Ý nghĩa Tịnh độ
Tịnh độ của Đức Phật hiện hữu trong từng suy nghĩ, trong từng việc làm với tâm từ bi và tuệ giác của Ngài…
Khi Đức Phật an trụ trong Thiền định dưới cội Bồ Đề và thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác, bấy giờ, Tịnh độ mười phương hiện ra trước Ngài. Có thể nói, Tịnh độ của Đức Phật hiện hữu trong từng suy nghĩ, trong từng việc làm với tâm từ bi và tuệ giác của Ngài.
Ở giai đoạn đầu, khi Ngài khoác áo Sa môn đi khất thực, sống cuộc đời vô cùng thanh đạm mà những người xung quanh thấy Ngài sống cực khổ, vất vả, nhưng thật sự cuộc sống phạm hạnh cao quý đó đã cho Ngài niềm an lạc vô biên. Ngài nhận ra được tâm an lạc chính là Tịnh độ. Tinh thần này về sau được Thiền tông triển khai thành học thuyết Tịnh độ ở tâm. Người tu theo lý này cũng có đời sống phạm hạnh như Đức Phật, tưng bước chân chậm rãi hành Thiền, họ bước vào Tịnh độ và tâm họ cũng theo đó an trú ở Tịnh độ. Như vậy, cả thân tâm thanh tịnh thì thế giới hiện hữu là Tịnh độ; nói cách khác, Tịnh độ được hình thành trong tâm, thế giới nôi tâm trong sáng, thuần khiết là Tịnh độ.
Tuy nhiên, pháp môn Tịnh độ đi xa hơn một bước nữa. Bắt đầu tâm ở trong Tịnh độ rồi, nhưng hành giả không thể đem thân tứ đại vào Tịnh độ được, mà phải đem thân phước đức và trí tuệ mới có thể đi theo tâm thanh tịnh để thâm nhập Tịnh độ, từ đó hình thành cõi Tịnh độ thứ hai gọi là Thật báo trang nghiêm Tịnh độ, một thế giới do phước đức, trí tuệ và tâm thanh tịnh tạo nên.
Như vậy, qua loại hình thế giới thứ hai hiện thành Tịnh độ chư Phật mười phương; vì chư Phật đã có đầy đủ ba yếu tố cần thiết tạo thành Tịnh độ, đó là tâm chư Phật thanh tịnh, phước đức chư Phật viên mãn và trí tuệ chư Phật tuyệt đỉnh. Trang nghiêm bằng ba Thánh tài như vậy, chư Phật mới xây dựng được thế giới vật chất thanh tịnh thực và với phước đức trí tuệ hoàn mỹ, các Ngài tập họp được chúng Hiền thánh một cách đơn giản. Thực tế cho thấy nơi nào có phước đức và trí sáng, nơi đó dễ dàng quy tụ được người tốt, người giỏi. Tịnh độ Thật báo được kết hợp như vậy.
Riêng pháp môn Tịnh độ chịu ảnh hưởng tinh thần Tịnh độ của Đức Phật Di Đà mà Đức Phật Thích Ca đã nói rằng chúng sinh ở Ta bà có duyên với Đức Phật Di Đà và Tịnh độ tông đã được triển khai từ Tịnh độ tam kinh, Tịnh độ ngũ kinh. Tịnh độ tam kinh đặt nền tảng trên ba bộ kinh là kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà. Kinh Vô Lượng Thọ nói về hành trạng của Đức Phật Di Đà khi tu hành Bồ tát đạo. Kinh Quán Vô Lượng Thọ chỉ phương cách cho chúng ta đưa tâm về Tịnh độ Tây phương của Phật Di Đà. Và kinh Di Đà rút gọn lại nhân hạnh quả đức của Phật Di Đà để chúng ta lấy đó làm hành trang thực tập pháp môn Tịnh độ.
Pháp môn Tịnh độ ở Việt Nam cũng hình thành trên tinh thần Tịnh độ tam kinh, nhưng vì đất nước chúng ta có truyền thống tu Thiền từ lâu đời, nên pháp tu Thiền và Tịnh thường được hòa nhập lẫn lộn. Vì vậy, có người tu niệm Phật nhưng thực tập Thiền quán, hoặc có người tu Thiền nhưng niệm Phật để cầu chứng Niệm Phật tam muội, hay cầu sự gia bị của Đức Phật Di Đà để được vãng sinh Tây phương Cực lạc.
HT. Thích Trí Quảng