Bài học nhân quả

Khi tôi viết những dòng này thì sự việc đã diễn ra đủ lâu để mọi việc chìm vào quên lãng, mọi người lại tiếp tục trở lại với cái guồng quay nhân quả, vô thường không dừng nghỉ.

Hôm ấy là ngày chuẩn bị mãn tang mẹ tôi…

Sau khi làm lễ mừng thượng thọ 80, ba tôi mất. Mẹ tôi sống thọ hơn, 90 tuổi, những ngày cuối đời đau nhức, khó chịu, nằm một chỗ dai dẳng khoảng vài tuần thì bà đi.

Ba tôi đi, thì gia đình còn lại ít đất đai. Anh em tất cả đều an phận, ở xa. Còn lại hai đứa em. Chú Tám và cô Út, tôi đứng ra chia phần đất làm hai: Một đất đai hương quả giao cho chú Tám, còn lại là cô Út. Tôi chu tất mọi việc từ khi còn công tác ở Huyện ủy, mọi thứ giấy tờ rất thuận tiện.

Cô Út làm ăn thất bại, mang cắm cả phần đất của chú Tám vào ngân hàng. Nợ nần không thanh toán, ngân hàng nhờ đến luật pháp. Nguy cơ phát mãi tài sản là thực tế. Mẹ tôi yếu dần, đi đứng đều nhờ đến chiếc xe đẩy rất khó khăn, đầu óc bắt đầu lú lẫn, quên trước quên sau. Tòa án và ngân hàng đến nhà đo đạc lập hồ sơ chuẩn bị cho vụ kiện, bà hỏi tôi “Chuyện gì thế. Tao còn sống đây mà tranh ăn, chia đất hả. Tranh ăn chia đất phải không”. Mẹ tôi khóc. Tôi đáp: “Con còn ở đây. Không ai tranh ăn đâu má. Ngân hàng và Tòa án chuẩn bị phát mãi đó. Không may, đến má mất không có chỗ để quan tài đó”.

Thời gian này, tôi đau lòng thật sự trước công việc làm ăn của em tôi. Con tôi là luật sư, nghiên cứu hồ sơ đất đai, tôi thực hiện khi còn làm việc ở Huyện ủy, việc phân chia cho hai em chỉ có chữ ký của tôi và hai đứa, trong khi gia đình có đến 5 anh em trai và cô Út nữa là sáu. Việc tranh chấp bắt đầu theo sự sắp xếp của con tôi. Ngân hàng và tòa án không phát mãi được vì đất tranh chấp. Em gái tôi, từ đất đai, xe tải đủ thứ dần trắng tay chuyển sang buôn tảo bán tần. Đến khi, may mắn hơn, được bạn bè dẫn dắt mua bán gỗ cao su không lâu phục hồi dần. Nợ ngân hàng thanh toán hết. Lấy lại được tất cả sổ đỏ. Mẹ tôi dường như trút được gánh nặng, bà ra đi thanh thản.

Em tôi lo công việc, đi làm xa. Chú Tám cũng ở xa cách 50-60km. Ngôi nhà từ lúc mẹ tôi mất, chẳng ai ở, thêm nhà cô Út cạnh bên cũng để không. Hai ngôi nhà vắng lặng như vô chủ. Cô Út cho lắp đặt camera an ninh. Thứ giá trị nhất bấy giờ trong gia đình phải kể đến, đó là cây mai cổ thụ trước sân nhà mà tôi chăm sóc, cắt tỉa rất đẹp cho ra hoa rực rỡ hàng năm. Nhiều lần muốn đánh gốc cho vào chậu để dễ chăm sóc nhưng cứ sợ đánh lên sẽ mất.

Thế rồi, cũng mất thật.

Hôm ấy chú Tám phát hiện trước tiên qua camera rồi anh em thông báo nhau nhưng không thể về kịp. Bọn trộm để lại hình ảnh rất rõ ràng trong đêm ấy. Mọi việc nhờ đến công an xã. Dự định của em tôi sẽ đưa tất cả ra ánh sáng từ nhiều dữ kiện của camera lưu lại. Điểm quyết tâm của các em là phải làm bằng được vì nếu không sẽ đến bộ lư đồng rất cổ còn lại trong ngôi nhà anh em đã chọn làm nơi thờ tự.

Tôi tu kể từ đấy

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chỉ còn vài hôm nữa đến mãn tang mẹ tôi. Tối trước ngày mãn tang, cô Út về trước để chuẩn bị bàn thờ, don dẹp trong nhà.

Thế rồi, gần 9h00. Út gọi điện và gào khóc thảm thiết: “ Anh ơi nhà cháy hết rồi”. Trời đất, dù rất tỉnh, tôi không khỏi giật thót trước thông tin này. Cách nhà 30 km tôi lên xe về ngay. “Em bình tĩnh, chuyện gì xảy ra đã xảy ra. Anh về ngay.” Về nhà, cả xóm tập trung rất đông chữa cháy. Điện đóm tối thui. Ngôi nhà trống hoác, cháy lỏm cả khung mái. Đồ đạt chỏng chơ, qua ánh đèn pin, bộ lư hương méo mó, rúm ró thảm hại.

Hôm sau, đám giỗ dọn cúng trong gian nhà mái trống trơ, cột kèo, xà gồ cháy lem nham nhở. Tưởng chừng như bình thường nhưng để ý sẽ thấy một không gian trầm mặc khác thường, các em tôi tránh nói ra điều suy nghĩ, có gì đó làm ba mẹ tôi giận mà đốt cháy ngôi nhà thế này. Có lẽ các con đều lo làm ăn, chẳng ai gìn giữ nhà cửa.

Từ lâu, chưa biết ai về gìn giữ nhà từ đường dù đã chia phần cho chú Tám. Đến lúc cô Út nói lên suy nghĩ này tôi mới mỉm cười từ tốn. Các em nghe đây, bây giờ anh mới nói chuyện này. Đây là bài học nhân quả mà tất cả phải học và nhớ nằm lòng. Sau khi mất cây mai, tất cả gia đình đều bức xúc muốn trưng ra bằng chứng để đưa kẻ gian ra tòa mới chịu. Nói thật ngay cả anh cũng vậy. Cây mai là kỷ niệm đích thân ba trồng, tính ra có nhiều thế hệ mai con, mai cháu ở khắp xóm. Phải nói cả gia đình đang tạo ra một từ trường hiềm hận, cay đắng. Út về, chuẩn bị mâm cơm chiều cúng xong về nhà mình bắt đầu tour lại camera, mấy cô cháu, mẹ con chụm vào để nghiên cứu mới ra sự thể. Lý do cháy nhà đã được đứa cháu lặp luận thật chặt chẽ rằng bát hương đầy chân hương cháy ngún và phát hỏa làm cháy bàn thờ và bùng lên cột kèo, xà gồ. Chẳng phải chập điện, nếu chập điện không thể cháy được cả ngôi nhà. Chính đây là từ trường nhân quả. Đêm qua, anh chạy về nửa đường, một xe bốn chỗ lấn đường anh văng xuống lề, trời mưa, rất may đoạn đường không quá sâu, chỉ có vũng nước. Nếu chúng ta hiểu rằng cây mai đã hết duyên với chúng ta, cứ xem là bình thường thì không có chuyện tối qua suýt anh bị chiếc xe tông chết, không có chuyện cháy nhà bởi lẽ Út không bỏ về nhà đến cháy bùng lửa ngọn đến hàng xóm gọi mới hay. Câu chuyện của tôi có lẽ đánh đúng vào tâm linh đầy mê tín của mọi người. Và chính nó giải tỏa được vẻ nặng nề trầm mặc trước đó.

Nhân quả, thiện ác tương ưng trong cái guồng quay vô thường, liên tục. Cái lý nhân quả cũng không dễ dàng được chấp nhận nếu như nó không lý giải một cách khoa học, thông suốt để bác bỏ đức tin siêu nhiên, vô hình chế ngự bấy lâu trong tim óc mỗi người. Kể ra, nếu không được nói đúng lúc chưa chắc các em đã nghe theo tôi. Từ lâu, các em vẫn mơ thấy ba hoặc má về. Cứ có điều gì trách cứ lại lo buồn, sợ sệt mà quên mất rằng cứ sống trong từ trường thiện. Cứ giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh, đừng nghĩ ác, đừng nói ác, đừng làm ác. Anh Tư Chiến hàng xóm thỉnh thoảng lại thấy ba tôi về và cho anh một dấu hiệu, một con số, một cái gì đấy khả dĩ để bàn ra con số…

Ôi. Lòng tin!

Kỳ Nam