Cộng nghiệp và biệt nghiệp
Cộng nghiệp cũng có từng mức độ như cộng nghiệp toàn thế giới, cộng nghiệp của quốc gia, cộng nghiệp vùng, cộng nghiệp gia đình, cộng nghiệp một tổ chức,…
Trong cộng nghiệp có đồng thuận, có bất đồng thuận, có hơn thua, có ganh ghét, có vui mừng…khi cùng quan điểm thì hợp nhau, bất đồng quan điểm thì không hợp nhau, đây là bản chất trong thế giới con người.
Biệt nghiệp là nghiệp riêng của từng người, đây là nghiệp do tự mỗi cá nhân tạo ra. Ví dụ: Một vùng bão giông, lũ lụt, có người bị thương vong, có người không bị; một vùng bị chiến tranh, có người bị thương tích, có người không, đó là biệt nghiệp của mỗi người.
Cộng nghiệp hay biệt nghiệp không do ai tạo ra, do chính con người huân tập, tích lũy qua nhiều đời, nhiều kiếp. Nghiệp được hình thành từ ý nghĩ, lời nói và hành động của từng người. Ý nghĩ, lời nói, hành động thiện, đó là thiện nghiệp; ý nghĩ, lời nói, hành động ác, đó là nghiệp ác. Kết quả của nghiệp, thiện nghiệp là an lạc, hạnh phúc; nghiệp ác là khổ đau.
Những nghiệp thiện và bất thiện căn bản:
Bất thiện nghiệp (ác nghiệp): Sát sinh, tà dâm, trộm cắp, nói dối, nói xấu người khác, nói thô ác, nói phù phiếm, tham, sân, tà kiến.
Thiện nghiệp: Không sát sinh, không tà dâm, không trộm cắp, không nói dối, không nói xấu người khác, không nói thô ác, không nói phù phiếm, không tham, không sân, chánh kiến.
Thế nào là mười pháp hướng đến thù thắng? Mười thiện nghiệp đạo: Ly sát sanh, ly thâu đạo, lỳ tà dâm, ly vọng ngôn, ly lưỡng thiệt, ly ác khẩu, ly ỷ ngữ, ly tham, ly sân, ly si. Như vậy là mười pháp hướng đến thù thắng. (Trích kinh Thập Thượng – Trường Bộ Kinh).
Giới Định Tuệ