Vận mệnh trong tay mình

 Một người không rõ về vận mệnh, đem thắc mắc của mình đi bái kiến một vị thiền sư:

 

 Thầy nói xem trên đời này có vận mệnh không?

– Có.

Nhưng, vận mệnh của con ở đâu?

Vị thiền sư kêu anh ta xòe tay trái ra, chỉ anh ta xem và nói:

– Con thấy rõ chưa? Đường này là đường tình cảm, đường này gọi là đường sự nghiệp, còn đường kia là đường sinh mệnh.

Sau đó, vị thiền sư kêu anh ta từ từ nắm tay lại, nắm thật chặt.

Thiền sư hỏi:

– Con nói xem, những đường đó nằm ở đâu rồi?

Anh ta mơ hồ bảo:

Trong tay con này.

– Con hiểu vận mệnh của con ở đâu rồi chứ?

Anh ta mỉm cười nhận ra, thì ra vận mệnh nằm trong tay mình.

Chúng ta là chủ nhân của cuộc đời mình. Ảnh minh họa

Chúng ta là chủ nhân của cuộc đời mình. Ảnh minh họa

Lời bàn:

Con người sinh ra ai cũng muốn mình có vận mệnh tốt, vinh hiển, thành công, may mắn. Mỗi năm, vào những dịp đầu năm hay lúc trải qua sóng gió, con người thường hoang mang, lo lắng. Những lúc đó, thường người ta sẽ hướng ra bên ngoài tìm giải pháp.

Một trong những nơi tìm tới để tham vấn, hỏi thăm chính là những thầy bà, người coi bói… Hỏi vận mệnh mình đang gặp vấn đề gì xui rủi, giải pháp cho việc ấy là gì là nhu yếu. Nắm bắt tâm lý lo lắng, sợ hãi vận xấu, thời xui của chúng sinh, những thầy bói, “ông lên bà xuống” sẽ thêm mắm dặm muối để dọa dẫm, xúi bậy.

Có thể họ sẽ xúi người ấy làm những việc tà vạy như sát sanh – cúng tế quỷ thần để cầu may. Hoặc tìm cách yếm đối, hại người. Hoặc kiếm tiền bất chính bằng cách bày phương tiện cúng kiếng xa xỉ, trục lợi từ người đang mê tín, lầm lạc. Kết quả, đã khổ còn khổ hơn, càng vùng vẫy thoát ra càng lún sâu vào vũng bùn.

Chỉ có tìm tới những bậc chân tu thì mới mong có câu trả lời thật trí tuệ, khai thị cho người hỏi. Vị thiền sư trong câu chuyện trên chính là đại diện cho trí tuệ, từ bi. Thầy đã chỉ cho người đang hoang mang về vận mệnh của mình chính bằng dẫn dắt nhẹ nhàng khiến người hỏi ngộ ra: vận mệnh trong tay mình.

Quả thực như vậy. Chúng ta là chủ nhân của cuộc đời mình. Ta là người tạo nghiệp (lành hoặc dữ) và cũng là người thừa tự nghiệp ấy. Một khi ta gieo nhân xấu thì ắt phải gặt quả xấu và ngược lại. Khi có sự nhận thức đúng đắn này ta sẽ không còn sợ quả xấu hay tự mãn với quả lành. Lúc đó, ta sẽ tự tại trước mọi biểu hiện xấu tốt và cần mẫn sám hối lỗi lầm xưa, quyết không lặp lại, đồng thời nỗ lực tạo tác các việc lành.

Trong Phật giáo, lời dạy của Đức Thế Tôn đối với người Phật tử khi quy y Tam bảo chính là đoạn ác, làm lành, làm thanh tịnh thân tâm. Đó chính là con đường chân chính để vượt qua nỗi khổ niềm đau, bước lên con đường an vui, giải thoát.

 

L.Đ.L