Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ về những vấn đề của truyền thông Phật giáo trong bối cảnh hiện nay

Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ về truyền thông Phật giáo hiện nay vào sáng 17-12, trong chương trình Khóa huân tu tập trung và Bồi dưỡng trụ trì Phật lịch 2567 - Ảnh: Quảng Đạo

Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ về truyền thông Phật giáo hiện nay vào sáng 17-12, trong chương trình Khóa huân tu tập trung và Bồi dưỡng trụ trì Phật lịch 2567 – Ảnh: Quảng Đạo

Sáng 17-12, theo chương trình Khóa huân tu tập trung và Bồi dưỡng trụ trì Phật lịch 2567, Thượng toạ Thích Tâm Hải, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Thông tin Truyền thông T.Ư, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông GHPGVN TP.HCM, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ đã có buổi chia sẻ về Truyền thông với Phật giáo.

Mở đầu buổi chia sẻ, Thượng tọa Thích Tâm Hải đã khái quát về những vấn đề xoay quanh việc chuyển tải thông tin, truyền thông của Phật giáo trong thời đại hiện nay, với tốc độ lan toả và truyền tải thông tin cực kỳ nhanh chóng. Qua đó, Thượng tọa lưu ý Tăng Ni cần nhận thức rõ về nguyên nhân của những vấn đề mà các kênh truyền thông Phật giáo gặp phải trong thời gian gần đây, nguyên nhân phát sinh và phương hướng xử lý thích hợp.

Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ đề tài “Phật giáo với truyền thông hiện nay” trong chương trình Khóa huân tu tập trung và Bồi dưỡng trụ trì Phật lịch 2567
Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ đề tài “Phật giáo với truyền thông hiện nay” trong chương trình Khóa huân tu tập trung và Bồi dưỡng trụ trì Phật lịch 2567

Một trong số những nguyên nhân khách quan là do “tác dụng phụ” của xã hội thông tin, khó có thể lường trước được sự cố có thể xảy ra và mức độ ảnh hưởng của chúng. Các video clip với mức lan rộng, chia sẻ, cộng hưởng lên tình cảm tôn giáo… dẫn đến thái độ và cái nhìn tích cực hoặc tiêu cực về Phật giáo bị thay đổi.

Về chủ quan, hiện nay, nhiều đăng tải có nội dung Phật giáo thiếu chiều sâu, tương phản với các giá trị truyền thống có thể đưa tới khủng hoảng mà chính chủ thể đăng tải cũng không ý thức hết được nguy cơ có thể xảy đến. Hình ảnh người tu sĩ vốn quen thuộc, lại được mặc định tiêu biểu cho hệ giá trị đạo đức, tinh thần nên những gì tương phản với giá trị đó sẽ bị dư luận lên án.

“Chính những tương phản về đạo đức và thế tục, giữa lý tưởng và thực tế, giữa hình thức và nội dung… đã tạo nên nhiều khủng hoảng, khủng hoảng tiềm ẩn; đối với Phật giáo và bản thân Tăng Ni, nếu không nhận thức và có thái độ đúng đắn, chắc chắn sẽ là đối tượng, tác nhân đưa đến nhiều cuộc khủng hoảng lớn hơn, trầm trọng hơn, mà ảnh hưởng dĩ nhiên không chỉ đối với đương sự, mà phủ lên cả đối với cộng đồng, Giáo hội.”, Thượng toạ nhận định.

Hòa thượng Thích Huệ Minh chia sẻ quan điểm của mình về các vấn đề trong truyền thông Phật giáo
Hòa thượng Thích Huệ Minh chia sẻ quan điểm của mình về các vấn đề trong truyền thông Phật giáo

Đồng thời, hiện nay, nhiều vị Tăng Ni trẻ chưa có nhận thức đủ và đúng về mạng xã hội, chưa được hướng dẫn sử dụng đúng và có đủ sự phòng hộ; lại thêm việc cổ xúy sử dụng mạng xã hội một cách vô tội vạ, gắn với danh nghĩa “hoằng pháp”.

Đồng thời, tình trạng chiều chuộng cảm xúc, sở thích cá nhân, ngộ nhận giữa “khẳng định bản thân”, mong muốn kết nối với cộng đồng ảo… và chưa nhận thức một cách đầy đủ về sức mạnh, tác động của phương tiện thông tin đã và đang diễn ra một cách thường xuyên. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc đăng thông tin, hình ảnh riêng tư, livestream không cần mục đích, chỉ vì có tiếng là “truyền hình trực tiếp”; không phân biệt được nên truyền thông với nội dung gì, nên hạn chế nội dung gì mà đôi khi, bất cứ gì cũng đăng tải lên mạng.

Thượng tọa cũng cảnh báo tình trạng một số nội dung được lồng ghép, cắt xén một cách tinh vi được lan truyền bởi những đối tượng có ác cảm với Phật giáo, ý muốn tác động để thay đổi nền tảng văn hóa truyền thống.

Điều đáng nói ở đây là chính nhiều người làm truyền thông Phật giáo lại đang nhầm lẫn, thiếu cảnh giác và nhận thức rõ ràng để rồi góp tay lan truyền những nội dung ấy, khiến tình trạng “lộng giả thành chân” đã và đang âm thầm tiếp diễn. Đứng trước những nan đề đó, nếu Tăng Ni và những người tham gia làm truyền thông Phật giáo xem nhẹ sẽ dễ dẫn đến mất kiểm soát và mang đến hậu quả khó lường.

Cần xem khủng hoảng truyền thông là phép thử “khách thể” của Phật giáo, từ đó có những điều chỉnh để Phật giáo có thể tự bảo vệ và hoàn thành sứ mệnh của mình
Cần xem khủng hoảng truyền thông là phép thử “khách thể” của Phật giáo, từ đó có những điều chỉnh để Phật giáo có thể tự bảo vệ và hoàn thành sứ mệnh của mình

Trước những hiện tượng trên, và trong bối cảnh xã hội thông tin hiện nay, không gì khác hơn là xem xét các khủng hoảng truyền thông là phép thử “khách thể” của Phật giáo, từ đó có những điều chỉnh để Phật giáo có sức khỏe tốt, tự bảo vệ và vượt lên các dịch bệnh để làm sứ mệnh của mình”, Thượng toạ nhấn mạnh.

Cuối lời, Thượng toạ Thích Tâm Hải gửi gắm thông điệp đến toàn thể hội chúng: “Mỗi người dùng điện thoại thông minh, Zalo, Facebook… mỗi ngày chủ động chia sẻ một lời kinh, một pháp ngữ, những thông tin Phật sự, viết một bình luận trong Chánh niệm, tìm kiếm một thông tin thiện lành, gửi đi thông điệp an vui… đó là đang góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn”.

Theo chương trình, 8 giờ sáng ngày mai, 18-12-2023, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế T.Ư sẽ chia sẻ các vấn đề liên quan đến Hiến chương GHPGVN hiện nay.

Một số hình ảnh ghi nhận: