Giải thích ý nghĩa của câu “cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”

Hỏi: Xin Thầy giải thích giúp con câu “cái duyên cái số nó vồ lấy nhau”. Con xin cảm ơn.

Đáp: Trong văn học, có những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, các tác phẩm văn học như “Truyện Kiều”,… rất đúng với tinh thần Phật Pháp, mang tuệ giác của đạo Phật.

Ông bà xưa có những câu nói tuy bình dị nhưng rất là sâu, ví như câu:

“Sống xởi lởi trời cởi ra cho, sống so đo trời co ro lại”.

Ý nói “sống rộng lượng, hy sinh, thiệt thòi, chịu làm phước chút đi con, rồi sẽ có cái phước bù đắp cho, không sao hết”.

Hay là thấy một người cứ ăn chơi, không lo tu tập, ông bà nói “ráng nha con, tu là cội phúc đó con”. Nghe quá đúng với tinh thần đạo Phật.

Câu “Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau” không phải của đạo Phật. Câu này vừa mang ý nghĩa Phật Pháp, nhưng cũng vừa dễ gây ra hiểu lầm.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Câu này được hiểu theo tinh thần nhà Phật: là có nhân duyên để đưa người với người gặp nhau, đến với nhau. Hai người mà họ đã từng có duyên với nhau từ quá khứ rồi, tự nhiên gặp lại, họ “vồ” lấy nhau, thân thiết, quý mến nhau. Đây là nói rộng theo nghiệp duyên.

Như hai người đã từng làm bạn với nhau rồi, tự nhiên kiếp này gặp lại họ thân thiết với nhau luôn. Hay vợ chồng, mấy tỉ người trên thế giới, bao nhiêu người mình không thương, mà mình đi thương người đó, bị thu hút bởi người đó.

Và một trong những tình nghĩa đẹp nhất cuộc đời, đó chính là những người bạn đồng tu với mình. Trong quá khứ, ta đã từng quỳ dưới chân Đức Phật, phát nguyện tu tập rồi, nên nhờ duyên xưa giờ gặp lại, mình cùng làm đệ tử Phật. Đẹp lắm quý Phật tử!

Nhưng câu nói gây ra hiểu lầm chỗ này. Không phải gặp nhau là do có duyên nợ trong quá khứ, mà đó chỉ là cảm xúc nhất thời thôi. Không phải gặp nhau “Tôi quý anh quá”, “Tôi quý chị quá” là cái duyên đâu. Mình quý người đó quá, mà sao người đó không quý mình, mình với người đó có duyên mà ta? Chưa chắc đâu. Chưa chắc mình với người đó có duyên. Đôi lúc mình gặp người đó một hai lần thôi, khi đó cảm xúc mình dành cho người đó chỉ nhất thời thôi.

Cũng như câu “ruộng ai thì nấy đắp bờ, duyên ai nấy hưởng đợi chờ làm chi”, nếu hai người thật sự có duyên với nhau, thì đi vòng quanh Trái Đất rồi cũng gặp nhau. Phải nói thêm câu này: “Ghét của nào thì trời trao của đó”, có duyên với người nào rồi loay hoay thì ông trời cũng dẫn gặp lại, ông trời ở đây là nhân duyên dẫn lại để gặp nhau, chứ ông trời không phải là bàn tay sắp đặt, sắp xếp mọi chuyện, tất cả là do nhân quả, nghiệp duyên.

Như vậy, ở câu này ý muốn nói về hai người nào đó có duyên nợ trong quá khứ rồi, đời này gặp lại dính chặt vô nhau, kết duyên lại với nhau ở trên danh nghĩa là bạn bè, có khi vợ chồng, có khi là những mối quan hệ trong cuộc sống, nếu có duyên rồi tự nhiên nó dẫn mình lại đến với nhau. Nhưng không phải tất cả cái duyên nào đến cũng là duyên nợ trong quá khứ hết, có thể nó là một cảm xúc, hoặc duyên nào đó nhất thời khi mới gặp thôi.

Thầy Thích Thiện Tuệ trả lời