Đất Mẹ không phải là một hành tinh vô tri
Chúng ta rất may mắn được sống trong một đoàn thể, trong đó người nào cũng biết phương pháp thực tập. Bằng hơi thở, bằng bước chân chúng ta luôn luôn trở về với giây phút hiện tại và tiếp xúc với hình hài của mình.
Khi tiếp xúc được với hình hài của ta là ta bắt đầu tiếp xúc được với Đất Mẹ. Tình trạng lao đao, phóng thể, đánh mất mình hay thất niệm sẽ chấm dứt. Chúng ta có thể trị liệu và nuôi dưỡng tăng thân. Những người bạn của chúng ta đến từ các nước khác cũng thừa hưởng được sự thực tập đó, cũng có thể đạt được sự trị liệu và chuyển hóa.
Ngày Bụt Thích Ca thành đạo, Ngài rất phấn chấn, Ngài biết rằng giây phút đó có thể đến bất cứ lúc nào. Đức Thế Tôn nghĩ:
Ta đã thực tập nhiều kiếp, ta đã tiếp xúc, đã quán chiếu và giây phút thành đạo sắp tới rồi.
Tại sao ông biết chắc như vậy? Tại sao ông biết chắc là ông thực tập đầy đủ và ông sắp đạt đạo? Có ai có thể chứng minh được sự thật đó không, hay đó chỉ là sự tưởng tượng của ông?
Siddharta lấy bàn tay chạm vào đất nói:
Có đất này chứng kiến, đất này sẽ nói cho ngươi biết đây là sự thật.
Đó là địa xúc (bhūmispaśa). Chúng ta cũng phải thực tập địa xúc, chúng ta có “Sám Pháp Địa Xúc” rất hay. Trong khi ngồi thiền chúng ta thực tập địa xúc, trong khi đi thiền chúng ta cũng thực tập địa xúc. Tiếp xúc với Đất Mẹ, tự nhiên chúng ta sẽ được nuôi dưỡng và trị liệu. Chúng ta nương tựa vào Mẹ, chúng ta quy y vào vị Bồ tát lớn này. Đất Mẹ không những là mẹ của ta mà cha mẹ của ta, thầy của ta cũng là con của Đất Mẹ. Đất Mẹ đã tạo ra nhiều vị Bụt và Bồ tát dưới hình thức của con người hay không phải con người. Đức Thích Ca cũng là một đứa con của Mẹ, các vị Bồ tát cũng là những đứa con của Mẹ.
Trong kinh Pháp Hoa có câu chuyện: Một lần có nhiều vị Bồ tát từ các hành tinh khác tới để tham dự pháp hội Pháp Hoa. Nhiều vị hỏi Bụt có cần họ ở lại để giúp Bụt một tay không. Bụt nói:
Quý vị cứ về lo cho trú xứ của mình. Ở đây có đủ Bồ tát để chăm sóc trái đất này.
Một phe chủ trương duy vật, tất cả chỉ là vật chất, khi vật chất kết hợp lại thì nó sáng tạo ra tâm thức, tâm là do vật sinh ra.
Một phe chủ trương duy tâm, tất cả đều là tâm, do tâm sinh ra.
Trong truyền thống đạo Bụt, chúng ta học rằng tâm và vật là hai mặt của cùng một thực tại. Thực tại không phải là tâm cũng không phải là vật, thực tại siêu việt cả tâm và vật. Một đồng Euro có mặt trái và mặt phải, chúng ta phân biệt, cho rằng mặt trái không phải là mặt phải và ta tưởng tượng hai mặt có thể tồn tại riêng biệt. Đó là một sự dại dột, tại vì nếu không có phải thì không có trái và nếu không có trái thì không có phải. Phải và trái đều thuộc về một thực tại. Đưa một tờ giấy lên, chúng ta phân biệt một bên là trái và một bên là phải. Chúng ta nói trái và phải có thể tách rời nhau ra mà vẫn tồn tại. Chúng ta không biết rằng sở dĩ bên trái có được là vì nhờ bên phải và ngược lại bên phải có được là vì nhờ bên trái. Chỗ nào có trái là chỗ đó có phải và chỗ nào có phải là chỗ đó có trái. Có trên là có dưới, có dưới là có trên. Cái thấy của đạo Bụt là cái thấy trung đạo, có nghĩa là con đường chính giữa vượt lên hai thái cực như có và không, sinh và diệt, trái và phải, trên và dưới, vật chất và tinh thần. Vì vô minh nên có hành, vì có hành nên có thức tức nhận thức phân biệt, vì có thức nên có danh sắc tức vật chất và tinh thần. Kỳ thực, vật chất và tinh thần không phải là hai cái riêng biệt, nó là hai mặt của cùng một thực tại.
Nhiều nhà khoa học hiện nay cũng đang bị kẹt vào ý niệm không và có, họ đang tìm hiểu tại sao vũ trụ từ không mà trở thành có. Họ sáng tạo ra những lý thuyết như thuyết Big Bang, tức là lúc mà vũ trụ, thời gian và không gian được thành lập. Vì có quan niệm về sự sinh thành của vũ trụ nên họ phải nghĩ tới lúc vũ trụ bị tiêu diệt. Vì vậy chữ Big Bang đi đôi với chữ Big Crunch.
Tuệ giác của đạo Bụt vượt thoát những quan niệm đó: vũ trụ không sinh cũng không diệt, không có cũng không không. Nếu tiếp xúc sâu sắc với Đất Mẹ, chúng ta có thể chứng đắc được cái thấy không có không không, không sinh không diệt. Chỉ cần nhìn một cách sâu sắc vào một đám mây hay một tờ lá mùa thu là chúng ta có thể tiếp xúc với tính không sinh không diệt, không có không không của đám mây hay của tờ lá. Bụt Thích Ca là người đã tìm thấy điều đó, và đã trao truyền cái thấy đó cho chúng ta. Chúng ta phải nhìn Đất Mẹ như vậy, Đất Mẹ đã dạy cho chúng ta những bài học rất sâu sắc. Nếu trong quá khứ Đất Mẹ đã đưa ra đời nhiều vị Bụt và Bồ tát thì trong hiện tại và trong tương lai Đất Mẹ sẽ cho ra đời những vị Bụt và Bồ tát khác. Đất Mẹ là một vị Bồ tát lớn, một vị Bụt lớn, rất xinh đẹp và mầu nhiệm. Nơi đây chính là Tịnh độ.
Nói tới đất chúng ta thường nghĩ đất chỉ là đất, nhưng Đất Mẹ không phải chỉ là đất. Đất Mẹ là nước, Đất Mẹ ôm lấy nước, sáng tạo ra nước. Đất Mẹ là không khí, là sức ấm. Bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong đều thuộc về vị Bồ tát này, và chất liệu làm ra hình hài của ta cũng là địa, thủy, hỏa, phong. Nhìn một bông hoa, ta phát hiện ra Đất Mẹ. Ta đừng nói bông hoa là vật chất, bông hoa cũng là tinh thần, tại vì bông hoa có cái biết trong nó. Chúng ta gieo một hạt xuống đất, thì trong hạt ấy có chứa cái biết, nếu không thì làm sao hạt lại làm ra được lá, hoa và trái? Vì vậy cho bông hoa là vật chất là không đúng, cho hạt bụi kia là vật chất cũng không đúng. Khoa học đã khám phá ra trong hạt bụi cũng có tâm thức, hạt bụi rất linh động. Hạt bụi kia, nguyên tử kia, điện tử kia không phải là vật chất mà cũng không phải là tinh thần, nó là cả hai.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh