Tử tế có khó không?
Tử tế là một chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống, một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa người với người trong cách đối nhân xử thế. Tử tế là một giá trị đẹp và nhân văn.
“Hương hoa không ngược gió
Gỗ trầm và mộc hương
Hoa lài cũng không thể
Chỉ có hương đức hạnh
Mới bay ngược chiều gió”
(Kinh Pháp cú số 54)
Như bài kinh ở phía trên, Đức Phật luôn căn dặn, nhắn nhủ hàng đệ tử của mình. Thực sự, chỉ hương đức hạnh, lối sống đạo đức, tử tế mới giúp xây dựng cốt lõi về giá trị và nhân cách của một con người. Ngài Đạt La Lạt Ma thứ 14 chia sẻ: “Tôn giáo của tôi rất đơn giản. Tôn giáo của tôi chính là sự tử tế!”.
Có thể dẫn chứng một cách cụ thể, bắt đầu từ: gia đình, nhà trường, nơi làm việc và toàn xã hội. Nếu muốn cuộc sống này thật sự ý nghĩa, tốt đẹp mỗi cá nhân phải luôn khắc ghi: người tử tế là người luôn nghĩ về sự tử tế; người tử tế là người có khả năng tự hỏi: mình có phải là người tử tế?; người tử tế là người mắc lỗi hoặc sai phạm nhưng biết sữa lỗi; người tử tế là người dám nói lên sự thật; người tử tế là người biết mang ơn; người tử tế là người biết chia sẻ với người khác…
Người tử tế là người không xu nịnh; người tử tế là người biết dừng đúng lúc những ham muốn của mình; người tử tế là người có khả năng thừa nhận người khác; người tử tế là người không đố kỵ; người tử tế là người không bôi nhọ người khác; người tử tế là người luôn thấy mình cần phải học hỏi hàng ngày; người tử tế là người biết nổi giận với những bất công; người tử tế là người luôn tìm thấy sự tử tế của người khác;…
Mỗi người một cách nhìn và nhận định, nhưng chung quy lại: Người tử tế là người có cử chỉ, hành động tốt, sống chân thành, biết mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân và cả tha nhân. Cũng có thể hiểu, người tử tế là người biết kính trên nhường dưới, tâm luôn lạc quan, giúp người khác mà không bao giờ có ý mong người khác đáp đền.
Là những người học Phật, hành lời Phật dạy chúng ta hãy tin vào sự tử tế trong cuộc đời. Cho đi là nhận lại. Gieo nhân nào gặt… quả nấy!
Tất nhiên, để đạt được một giá trị, “cảnh giới” nào đó trong ứng xử với đời, với người và cả với mình cũng cần rèn luyện, thực tập hằng ngày. “Trăm hay không bằng tay quen” là vậy!
Viên Quang – Đinh Anh Tuấn