Biết vọng là chánh tu
Ngày mới đến với đạo, tôi không có trí để đọc học hay tham cứu các loại kinh luận bình thường, vì vậy tôi chỉ biết nương vào pháp Biết vọng không theo của Hòa thượng Trúc Lâm mà thực tập.
Hy vọng, sau khi ứng dụng pháp đó, đầu óc tôi sáng sủa ra một chút, có thể đọc thông hết tất cả kinh luận. Không phải như ngày ấy, ngay cả những tập sách nhỏ của Hòa thượng, của ngài Suzuki… đọc thì có mà không lưu lại được chút gì trong đầu. Có chăng, chỉ vài ba câu ngắn ngủi đơn giản như “người tại gia vẫn tu được”.., và một cái tên Maha của kinh Pháp bảo đàn. Hy vọng đó rất lớn trong tôi. Tôi đã có niềm tin như vậy. Có lẽ do kinh nghiệm những đời trước còn đọng lại trong tạng thức.
Cũng không hiểu vì sao lúc ấy lại tin vào pháp Biết vọng không theo của Hòa thượng mạnh đến vậy, dù không hiểu gì về pháp ấy, dù ngày ấy nhiều người đã lên tiếng chê bai bằng những dòng luận lý khá dài. Biết chê nhưng không biết vì sao họ chê, vì không hiểu gì về pháp Biết vọng. Có lẽ không phải chỉ mình tôi mà đa phần thường ít nắm rõ về pháp mình đang tu. Nắm, nghĩa là biết rõ nguyên do vì sao mình phải thực hành như thế, pháp ấy có tác dụng thế nào đối với thân tâm của mình. Ít người biết về điều đó. Chỉ bằng lòng tin là chính. Cho nên, khi gặp khó khăn, có người đã sợ hãi và bỏ cuộc. Tôi cũng đã có lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng nhờ nghiệp quá khứ trợ duyên mà không thể bỏ. Vượt qua và kéo dài cho tới bây giờ. Khi cần vẫn Biết vọng không theo để tạo an ổn cho mình.
Vì sao không chỉ đọc học là đủ mà phải có pháp hành?
Vì chỉ đọc học thôi thì không đủ giải quyết những phiền não và va chạm ở đời, huống là muốn có Định-Tuệ.
Trong cuộc sống đời thường đây, muốn có định tĩnh cũng phải tự mình tập định tĩnh, không thể chỉ nương vào đọc và học mà có định tĩnh. Đọc học không thể tạo ra an định cho mình mà chỉ trợ duyên giúp mình biết cách làm thế nào để an định bản thân, làm thể nào để thanh lọc tham-sân-si, không trực tiếp giúp mình tiêu trừ tập khí, tập nghiệp. Đại sư Hám Sơn nói: “Bước đầu của sự tu thiền là phải quên tất cả thấy nghe hiểu biết… Thiền giả phải hoàn toàn gạt bỏ các thấy nghe hiểu biết trước của mình. Ở đây, uyên bác hay thông minh đều vô ích… Bất cứ khi nào một ý tưởng móng khởi, phải cố tìm ra căn nguyên của nó, đừng để nó hiện hành dễ dàng hoặc bị nó hoặc loạn. Nếu chư vị tu tập như vậy, chư vị đang làm một công việc vững chắc” (1). Việc đó cho thấy đọc học không đủ năng lực giúp hành giả có Định có Tuệ, là nền tảng cần cho mục tiêu mà mình đã đặt ra.
Sao không dừng ở giữ giới, bố thí mà phải có Chỉ-Quán?
Vì đang nói trong phạm vi tu thiền, lại là Tổ sư thiền. Tổ sư thiền lấy Kiến tánh thành Phật làm tông chỉ. Tức chủ trương chính của Tổ sư thiền là phải kiến tánh và thành Phật. Ngay khi kiến tánh, chính là Phật, đó là Phật nhân. Nhưng do “Đa sinh tập khí thâm” (2), nên ngộ rồi vẫn chưa thể nhập, cần phải có quá trình thanh lọc tập khí, Phật quả mới thành tựu. Đó là lúc thể, tướng và dụng của Phật tâm hiển bày đầy đủ, chính là Phật quả.
Đã lấy việc Kiến tánh thành Phật làm tông chỉ, thì không thể không dùng đến Chỉ-Quán. Vì Chỉ là hành tác giúp chúng ta dừng tâm vọng tưởng. Nó là pháp căn bản chủ yếu trong các pháp hành. Các pháp như tham công án… đều có tác dụng giúp chúng ta dừng tâm vọng tưởng của mình. Nói chính xác là dừng cho được lực của dòng vọng niệm. Bởi lực của vọng nếu không dừng, thì chân dù ngay đó vẫn không thể nhận. Do lực này mà chúng sinh như con thiêu thân, bị hút trôi theo cảm xúc và suy nghĩ của mình. Một niệm khởi lên, ngay đó liền trượt dài, rồi theo đó mà đi cho đến khi cái quả hiện ra. Nếu không có Quán để biết, không có Chỉ giúp dừng, không biết bao giờ mới sống được với chân thể thanh tịnh dù nó luôn sẵn đó.
Biết vọng không theo cũng là một Chỉ-Quán.
Việc đầu tiên của Biết vọng không theo, là phải nhận ra vọng đang hiện hành trong tâm mình. Thứ gì hiện lên trong tâm, đều gọi là vọng. Ngay khi nhận ra có vọng thì vọng tạm dừng. Tùy tâm thức của từng người mà quá trình diễn biến của tâm có khác nhau, nhưng đa phần tâm chúng sinh đều diễn biến như thế.
Biết thì vọng tạm dừng, nhưng vì lực vọng còn mạnh nên vọng lại sinh. Nếu có tâm kiềm giữ không cho vọng khởi thì xảy ra tình trạng nặng đầu. Khi vọng dừng đó, gọi là Chỉ. Biết có vọng, chính là Quán. Ngay Quán có Chỉ. Chỉ không lìa Quán. Chỉ-Quán song hành.
Hỏi: Là Tổ sư thiền, Lục tổ nói: “Pháp môn của ta đây, lấy Định-Tuệ làm gốc”. Đây sao không nói Định-Tuệ mà nói Chỉ-Quán?
Đáp: Hành giả mới tu thiền, không thể một bước có liền Định-Tuệ mà phải nhờ vào Chỉ-Quán, Định-Tuệ mới hiện tiền. Nên nói Chỉ-Quán mà không nói Định-Tuệ. Song chúng là nhân là quả của nhau. Đại sư Hám Sơn nói: “Chỉ là nhân, Định là quả. Quán là nhân, Tuệ là quả” (5). Ngay khi dùng Chỉ để dừng sự tán loạn của tâm, ta có Định. Ngay khi biết có vọng khởi lên ở tâm, chính là Tuệ.
Việc chính của người tu Phật
Như vậy, việc chính của hành giả tu thiền cầu Phật đạo là làm sao ứng dụng pháp hành để dứt cho được dòng tương tục. Nói chính xác là làm sao để vọng trở lại đúng vị trí của nó, không còn lực dẫn người đi trong luân hồi sinh tử. Chính vì vậy, Tổ Khuê Phong Tông Mật nói: “Biết vọng là chánh tu. Làm các điều lành là trợ tu” (6).
Chánh, là biết vọng. Muốn biết vọng thì phải phản quan tự kỷ, quan sát lại chính mình. Nói phản quan, vì đa phần chúng sinh đều có thói quen hướng ra ngoài soi rọi đúng sai. Giờ tu hành, phải hướng cái thấy ấy trở lại mình. Không có động tác ấy thì khó mà tu thiền, khó mà thấy được những sinh khởi trong mình để không theo. Cho nên, khi Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung thượng sĩ “Tông chỉ của việc bổn phận là gì?”. Tuệ Trung thượng sĩ trả lời: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (7). Bổn phận của người tu là xoay cái nhìn trở lại mình, không theo nơi khác mà được.
Như vậy, ăn cơm, uống nước, lao tác, sinh hoạt v.v… đều phải lấy việc phản quan làm chính, tức xoay lại quán thân tâm của mình. Việc này được thể hiện khá rõ trong bài kinh Tứ niệm xứ thuộc kinh Trung bộ, tập I:
“Tỉnh giác, vị ấy thở vô. Tỉnh giác, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri thở vô dài. Thở ra dài, vị ấy tuệ tri thở ra dài. Thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri thở vô ngắn. Thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri thở ra ngắn…”. Tuệ tri, là cái biết trí tuệ. Sao gọi là biết trí tuệ? Vì không thông qua suy tưởng. Pháp thế nào ghi nhận đúng thế ấy, như gương soi cảnh vật.
“Lại nữa, này các Tỷ-kheo! Tỷ-kheo, khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm. Khi mang áo Sanghati (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm. Khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm. Khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm. Khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, nín… biết rõ việc mình đang làm…”.
“Này các Tỷ-kheo! Ở đây Tỷ-kheo khi cảm thọ cái vui, tuệ tri đang cảm thọ cái vui. Khi cảm thọ cái khổ, tuệ tri đang cảm thọ cái khổ. Khi cảm thọ cái không khổ không vui, tuệ tri đang cảm thọ cái không khổ không vui…”.
“Này các Tỷ-kheo! Ở đây, Tỷ-kheo với tâm có tham, tuệ tri tâm có tham. Với tâm không tham, tuệ tri tâm không tham. Với tâm có sân, tuệ tri tâm có sân. Với tâm không sân, tuệ tri tâm không sân…”.
Đó là một trong các cách giúp người tu phản quan. Phản quan như vậy có tác dụng giúp hành giả ý thức được những gì đang xảy ra như chúng đang là, cũng giúp tiêu trừ lực tương tục của dòng vọng niệm.
Phật không chỉ dạy chúng ta biết rõ thân tâm mình đang diễn biến thế nào trong hiện tại, mà trong kinh Tư lượng (8), Phật còn dạy “Nếu trong khi quán sát, Tỷ-kheo thấy rõ các bất thiện pháp chưa được đoạn trừ trong nội tâm, thì chư Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ…”. Tức hành giả không những cần biết rõ những gì đang hiện khởi nơi thân tâm mình,mà còn phải đoạn trừ chúng nếu chúng thuộc các bất thiện pháp. Đó là điểm mà hành giả cần lưu ý.
Chỉ là, muốn nhận lại chân thì vọng phải mất lực, nên tất cả các niệm thuộc thiện hay bất thiện đều phải đoạn trừ. Như Lục tổ nói với Thượng tọa Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” (9)
Biết vọng, là biết những gì khởi lên trong tâm là vọng. Muốn biến những thứ đang thấy như thật đây trở về đúng bản vị của nó là vọng, hành giả phải đoạn cho được lực tương tục của dòng vọng niệm.Đoạn đó, tuy thấy là đoạn niệm, nhưng thật là giúp đoạn lực tương tục. Đoạn đó chính là buông hay không theo. Buông hay không theo đều diễn tả tình trạng không còn bị dòng tương tục dẫn chạy. Có khác, là do vọng còn lực hay không lực. Vọng còn lực, thành tương tục, thì cần tác ý đoạn trừ, nên nói buông. Vọng mất lực rồi thì như mây bay qua trời, sinh rồi tự diệt, không cần tác ý đoạn trừ, nên nói không theo. Cho nên, Biết vọng buông, Biết vọng không theo hay chỉ cần Biết vọng thôi đều là hình thức ly niệm, chỉ tùy thô tế mà thấy có khác nhau.
Thực hành như thế, miên mật được thì tương lai nhất định có tin tức, hiện tại cũng không có thời gian hướng ngoại mà sinh thị phi hay phân biệt ta-người. Nếu không có tin tức, là do công phu chưa được miên mật, chỉ dụng tâm trong thời khóa tọa thiền, bình thường thì buông lơi.
Không nên lấy phụ làm chính
Tuy việc chính của hành giả tu thiền là phản quan biết vọng, nhưng không phải ai cũng đủ năng lực và điều kiện để hành trì miên mật. Nên ngoài chánh tu còn có trợ tu, đó là làm các điều lành. Điều lành là những việc thuộc phước thiện như bố thí, trì giới, lao tác, công quả…
Nói phụ, tức nó không phải là việc chính của người tu thiền, mà chỉ là thứ dùng hỗ trợ cho việc chính. Hỗ trợ, là nhờ nó mà việc chính được tốt hơn, không phải vì nó mà việc chính bị đình trệ. Đó là việc mà một hành giả tu thiền cần lưu ý.
Một vài lúc, có những việc tôi phải làm, có thể gọi đó là việc gia đình, cũng có thể coi nó là lúc mình phải trả những gì mình đã vay từ quá khứ, tôi nhận ra rằng, dù là việc phước thiện hay việc lợi ích cho người, nếu mất sức vào đó nhiều quá thì một thời ngồi thiền vào buổi sáng thôi, cũng không ngồi nổi, nói gì là ba thời. Chỉ là ngồi cho có, trong tình trạng mơ mơ màng màng, không có sự tỉnh giác. Có lúc không thể ngồi luôn. Vì mệt, nên không ngồi nổi. Vì động, nên ngồi xuống là muốn đứng lên. Bởi động, vốn là nền tảng để con người và thế giới xuất hiện, nên động là năng lực rất mạnh của con người. Chưa đủ thời gian để lắng yên cái động cũ, giờ làm nhiều quá, coi như huân tiếp cái động thêm mạnh. Khó mà yên vị được một chỗ. Khó mà điều phục được thân tâm. Trợ lúc này chẳng còn là trợ, đã trở thành việc phá hoại công phu của người tu hành.
Song việc đó không có gì nghiêm trọng, nếu ta ý thức rõ lợi hại của việc đang làm. Mất ít thời khóa vì việc chung vẫn hy sinh được. Bởi có những việc không thể không làm, không thể từ chối. Việc chỉ trở nên nghiêm trọng khi ta không ý thức được thứ gì là chính, thứ gì là phụ. Khi không ý thức được điều đó, thì chính sẽ thành phụ và phụ trở thành chính. Chúng ta sẽ dùng luôn quỹ thời gian tu học để tập trung phục vụ cho công quả, phước thiện, ăn uống, ngủ nghỉ, chơi bời. Coi như nói tu thiền mà thiền đâu không thấy, chỉ thấy lan man theo việc phước thiện, công quả, ăn uống. Việc tới đâu mình theo tới đó, khuếch trương mạnh ra, không có ý để dừng. Không có việc cũng tìm cho ra việc để làm. Sao cho phù hợp với cái tâm vọng động của mình.
Tuệ chỉ thật sự có khi tâm có Định
Tuệ mà chúng ta nói đây, không phải là những gì chúng ta học hỏi được từ người khác. Nó là những gì lưu xuất từ hông ngực của chính mình. Muốn nhìn các pháp đúng như chính nó, ta phải sử dụng được phần Tuệ này.
Tuệ này chỉ có khi tâm có Định. Dù có Định rồi không hẳn là đã có Tuệ. Nhưng muốn có Tuệ nhất định tâm phải có Định. Định này xuất hiện khi chúng ta hàng phục được vọng tâm của mình.
Để đạt được Định, Đại sư Trí Khải nêu ra ba cách giúp chúng ta dừng tâm (10). Đó là Hệ duyên thủ cảnh chỉ, Chế tâm chỉ và Thể chân chỉ.
1- Hệ duyên thủ cảnh chỉ: Buộc tâm tại chóp mũi và giữa rốn… khiến tâm không tán loạn. Kinh nói: “Buộc tâm không buông lung, cũng như xích con vượn”. Đây là mượn cảnh để giữ tâm. Hành giả cần chuyên tâm vào một điểm để dừng sự tương tục của dòng vọng niệm. Nói cách khác, nhờ sự chuyên tâm vào một điểm mà lực giác hiện tiền. Nó là phương tiện giúp hành giả đạt được định tâm khi tâm đang quá tán loạn nhưng cái giác lại không đủ lực để giác vọng hay dừng vọng. Vì là phương tiện nên nó chỉ được dùng trong khoảng thời gian nào thôi, và thường là thời gian đầu mới dụng công. Tâm bớt tán loạn thì không dùng nữa.
Tôi từng dụng pháp này để giữ cái biết của mình, giúp cái biết có lực. Tôi không tập trung ở chóp mũi hay giữa rốn mà tập trung vào điểm giao của hai cây đan len. Ngồi suốt như thế mấy tháng, người liệt hết một bên, mới dừng. Nó giúp cái biết của tôi hiện tiền hơn. Biết và vọng cùng hiện tiền… để sau đó cả hai cùng mất.
2- Chế tâm chỉ: Tâm vừa khởi liền kềm hãm lại, không cho nó rong ruổi tán loạn. Kinh nói:“Năm căn, tâm là chủ. Thế nên các ông phải khéo dứt tâm”. Đây là dùng cái giác (biết) để dừng tâm. Nói tâm vừa khởi liền kềm hãm lại, là khi cái biết biết được có niệm thì niệm tạm dừng. Dừng rồi, nhưng do lực vọng còn mạnh nên vọng lại khởi. Khởi rồi, lại biết và dừng. Phần này tương tự như pháp Biết vọng liền buông mà Hòa thượng Trúc Lâm đã dạy.
3- Thể chân chỉ: Khi tâm khởi niệm, tất cả pháp đều biết do nhân duyên sinh, không có tự tánh thì không chấp. Tâm không chấp thì vọng niệm dứt, nên gọi là Chỉ. Như bài kệ ghi trong kinh: “Trong hết thảy các pháp/Nhân duyên sinh không chủ/Dứt tâm suốt nguồn gốc/Gọi là vị Sa-môn”. Đây là dùng Trí duyên khởi để dừng tâm mà được Định. Gọi là Thể chân chỉ vì loại Chỉ này dùng Trí dừng tâm, không do dụng công tác ý đè nén mà tâm dừng như hai loại Chỉ trước. Vì vậy, muốn dùng được loại Chỉ này, đòi hỏi lực tương tục của dòng vọng niệm phải dứt (11). Đây nói lực tương tục dứt, không nói vọng niệm dứt.
Dù có Định nhưng nếu không Quán vô thường, vô ngã, duyên khởi thì không thể phát Tuệ. Không phải cứ có Định là có Tuệ. Có Định mà thấy có Tuệ, là do trong quá trình tu Chỉ đồng thời có tu Quán, gọi là Chỉ-Quán song hành. Ngoại đạo tu Chỉ không tu Quán nên Định có mà Tuệ không, thần thông tuy có mà rơi vào các kiến chấp đoạn, thường, có, không v.v… không đạt được lý vô ngã mà Phật đã nói, không sống lại được với Phật tánh của mình.Kinh nghiệm rút ra là…
– Người mới tu thiền, quan trọng là điều hòa hơi thở. Hơi thở điều hòa thì thân tâm dễ điều hòa. Thở bụng, hơi thở sâu và dài, phù hợp với người tu thiền hơn là thở phổi, hơi thở ngắn và cấp bách.
– Tu hành muốn có kết quả thì việc dụng công cần miên mật. Miên mật, là không chỉ dụng công trong thời tọa thiền mà đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, lao tác thảy đều dụng công như Phật dạy trong bài kinh Tứ niệm xứ. Kinh Đại phẩm cũng nói: “Phật bảo Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát khi đi thì biết đi, khi ngồi thì biết ngồi, cho đến mặc y tăng-già-lê, nhìn, chớp mắt… đều nhất tâm, ra vào đều trong thiền định, chính người ấy là Bồ-tát Đại thừa”. Đại sư Trí Khải bàn rằng: “Hành giả nếu trong tất cả chỗ đi, đứng, ngồi, nằm, thấy, nghe, hiểu biết… mà tu Chỉ-Quán, ấy là người chân thật tu theo Đại thừa” (12). Nếu công phu được đắc lực thì ngay khi ngủ tâm vẫn dụng công.
– Đã dụng công trong đi, đứng, nằm, ngồi thì mọi sinh hoạt trở nên kỹ càng, chậm rãi. Quán tâm thì không hướng ngoại quán trần, đó là bối trần hợp giác. Nếu thấy khởi niệm và nảy sinh thị phi thì biết đã mất tâm theo cảnh, là bối giác hợp trần.
– Chân thể thanh tịnh thì không động, do bất giác tâm động mà có thân căn và thế giới. Gốc vốn không động nhưng hình thành nên thân tâm hiện nay lại nhờ động, nên động là thứ gần như ai cũng sở hữu và quen thuộc hơn tịnh. Quen thuộc thì những hoạt động mang tính động sẽ phù hợp với mình hơn là những hoạt động mang tính tịnh. Tọa thiền hay tu Chỉ chính là phương tiện giúp mình lìa động nhập tịnh. Song kẻ sơ cơ, không phải muốn là đã có thể tọa thiền cả ngày. Thân sẽ sinh bệnh, tâm sẽ sinh chướng. Vì thế cần có những pháp hỗ trợ như kinh hành, đi bộ, yoga, hay các lao tác công quả nhẹ nhàng vừa phải để điều hòa, giữ tâm. Không cấp bách, ồn náo.
Thời tôi bắt đầu tu tập, yoga không có, nên tôi không dùng yoga vào thiền. Hiện tại, khi hướng dẫn một số em, tôi thấy tịnh hóa thân tâm không phải là việc dễ dàng với người quen động. Tập yoga là phương tiện khá hay giúp các em biết cách thở bụng. Tập trung tâm ý vào các động tác cũng giúp các em thực hành chánh niệm dễ hơn. Yoga giúp thở bụng, giúp tập trung tâm ý nhưng không phải ngồi một chỗ như tọa thiền, nên có thể coi nó là cầu nối giữa việc quá động và tịnh hóa dần thân tâm. Cũng giúp các em giữ được sức khỏe, thân thể dẻo dai, bền bỉ. Đương nhiên, chỉ nên dừng ở phần yoga giúp chúng ta tịnh hóa thân tâm, những gì xa hơn, không nên đụng tới.
– Lao động là việc không thể thiếu với người tu thiền, vì nó giúp giải tỏa bớt nghiệp động, nhưng không nên lao động quá mức. Cũng không nên chuyên tâm vào nó quá nhiều. Bởi quá mức thì thân tâm trở nên mệt mỏi, không còn sức để tọa thiền.Chuyên tâm vào nó quá nhiều, sẽ lơ đễnh các việc khác. Đó là quy luật tất nhiên. Chú tâm vào cái gì thì những cái khác sẽ bị bỏ mặc. Cho nên, chính và phụ cần phân minh rõ ràng. Không thì cứ theo thói đời mà đi, quanh năm chỉ loay hoay trong mấy việc làm sao ăn cho ngon, lao động sao cho đạt thành tích, và… ngủ nghỉ cho qua một kiếp người.
Chú thích:
(1) Trương Trừng Cơ, Thiền đạo tu tập (Pháp ngữ của Đại sư Hám Sơn), Như Hạnh biên dịch.
(2) Đốn ngộ tuy đồng Phật/ Đa sanh tập khí thâm/ Phong đình ba thượng dũng/ Lý niệm hiện du xâm.
(3) Trương Trừng Cơ, Thiền đạo tu tập (Pháp ngữ của Đại sư Hám Sơn), Như Hạnh biên dịch.
(4) Sđd.
(5) Đại sư Hám Sơn. Đại thừa khởi tín luận trực giải.
(6) HT.Thanh Từ. Nguồn thiền.
(7) HT.Thanh Từ. Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lực giảng giải.
(8) Kinh Trung bộ tập. HT.Minh Châu dịch.
(9) Kinh Pháp bảo đàn. HT.Thanh Từ dịch và giải.
(10) Đại sư Trí Khải. Thiền căn bản. HT.Thanh Từ dịch.
(11) Phần sau, Đại sư Trí Khải nói “Khi mới tập ngồi thiền, tuy dùng phương pháp thể chân chỉ mà vọng niệm không dứt, phải quán lại chỗ khởi của tâm…”, thì phải hiểu cái gọi là “mới tập ngồi thiền” này, chỉ là tướng ở hiện đời, túc căn đời trước đã sâu dày, mới có thể dùng Trí duyên khởi mà phá dòng tương tục, vì tương tục hiện đời chỉ do nguyện lực mà có, nên mới đủ lực dùng Thể chân chỉ để dừng tâm.
(12) Đại sư Trí Khải. Thiền căn bản. HT.Thanh Từ dịch
Chân Hiền Tâm