Bồ tát sợ nhân, phàm nhơn sợ quả

Nhân và quả là những giáo lý căn bản quan trọng trong đạo Phật. Có lẽ nhân quả đã có từ trước thời Phật còn tại thế, nhưng đạo Phật là đạo của sự thật.

Đạo Phật chấp nhận những gì của sự thật, thế nên sự thật về nhân quả đã được Đức Thích Tôn Từ Phụ hoan nghênh và đặt lên hàng giáo lý căn bản trong đạo Phật.

Nhân quả là một nguyên lý mà trong đó con người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hành động của mình. Nhân quả là một nguyên lý rất rõ ràng và khoa học. Hễ trồng thứ gì thì gặt thứ đó, không trồng thì không gặt. Với thường tình thế tục, có thể không trồng mà vẫn gặt, bằng cách đi xin hay ăn cướp ăn trộm, nhưng với “nhân quả của nhà Phật,” thì ai gieo nấy gặt và gieo thứ gì thì gặt thứ đó, gieo thứ gì thì hưởng thứ đó, không ai gieo trồng được dùm ai, không ai xin ai được, cũng không ai cho ai hoặc không đi ăn trộm ăn cướp của ai được.

Những Phật tử chơn thuần phải vô cùng cẩn trọng, không thể dễ duôi bỏ mặc cho thân tâm dong ruỗi về những miền vô định.

Những Phật tử chơn thuần phải vô cùng cẩn trọng, không thể dễ duôi bỏ mặc cho thân tâm dong ruỗi về những miền vô định.

Tại sao lại nói Bồ Tát sợ nhân, phàm nhơn sợ quả? Bồ Tát là những vị tu hành giải thoát nhiều đời kiếp. Với họ, luật nhân quả chi phối chúng sanh thế nào đà quá rõ ràng, không còn một chút mù mờ hoặc mơ hồ. Thế nên nhất cử nhất động của họ, họ đều biết kinh vì nơi những nhân bất thiện, vì nếu chưa phải là Phật, hễ gieo nhân ắt gặt quả. Gieo nhân bất thiện, ắt gặt quả bất thiện, không sai chạy đi đâu được. Từ vô thỉ con người đã lăn trôi trong luân hồi sanh tử, và cứ thế nhân quá khứ biến thành quả hiện tại, quả hiện tại tác động trên những thăng trầm trong cuộc mưu sinh mà biến thành nhân cho quả của vị lai. Cứ thế và cứ thế mà chúng sanh tiếp tục luân hồi sanh tử. Bồ Tát luôn biết rằng nhân dù nhỏ, khi gieo ra, cây sẽ lớn tàng, trái sẽ sum suê. Chẳng hạn như hột mận hột xoài, khi đem gieo rồi tưới nước bón phân, thì vài năm sau sẽ biến thành cây mận cây xoài và cho ra vô số những trái mận trái xoài. Sự gieo nhân trong hành động hằng ngày của chúng ta cũng như vậy. Một lời nói độc ác có thể gây phiền chuốc não và đưa đến cái chết cho chúng sanh khác. Với chúng sanh đang lăn trôi trên đường sanh tử, hãy còn mù mờ về nhân quả. Nên chi hễ thấy trái ngọt thì ưa thích, mà quả đắng quả cay thì ghét thì sợ. Thế nhưng lại không chịu suy xét, mà lại cứ gieo bừa, không chịu xem coi nhân nào sanh quả ngọt, nhân nào sanh quả đắng. Luật nhân quả có thể là một cái gì trừu tượng và vô hình vô tướng với những ai tâm tưởng hãy còn loạn động, nhưng với những bậc Bồ Tát thức giả, với những người nội tâm an tỉnh và giác ngộ được chân lý thì nhân quả là cái gì rất ư là rõ ràng và dễ hiểu vô cùng. Với những bậc Bồ Tát vì biết chắc rằng nhân đau khổ sẽ sanh ra những quả khổ đau, nên chi họ rất dè dặt và cẩn trọng trong lúc gây nhân.

Chính vì thế mà ngay trong đời kiếp nầy, những bậc Bồ Tát thức giả luôn có đời sống lành mạnh từ đi, đứng, nằm, ngồi, đến cách giao tế hằng ngày, cách ăn uống và ngủ nghỉ. Họ luôn ăn uống đều đo, ăn để có đầy đủ sức khỏe để sống để tu, chứ không phải sống để ăn cho khoái khẩu. Nên chi họ ăn những thứ không làm tổn hại đến chúng sanh, hoặc nếu có làm tổn hại, thì chỉ tổn hại rất ít. Lời ăn tiếng nói của họ luôn thanh tao hòa nhã. Họ không bao giờ thốt ra những lời thô lỗ cộc cằn hoặc chưởi rũa độc ác, khiến cho loạn tâm loạn tánh tha nhân và họ luôn tránh cho tha nhân có cơ hội tạo ra nghiệp chướng. Đi đâu đến đâu họ cũng mang theo bên mình câu châm ngôn của cổ nhân: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” Nghĩa là cái gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác. Mình không muốn nghèo khổ đói rét thì đừng xâm phạm đến tài sản vật chất của ai. Mình không muốn ai gây thù kết oán với mình thì mình đừng kết oán gây thù với ai. Mình không muốn tật nguyền tàn phế, thì đừng đánh đập ai cho đến nỗi phải tật nguyền tàn phế. Mình không muốn con cái bất hiếu bất nghĩa thì mình đừng bất nghĩa bất hiếu với mẹ cha… Những bậc Bồ Tát thức giả luôn làm việc có chừng mực. Tâm họ luôn hướng về chánh niệm. Trí họ luôn thông minh sáng suốt và học hành tinh tấn. Tâm trí họ luôn vượt thoát khỏi những khái niệm chấp trước, những tư tưởng đen tối cũng như những ràng buộc tình cảm của thường tình thế tục. Họ không bao giờ nhìn ai bằng thành kiến hay định kiến. Ngược lại, họ luôn lắng nghe tha nhân. Đó là những nhân mà các bậc Bồ Tát thức giả gieo trong đời sống hằng ngày. Những bậc Bồ Tát thức giả luôn tránh gieo nhân, nhứt là nhân ác, dù nhỏ thế mấy cũng không gieo. Danh vọng, tiền tài, sắc, thực, ngủ nghỉ… không bao giờ cám dỗ được họ. Họ luôn biết những việc nào nên làm và những việc nào phải tránh. Thế nên hiện đời, chứ không nói đâu xa, họ được giải thoát khỏi mọi hệ lụy của não phiền đau khổ và đời sống họ thật là an lạc hạnh phúc, đời tu họ là miên trường giải thoát.

Phàm nhơn chúng ta thì ngược lại, nhân khổ đau phiền não cứ gieo mà cầu không khổ, làm sao được đây? Dù biết hay không biết, chúng ta vẫn cứ nhắm mắt làm liều, đến chừng khổ đau não phiền ập đến thì than trời trách đất. Trời đâu đất đâu cho ta than trách hỡi những người con Phật! Thấy như vậy để ngay từ bây giờ nếu chúng ta không chịu tỉnh tâm tu hành để thấy cho rõ luật vô thường sẽ không bỏ xót một ai, dù người đó là vua, quan, hay quyền cao chức trọng đến thế nào, cũng phải già, yếu, bịnh hoạn, xấu xí. Nếu chúng ta không chịu bình tâm suy nghĩ thì một ngày nào đó sẽ phải khổ buồn vì bất như ý. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng nghe nói đến Tần Thủy Hoàng, tán bạo bắt ép nhân dân đồ khổ đi tìm thuốc trường sinh và xây cất lầu đài cung điện nguy nga tráng lệ cho ông ta, nhưng rồi ông ta có sống được mãi để thụ hưởng những thứ đó đâu? Một Đại Đế như Tần Hoàng mà còn vậy, chúng ta nào có nghĩa gì! Phàm nhơn chúng ta do bởi vô minh che lấp mất đi trí huệ, thậm chí lắm kẻ còn u mê theo tà tín với đủ thứ xin xăm, bói tướng, bói quẻ, lên đồng lên cốt, cúng sao giải hạn, coi ngày, hoặc đốt giấy tiền vàng bạc… Xăm đâu mà xin, quẻ đâu mà bói, hạn đâu mà giải, ngày đâu mà coi, tiền mã đốt ra tro ai xài, vân vân và vân vân. Kỳ thật nếu ông sao La Hầu hay Kế Đô gì đó mà chiếu xuống bất kỳ ai trong chúng ta, thì cả địa cầu nầy phải lãnh đủ, cả địa cầu nầy phải tìm cách giải trừ chứ không riêng gì ai. Nói về ngày tốt ngày xấu, hễ mặt trời chiếu bên nào của địa cầu thì bên đó là ngày, còn bên kia là đêm và cứ thế mà xoay vầng, chứ có cố định đâu là ngày đâu là đêm. Cùng một điểm ban nãy là ngày thì bây giờ đã là đêm tối mịt mùng. Thế mà con người đặt số đặt tên cho ngày, rồi tự cho là ngày nầy tốt, ngày kia xấu. Những Phật tử chơn thuần phải vô cùng cẩn trọng, không thể dễ duôi bỏ mặc cho thân tâm dong ruỗi về những miền vô định. Tất cả đều do gây nhân mà có quả. Khi ta tạo nhân lành thì ta hưởng quả lành, khi ta tạo nhân dữ thì ta hưởng quả dữ, không chối cãi cũng như không trốn chạy đi đâu được. Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu tu hành theo các bậc Bồ Tát thức giả thì cho dù có lở tạo nhân ác, quả dữ cũng hoặc sẽ nhẹ đi hoặc không trổ.

 

Thiện Phúc