Nghiệp giết hại
Có một vị vua luôn được xem là đức độ và tài giỏi nhất của Ấn Độ từ xưa đến nay, đó là vua A-dục. Ông có một hoàng tử tên là Câu-na-la. Hoàng tử Câu-na-la rất khôi ngô tuấn tú, tướng mạo như tranh vẽ, khuôn mặt như trăng rằm, vì thế có rất nhiều cô gái muốn được gần gũi với chàng.
Lúc đó, trong cung điện có một nàng vương phi trẻ tuổi tên là Đê-xá-la Hy-đa. Cô gặp hoàng tử lần đầu đã đem lòng yêu thương, thường tìm đủ mọi cơ hội để được gặp gỡ, gần gũi.
Một hôm, nhân tìm được một cơ hội tốt, vương phi liền đi tìm gặp hoàng tử, đem hết tâm sự tha thiết bày tỏ với chàng, hy vọng hoàng tử sẽ chấp thuận tình cảm của mình. Nhưng hoàng tử Câu-na-la xưa nay vốn tin theo Phật pháp, luôn giữ gìn phẩm hạnh thanh cao, đạo đức. Đối với một vương phi của phụ hoàng, tuy còn trẻ tuổi nhưng về phương diện vai vế là ngang với mẹ mình, chàng làm sao có thể sinh lòng tà vạy? Chàng tuyệt đối không bao giờ có thể làm một chuyện vô luân điên đảo như thế, nên trước những lời êm ái dịu ngọt của vương phi chàng vẫn không hề động lòng.
Khi người vương phi nhan sắc mỹ miều kia đem tình ái ra bày tỏ với chàng mà không được chấp thuận, ngược lại còn phải nghe những lời lẽ khuyên răn dịu dàng nhưng cương quyết của chàng thì cô ta quả thật không sao chấp nhận được.
Người vương phi quá si tình ấy vì không đạt được ý nguyện nên vừa buồn vừa xấu hổ, sinh tâm oán hận, liền bất chấp tất cả, sai người độc ác đến khoét mắt hoàng tử trước khi giết chàng đi.
– Trong một tiền kiếp rất lâu xa về trước, tại thành Ba-la-nại có một người thợ săn, quanh năm săn thú để sinh sống. Một năm nọ, tiết trời lạnh giá, người thợ săn lên núi săn bắn, tình cờ phát giác ra một hang động với rất nhiều nai đang trú lạnh trong ấy. Từ đó, mỗi ngày ông ta đều đến cửa động để bắt lấy một con nai đem về nhà, trước hết móc mắt nai, sau mới đem ra giết thịt. Cứ như thế trong suốt hơn một năm trời, bầy nai đáng thương kia cứ từ từ bị giết hết, không còn một con nào. Do nhân duyên giết hại ấy, từ đời này sang đời khác người thợ săn kia phải chịu quả báo luôn bị khoét mắt đau đớn trước khi bị giết. Hoàng tử Câu-na-la ngày nay chính là người thợ săn độc ác thuở ấy.
Tôn giả nói xong, mọi người vẫn còn chưa hết nghi hoặc, liền gạn hỏi:
Vị tôn giả ôn tồn trả lời:
– Điều đó lại là do một nhân duyên khác. Thuở xưa, sau khi đức Phật Ca-la-ca diệt độ rồi thì vua của nước ấy cho người điêu khắc tôn tượng của Như Lai để tỏ lòng tôn kính Tam bảo, lại còn xây bảo tháp cúng dường tôn tượng. Nhưng về sau có một hôn quân không tin Tam bảo, ra lệnh hủy hoại pho tượng Như Lai. Trong nước ấy có một người thợ điêu khắc tượng, thấy vua vô đạo như thế rất buồn khổ, nên phát nguyện đem pho tượng Phật vỡ nát về tu sửa lại trang nghiêm như cũ. Người thợ điêu khắc thuở ấy cũng chính là một tiền kiếp của hoàng tử Câu-na-la, nhờ công đức tu sửa tượng Phật mà nay được sinh vào hoàng tộc, lại do kết duyên với Phật pháp từ thuở ấy nên đến nay sinh ra cũng được nghe biết và tin tưởng, thực hành theo Chánh pháp. Nhưng vì nghiệp giết hại ngày trước chưa hết nên vẫn phải chịu quả báo như vậy.
Những lời giảng giải của vị tôn giả đã làm tăng thêm lòng tin vào nhân quả của mọi người, rằng có nhân như thế thì sẽ thọ nhận quả báo như thế, mọi việc xảy ra ở đời đều là tự làm tự chịu. Đó là một chân lý, vì không ai có thể chịu khổ thay cho người khác cả!
Diệu Hạnh Giao Trinh