thế nên khi tâm các ông tưởng Phật, thì tâm ấy là ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp tùy hình. Tâm ấy làm Phật (làm sự quán tưởng Phật) thì tâm ấy là Phật”.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Như Lai xuất hiện, phần nói về tâm Như Lai, nói rằng Trí huệ Như Lai, không chỗ nào không đến, đầy đủ trong thân chúng sanh.

“Trí huệ của Như Lai không chỗ nào mà không đến. Vì không một chúng sanh nào mà chẳng có đủ trí huệ Như Lai, chỉ do vọng tưởng điên đảo chấp trước nên không chứng được…

Cũng vậy, trí huệ Như Lai vô lượng vô ngại có thể lợi ích khắp tất cả chúng sanh, đầy đủ ở trong thân chúng sanh. Chỉ vì hàng phàm phu vọng tưởng chấp trước nên chẳng hay chẳng biết, chẳng được lợi ích.

Bấy giờ đức Như Lai dùng trí nhãn thanh tịnh vô ngại xem khắp pháp giới tất cả chúng sanh mà nói rằng: Lạ thay, lạ thay! Tại sao các chúng sanh này có đầy đủ trí huệ Như Lai, mà ngu si mê lầm chẳng hay chẳng thấy. Ta nên đem thánh đạo dạy cho họ lìa hẳn vọng tưởng chấp trước, để từ trong thân, họ thấy được trí huệ Như Lairộng lớn, như Phật không khác”.

Cũng trong phẩm Như Lai Xuất Hiện, đại Bồ tát Phổ Hiền nói khi Phật thành Chánh giác, tức là Giác ngộ, thì Giác ngộ có ấy có trong tâm của tất cả chúng sanh. Nói cách khác, khi Đức Phật giác ngộ là giác ngộ khắp trong tâm của tất cả chúng sanh. Phật giác ngộ là Phật trở thành Tự Kỷ Phật (Phật Chính Mình) của tất cả chúng sanh.

“Chư Phật tử! Đại Bồ tát phải biết tâm mình niệm niệm thường có Phật thành Chánh giác, vì chư Phật chẳng rời tâm này mà thành Chánh giác. Như tâm mình, tâm của tất cả chúng sanh cũng đều như vậy, đều thường có Như Lai thành Chánh giác, rộng lớn cùng khắp không chỗ nào chẳng có, chẳng lìa, chẳng dứt, không ngưng nghỉ”.

Trong sự hóa giải, chuyển hóa nghịch cảnh và chúng sanh đối nghịch, sự giác ngộ, thành Chánh giác là hiệu quả nhất vì nó đi vào tận nơi thâm sâu nhất của tâm chúng sanh. Thành Phật là thành Chánh giác ngay trong tâm của mỗi chúng sanh, dù chúng sanh đó có “vọng tưởng chấp trước điên đảo” đến thế nào.

Thế nên, giác ngộ, thành chánh giác là lý tưởng muôn đời của hạnh Bồ tát, để “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh”.

 

Nguyễn Thế Đăng