Thấy có cha, có mẹ là chánh kiến
Người học Phật đều biết chánh kiến là thấy biết chân chánh, như thật về Bốn sự thật, Nhân quả, Duyên khởi… , ngược lại được gọi là tà kiến. Pháp thoại này, Đức Phật nói cụ thể hơn về những phương diện của chánh kiến, đặc biệt là thấy “có cha, có mẹ”.
“Một thời Đức Phật du hóa tại nước Câu-lâu-sấu, ở Kiếm-ma-sắt-đàm, đô ấp Câu-lâu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng:
– Có một con đường khiến chúng sanh được thanh tịnh, xả bỏ ưu sầu, than khóc, dứt hết buồn khổ ảo não, chứng được như pháp. Đó là Thánh chánh định, có tập, có trợ và cũng có cụ, bao gồm bảy chi….
– Thế nào là tà kiến? Đó là cho rằng không có bố thí, không có trai tự (cúng dường), không có chú thuyết (tế lễ), không có thiện, ác nghiệp, không có quả báo của thiện, ác nghiệp, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ, không có bậc Chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, tự tri, tự giác, trong đời này hay đời sau mà tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là tà kiến.
– Thế nào gọi là chánh kiến? Đó là thấy rằng có bố thí, có trai tự, có chú thuyết, có thiện, ác nghiệp, có quả báo của thiện, ác nghiệp, có đời này đời sau, có cha có mẹ, có bậc Chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, trong đời này hay đời sau tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là chánh kiến”.
Người học Phật đều biết chánh kiến là thấy biết chân chánh, như thật về Bốn sự thật, Nhân quả, Duyên khởi… , ngược lại được gọi là tà kiến. Pháp thoại này, Đức Phật nói cụ thể hơn về những phương diện của chánh kiến, đặc biệt là thấy “có cha, có mẹ”.
Thoạt nhìn, chánh kiến này có vẻ đơn giản, ai mà không thấy biết về cha mẹ của mình? Thực tế thì lại khác, khá nhiều người dù biết rõ “có cha, có mẹ” nhưng vẫn tự huyễn tin rằng con người do thần thánh tạo ra. Cha mẹ sinh ra ta là sự thật chắc chắn mười mươi, kiểm chứng được mà không tin, trong khi chuyện sáng tạo vốn mông lung, mờ mịt thì lại tin, tà kiến chính là đây.
Thế nên, thấy “có cha, có mẹ” để biết cội nguồn, niệm ân đức dày công nuôi dưỡng. Người con hiếu mong được báo đền ân đức mẹ cha dù biết rằng chẳng bao giờ đủ. Vậy nên, những ai chủ trương vứt bát hương, bỏ thờ tự, dẹp giỗ quảy… là theo tà kiến chối bỏ cội nguồn, quay lưng với tổ tiên.
Hãy tỉnh thức để sớm nhận ra những nhận thức, quan điểm “không có cha, không có mẹ” là tà kiến, là bất hiếu để quay về làm người con hiếu thảo. Hiếu thảo là một trong những nhân cách đạo đức căn bản của con người. Ai cũng có lòng hiếu thảo, chỉ vì tà kiến ngăn che, hiểu biết sai lạc mới thành ra vô ơn, bất hiếu. Vậy nên, để cho hoa hiếu hạnh tỏa ngát yêu thương thì cần thêm ánh sáng trí tuệ, phá bỏ tà kiến si mê, nhất là cái thấy sai lầm “không có cha mẹ”.
Quảng Tánh