Người sống cũng cần phải hồi sinh
Hành trình hồi sinh và nhận diện bình an cùng bạn sẽ đi qua rất nhiều cảm xúc, đôi khi vượt ngưỡng chịu đựng tâm thức thông thường. Nhưng bạn yên tâm, tất cả đều được an dịu từ góc nhìn và sự suy ngẫm thông qua các triết lý Phật Pháp mình cảm nhận được.
Người sống… cũng cần phải hồi sinh
Ngay từ tựa đề của quyển sách: Người sống cũng cần phải hồi sinh, hẳn ta đã hình dung được phần nào những điều tác giả Tánh Pháp muốn chuyển tải. Chúng ta đã và đang cùng nhau cố gắng bình an trong bất an mỗi lúc trước những biến chuyển mang tính toàn cầu, nhất là trong những tháng ngày khó quên bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhưng đó chỉ là phần bề nổi của sự bất an hiện tại, là những thứ hữu hình mà ai cũng có thể thấy được. Còn phần ẩn trong mỗi chúng ta, có những sự bất an vi tế đến nỗi chúng ta lướt qua nó, để nó tự lớn dần trong tâm trạng, gặm nhấm từ từ, rồi đến khi chín muồi thì làm ta gục ngã, khiến chúng ta không thật sự đang sống. Cái chết thể xác thì còn có thể tái sinh ở một đời sống khác theo thuyết luân hồi, nhưng cái chết về tinh thần là điều rất đáng sợ, nó bòn rút từ đời kiếp này đến đời kiếp khác bằng những nỗi thống khổ tận cùng. Vậy nên đã đến lúc chúng ta cùng nhìn nhận một nhu cầu rất thật vốn tồn tại từ lâu, là ngay cả Người sống cũng cần phải hồi sinh.
Xuyên qua nỗi đau
Không chỉ những ai đang trong hoàn cảnh bệnh tật, chướng ngại tâm lý thì mới cần hồi sinh, mà ở thời đại bây giờ, có rất nhiều người đã “Chết ở tuổi 25 và chôn cất tuổi 75”. Tức có một bộ phận sống thả trôi với cuộc đời này, phai nhạt niềm tin, đam mê, phai nhạt đi những giấc mơ nhiệt huyết như “cánh buồm đỏ thắm”, những ý chí mạnh mẽ vốn dĩ tiềm tàng. Còn chưa kể là những người mất đi những người thân yêu, người cha, người mẹ, người thương, chồng, vợ, con cái…, khiến họ sống một cuộc đời hiện tại như “chết hẳn trong lòng”.
Nhất là qua đợt dịch bệnh, rất nhiều những gia đình khuyết đi những thành viên. Vậy thì, những ai ở trong tình cảnh đó, xin hãy quán rằng, cái chết không phải là hết, chỉ là sự chuyển đổi hình thức và sự sống khác tiếp diễn. Để từ những nguôi ngoai trong lòng đó, những mất mát, những đau thương vốn có tự mỗi người sẽ “biến” thành sức mạnh để chúng ta “bừng tỉnh”, “hồi sinh”, “thức tỉnh” trở lại bạn ạ. Mà tin chắc rằng, với những ai đã “chết” trong lòng, mà chịu “hồi sinh” trở lại, thì những người đó họ sống mạnh mẽ, sống có ích gấp ba gấp bốn lần bình thường. Vì họ đã nhận ra chân ý nghĩa của cuộc đời này, biết trân quý mỗi giây phút có mặt ở hiện tại với trùng trùng những mối nhân duyên. Phần ngẫm suy này mong góp góc nhìn giúp mỗi người chúng ta sách tấn, sống trọn vẹn từng ngày, cũng như là một cách gia giảm đau thương cho những ai có thân nhân vắn số.
Vì tôi chọn tích cực
Khi bạn đã tích cực thì lực bạn đủ mạnh để sẽ thành ngôi sao lấp lánh, nếu là bầu trời đêm. Hoặc là thành những mầm cây xanh biếc đơm hoa nảy lộc đón sương trong bình minh. Vậy thì, tích cực đáng lắm chứ. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến đôi khi là vậy đó.
– Chấp hết, chấp hết tất cả, nếu khó khăn! Cho ra khí chất mạnh mẽ.
– Cảm ơn tất cả dù khó khăn hay thuận lợi để trải nghiệm trên cuộc đời này.
Và bạn ơi! Trước khi mọi thứ để cho tùy duyên, thì mình hãy tác ý, tức là hướng lòng, hướng hành động mình đến điều cần làm, còn kết quả ra sao thì để tự trôi, nó mới là duyên.
Chứ ở yên một chỗ rồi cứ buông lời tùy duyên, thì duyên nào mà tới cho được. Nếu để điều tích cực đến với mình thì bạn hãy tác ý tích cực. Điều này khác hoàn toàn với quy luật thu hút tài lộc, thuận lợi hiện nay được nhắc đến. Vì sựtác ý trong đó tôn trọng sự vận hành của Nhân – Duyên – Quả, giữ tâm không quá mong cầu. Bản thân mình chỉ người quan sát và biết chấp nhận mọi điều. Chứ không tìm mọi cách, phương thức để thu hút hay “kéo” điều mình mong muốn về cho bằng được. Tác ý tích cực, tùy duyên tích cực.
“Khi nào thấy Bình An trong hoàn cảnh Bất An. Khi ấy, Đời bắt đầu Đẹp!”
Nghĩa Phạm