“Bát chánh đạo” với vạn vật thiên nhiên
Chơn lý của vạn hữu cũng y thế nên chúng ta khỏi phải lo sợ rằng: vạn vật chúng sanh, hay tứ đại địa cầu, quá đông quá nặng. Chỉ có điều cần là chúng ta ráng giữ mình, làm sao cho cái ta nào đó, được thường bền yên vui, đứng nghỉ, có mãi, nơi một cảnh giới là khỏe hơn.
Điều ấy tức là giải thoát hay đạo, là con đường của chúng ta vậy. Con đường ấy cũng sẵn có trong trần, chỉ có điều là ta chịu nhận xét quan tâm tất sẽ thấy ngay rõ rệt:
1. Trong nước có sở kiến, là sự thấy.
2. Trong đất có tư duy, là thức sống hay cái biết đang cử động.
3. Trong cỏ có ngữ, là lời nói do sự rung khua.
4. Trong cây có nghiệp là trái hột của cải.
5. Trong thú có mạng sống, là tư tưởng (sống lâu mau tự nó tìm ăn).
6. Trong người có tinh tấn, là hành vi tiến hóa.
7. Trong Trời có niệm, là sự ghi nhớ điều lành, nên được vui thanh nhẹ.
8. Trong Phật có định, là sự đứng ngừng yên lặng, cái sống mới vững vàng.
Trong bài học thứ hai, Tổ sư đã cho chúng ta thấy khi mình là đệ tử Phật thì dù xuất gia hay tại gia, một khi đã quyết tâm tu học thật sự rồi thì nhất định con đường thân chứng đạo quả chỉ là vấn đề thời gian mau hay chậm. Tất cả do ta quyết định; tinh tấn quyết liệt thì mau, rề rà do dự thì lâu. Có điều, khi đã ngộ đạo, đã thân chứng rồi thì giữa mình với vạn vật thiên nhiên xung quanh không còn có sự cách biệt, không có sự sai khác, không còn xa lạ. “Cái sống là phải sống chung / Cái biết là phải học chung / Cái linh là phải tu chung”. Vô cùng kỳ diệu, một khi ta đã thân chứng rồi thì không còn “nhân, ngã, bỉ, thử”; không còn ích kỷ, tự ngã, tự ái tư riêng; không còn tham sống sợ chết… mà luôn luôn biết chia sẻ, hòa điệu với cuộc sống, với thiên nhiên xung quanh. Ta, vạn vật và chúng sanh như là một.
Hoà thượng Giác Toàn