Khi ăn cơm, một hạt không chừa
Đại sư Ấn Quang suốt đời dạy người tiếc phước (tiếc: mến tiếc). Bất cứ gặp ai, luôn luôn răn bảo: Khi ăn cơm, ăn cho thật sạch, một hạt cũng không chừa, đều không phung phí, đây là tiếc phước. Khi mình ăn cơm, phải nghĩ đến người khác, thế gian còn có rất nhiều người bị nạn không có cơm ăn.
Quần áo phải mặc cho sạch sạch sẽ sẽ, chỉnh chỉnh tề tề, đây là tiếc phước. Quần áo mặc rách rồi không sao, có thể sửa, có thể vá, cần thiết giặt cho sạch, cần thiết có thể che thân, đủ ấm là được. Thế gian khổ nạn, chúng sanh, kẻ không có quần áo mặc vẫn còn rất nhiều.
(Ngài Ấn Quang Đại Sư)
Niệm niệm nghĩ đến chúng sanh, và toàn tâm, tận lực giúp đỡ tất cả chúng sanh, luôn luôn lập tâm, định bụng như vậy là lòng thiện.
Trong đời sống hằng ngày, cần thiết để ý. Người tu hành thật sự, một tờ giấy cũng không phí. Tuy khoa học kỹ thuật ngày nay phát triển, vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày được làm ra rất dễ dàng. Nhưng cũng cần phải e ngại, dè dặt, không thể phung phí. Những gì có thể tiết kiệm, dùng hết khả năng mà tiết kiệm. Như thế, bạn có thêm phước, do đó thọ hưởng không hết.
Phung phí tuỳ ý, phước báo của bạn hưởng tận nhanh chóng. Hưởng tận rồi, dù còn thọ mạng, bạn cũng phải chết. Tại sao như vậy? Phước không còn, lộc tận, người vong.
Thật thà mà nói, người đời nay hưởng thụ đều do phước báo còn lại của những đời trước. Trong đời này, họ chỉ hưởng phước, mà không tu phước. Đạo lý này, người đời nay không có ai tìm tòi, đến nỗi bạn có nói, người ta cũng không tin.
Chúng ta là người học Phật, thường hay tiếp xúc với Kinh giáo. Đối với lý luận này, cơ hội nghe được sự thật chân tướng nhiều hơn. Nhưng tại sao vẫn không thể quay đầu trở lại? Do bởi ảnh hưởng của toàn xã hội. Đại đa số mọi người không tin, cho là lời của Phật và Bồ Tát chưa hẳn là thật. Cho nên, chúng ta thấy được rất nhiều người học Phật với tấm lòng hoài nghi, tuy nghe rõ ràng, nghe Minh bạch, nhưng cảnh giới hiện tiền vẫn chạy theo cảnh giới trước mắt, không trở đầu lại được.
Hoà thượng Tịnh Không chủ giảng