Người mang sứ mạng của Như Lai
Sau khi kim tướng của đức Thế Tôn không còn trên đời, những phương pháp đưa nhân sinh từ bỏ bờ mê quay về nẻo giác của ngài đã được hàng Tăng bảo duy trì và phát huy hưng thịnh. Nói cách khác, mạng mạch Phật pháp được phó thác vào những người được mệnh danh là “Trưởng tử của Như Lai”.
Trưởng tử Như Lai được gọi ngay sau khi giới tử đăng đàn thọ Cụ túc giới. Người làm trưởng tử Như Lai thì nhất định phải thành tựu được bản thể Tỳ-kheo, tức là phát sinh được Vô tác giới thể. Có Vô tác giới thể mới chứng minh được giới tử có tha thiết cần cầu giới pháp, khao khát được bước lên vị trí hàng đầu trong các chúng, gánh vác trọng trách lèo lái con thuyền Phật pháp, để cho Phật pháp được trường cửu tại nhân gian. Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều không được gọi là trưởng tử Như lai, vì phẩm chất của các vị ấy chưa đủ khả năng để thay thế Phật tuyên dương Chánh pháp. Chỉ có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni mới có đầy đủ năng lực đại diện cho Phật giữ gìn Phật pháp nên được gọi là “Tăng bảo thường trú thế gian”.
Tăng bảo thường trú thế gian đương nhiên là những bậc hảo tâm xuất gia, luôn có ý thức về sự giải thoát, đạt được tuệ giác vô thượng và đem tuệ giác ấy hướng dẫn chúng sanh xa rời biển khổ và luôn tâm niệm:
“Huỷ hình thủ chi tiết
Cát ái từ sở thân
Xuất gia hoằng Thánh đạo
Thệ độ nhất thiết nhân.”
Nghĩa là: “Người phát tâm xuất gia học đạo phải từ bỏ họ hàng thân thuộc, cha mẹ, anh em, bạn bè, cạo bỏ mái tóc xanh, khoác lên mình mảnh áo nâu sòng, nuôi dưỡng trong lòng một hoài bão lớn “hoằng Thánh đạo” và “độ tất cả chúng sanh”. Hoài bão ấy chính là phát tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là một năng lực rất mạnh, chính nó thôi thúc chúng ta đi xuất gia và cũng chính nhờ năng lực ấy tiếp tục duy trì đời sống xuất gia, giúp chúng ta có thêm sự dõng mãnh tinh tấn, đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn trở ngại và sống an bình nơi chốn thiền môn. Mảnh đất nuôi dưỡng tâm Bồ-đề chính là hội chúng tu tập nghiêm tịnh trong tinh thần Giới – Định – Huệ.
Tổ Quy Sơn đã nhắc nhở rất khẩn thiết trong văn Cảnh Sách: “Người xuất gia là phải cất bước đến phương trời cao rộng, tâm hình phải khác tục, nối thạnh dòng Thánh, hàng phục ma quân để đền trả bốn ân, cứu giúp ba cõi. Nếu người xuất gia không làm được như thế mà ở trong chúng với lời nói và hạnh kiểm vẫn còn hoang sơ, luống hao của tín thí. Chỗ đi năm trước tấc bước không rời, líu láo một đời, lấy chi nương tựa. Huống nữa đường đường tăng tướng, dung mạo dễ xem. Sở dĩ được như thế là do đời trước đã gieo trồng căn lành, nên đời này mới cảm quả báo như thế.”
Thế nên, người xuất gia không phải vì cơm áo cũng không phải vì hoàn cảnh mà chỉ vì một lòng tha thiết muốn nối thạnh dòng Thánh, độ tận chúng sanh nên đối với việc bước lên địa vị Tăng bảo là niềm khao khát lớn, chúng ta phải có ý niệm như thế thì tâm Bồ-đề mới được vững chãi, có như thế mới xứng đáng đứng vào hàng trưởng tử của Như Lai.
Trong hoàn cảnh xã hội tiến bộ ngày nay, một vị trưởng tử Như Lai muốn thực hiện được sứ mạng mà đức Phật đã giao phó, nhất định phải có vốn kiến thức vững vàng cả về thế học lẫn Phật học. Một trưởng tử của Như Lai càng không thể hiểu mập mờ hay hiểu sai về những lời dạy của đức Phật. Người ấy phải đi như Phật đi, phải đứng, ngồi, ăn, mặc, ngủ và hành sự như những gì Phật làm. Đó mới là người con trưởng của Phật – “con dòng hưởng lấy tài gia”.
Người xuất gia có trọng trách là người giữ gìn gia tài của Phật. Khi đọc di chúc lúc đức Thế tôn sắp nhập Niết-bàn, chúng ta không khỏi bùi ngùi xúc động trước những lời kêu gọi tha thiết: “Này các Tỳ-kheo! Các đức Như Lai giảng dạy chánh đạo, nhưng chính các ngươi phải làm việc của mình.” Để giao phó lại gia tài vô giá mà người cha đã dày công tìm được và giữ gìn nguyên vẹn thì chúng ta là những vị Tỳ-kheo được đức Thế tôn tin tưởng và giao phó sẽ duy trì ngọn đuốc Chánh pháp rực cháy mãi giữa cõi đời vô minh uế trược này.
Lời phó chúc của đức Thế Tôn là như thế, nhưng hàng Tỳ-kheo sẽ làm gì để thực hiện những lời di chúc ấy?
Gia tài của Phật là một kho tàng vô giá mà ngài đã lặn lội tìm kiếm trong vô lượng kiếp, gia tài ấy là tuệ giác Vô thượng. Tuệ giác này có năng lực đưa chúng sanh thoát ly khổ não sanh tử, an trú hạnh phúc trong cảnh tịch diệt. Người mang trọng trách giữ gìn gia tài, nhất định phải hiểu rõ giá trị, công dụng và lợi ích của chúng. Cũng vậy, trọng trách của hàng Tỳ-kheo khi đón nhận gia tài của Phật là phải thấu đạt và thành tựu được quả vị tối thượng để đưa chúng sanh thoát ly khỏi sanh tử luân hồi. Nói cách khác, một vị Tỳ-kheo thực thụ là vị phải có đầy đủ giới hạnh, ngôn hành phải tương ưng. Người được mệnh danh là trưởng tử giữ gìn gia tài trước hết phải là một vị Tỳ-kheo đúng pháp. Tức là phải thành tựu được ít nhất là Sơ quả Tu-đà-hoàn. Bằng cách thực hành đầy đủ các học giới, giữ gìn oai nghi chánh hạnh, sợ hãi với những lỗi nhỏ nhặt, sống hành pháp và tuỳ pháp,… Có như thế, vị ấy mới có đủ tư cách và năng lực thay thế Phật tuyên dương Chánh pháp. Vị Tỳ-kheo phải thâm hiểu Bốn Thánh đế, Mười hai nhân duyên,… cho đến việc thực hành miên mật pháp tu thiền định và thiền quán. Vị ấy phải thật sống với chân lý mầu nhiệm, an trú trong Chánh pháp. Vì trưởng tử của Như Lai là bậc thầy của trời người nên phải thấu đạt cả pháp học lẫn pháp hành.
Thế nên, trong bài “Kệ giới”, đức Tổ sư cũng đưa ra tiêu chí của một vị Tỳ-kheo như: “Một người thay mặt cho Phật thật không phải dễ, mỗi cách hành động như đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, mặc, nói, làm, mỗi cách cư xử đều phải giống y Phật. Tăng chúng chỉ giữ giới, tướng mạo trang nghiêm, ở ăn theo Phật, cũng đủ khêu gợi được lòng tín ngưỡng của bá tánh. Tăng chúng thay mặt cho Phật, ít ra cũng phải học hỏi uyên thâm, ngõ hầu hiểu thông và giảng giải lại những lý thuyết rất cao siêu huyền diệu mà Phật đã thấy khó cho chúng sanh. Người thay mặt cho Phật lẽ đương nhiên mỗi mỗi phải y theo Phật, phải trọn lòng vâng giữ theo chế độ Tăng-già, theo chế độ ấy dầu cho tâm chưa được hoàn toàn trong sạch, chớ nết hạnh cũng được sửa đổi rất nhiều.” Do đó, vị Tỳ-kheo thay mặt cho Phật truyền bá Chánh pháp ở nhân gian cần phải có những cung cách oai nghi và tuệ giác của một bậc xuất trần thượng sĩ. Nếu không được như thế thì ít ra cũng phải là người giữ giới hạnh trang nghiêm, các căn được thu thúc,… có đức hạnh cũng đáng cho thiện tín cúng dường, sùng bái.
Thế nên chúng ta phải biết rằng, thân giáo quan trọng hơn khẩu giáo. Ba đời chư Phật, chư Tổ hay những bậc tiền bối đều nói những gì mà các ngài đã làm được. Nói thì rất dễ, tiếp xúc với nó thì không dễ chút nào, như câu chuyện của cư sĩ Bạch Cư Dị và thiền sư Ô Sào là một ví dụ điển hình.
Quan thị lang Bạch Cư Dị là một thi hào nổi tiếng đời Đường. Một hôm ông đi ngang cổng chùa thấy Thiền sư đang ngồi trên cành cây, mới đến hỏi đại ý Phật pháp. Thiền sư đáp:
“Các việc ác chớ làm
Vâng làm các điều lành
Tự thanh lọc ý mình
Đó là lời Phật dạy”
Bạch Cư Dị nghe xong trề môi nói: “Những điều ông nói con nít lên ba cũng nói được.”
Thiền sư mỉm cười đáp: “Con nít lên ba nói được nhưng ông già 80 chưa chắc đã làm được.”
Đức Phật chỉ đơn giản dạy cho các đệ tử của mình nên làm các điều lành, chừa bỏ những việc ác và tự thanh lọc tâm ý của chính mình. Thế nhưng đó lại là một công việc rất khó thực hành, một công việc đòi hỏi người thực tập phải mất nhiều thời gian và sức lực. Bởi vì bản tính của con người thường bị ô nhiễm ngay từ niệm vô minh đầu tiên, trải qua vô lượng kiếp trầm luân sanh tử đến nay đã huân tập biết bao cấu uế, phiền não. Muốn thanh lọc tâm ý để thực hiện những điều lành, lánh xa việc ác, quả thật tám mươi năm của kiếp người cũng chưa chắc làm xong.
Vì vậy, cổ đức thường trách: “Năng thuyết bất năng hành”, nghĩa là “Nói được mà làm không được”. Nói đúng chân lý của đức Phật hay nói một câu pháp vừa phù hợp với căn cơ giúp một chúng sanh thoát ly mê muội cũng là cả một công trình khó khăn, huống gì tự thân thực nghiệm và đạt được tuệ giác giải thoát, thật không phải dễ. Tuệ giác ấy chỉ thực sự hiện hữu nơi những hành giả đang miệt mài đấu tranh chống lại những quân ma phiền não, chống lại những cám dỗ của năm dục, sáu trần. Do đó, vị Tỳ-kheo người mang sứ mạng gìn giữ gia tài của đức Thế tôn, đòi hỏi vị ấy phải có một tư lương khá vững vàng.
Ngày nay, chúng ta sống cách xa thời Phật, Phật pháp dần dần bị phương tiện hoá, thời đại vật chất đang chiếm giữ phần lớn thời gian và con người hầu như đang bị vây bủa bởi những thú vui danh lợi. Đứng trước những nhiễu nhương của thế sự, người được xem là “Trưởng tử Như Lai” phải biết đâu là pháp môn phương tiện và đâu là cứu cánh giải thoát, để không phải bị rơi vào ma trận của phương tiện. Điều này đòi hỏi người xuất gia phải tuân thủ theo những giới điều mà đức Phật đã định, những nội quy trong thiền môn. Nhờ giữ giới trọn lành mà tâm được tịnh định và từ đó trí huệ dần sáng tỏ. Nói một cách khác là phải tu trên Giới, trên Định và trên Tuệ. Đây là pháp tu căn bản không thể thiếu cho cả người xuất gia lẫn tại gia. Cho nên, trong Chơn lý “Cư sĩ”, Tổ dạy: “Người cư sĩ bước chân vào cõi đời ô trược, ác thế thì cần phải mang theo Giới – Định – Huệ.” Một lần nữa, Tổ khẳng định vai trò và giá trị của Giới – Định – Huệ trong việc tiến tu giải thoát mà một trưởng tử Như Lai phải hoàn thành trước khi dấn thân làm các Phật sự đem lại lợi ích cho tha nhân.
(Giảng tại khóa “Sống chung tu học” lần thứ 17, ngày tu thứ 4, 03/12/2023 (21/10/Quý Mão).