8 cách để người khác tôn trọng mình
Có nhiều người, cho dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không có được sự tôn trọng của mọi người. Điều ấy khiến họ rất khổ tâm. Sau khi đọc bài viết này, quý bạn đọc sẽ biết lý do mình bị người khác coi thường và 8 cách cần áp dụng ngay để được người khác tôn trọng.
Tại sao bị mọi người khinh chê, coi thường?
Trong kinh Đức Phật dạy, những người đời nay bị mọi người coi thường, khinh thường là do các nhân gây ra từ đời trước, cụ thể:
Thứ nhất là những người đời trước thường hay kiêu mạn, khinh chê người thì kiếp này sẽ bị thấp lùn, đặc biệt là dễ bị người khác coi thường.
Thứ hai là những người thường hay phỉ báng, chê bai các bậc có đức, bậc chân tu, những người tụng kinh, lễ Phật, kính quý Tam Bảo,… Ví như chúng ta thấy hội chúng đang học Pháp mà mình khởi tâm, chê bai thì kiếp sau cũng sẽ bị người khác khinh chê.
Thứ ba, những người kiếp trước gieo nhân bất thiện, vô đạo đức: tà dâm, loạn luân, dối láo, trộm cắp, nghiện ngập, xu nịnh, bê tha… Tất cả những nhân bất thiện ấy đều khiến chúng ta mắc quả báo thấp hèn, bị người khác khinh chê, sinh ra chỗ nghèo hèn, ở địa vị thấp kém…
8 cách để người khác tôn trọng mình
Khi chúng ta bị mọi người khinh chê, coi thường thì chúng ta phải biết, đức tu, đạo đức của bản thân còn yếu; vậy nên cần phải tu tập để nhận được sự yêu thương, tôn trọng từ người khác.
1. Nhẫn nhịn, nhu hòa
Chúng ta nên cố gắng nhu hòa, nhẫn nhịn; bởi đó là điều rất đáng quý, giúp chúng ta có thể tiêu nghiệp bị người khác khinh thường, dễ dàng có được thành công, có cuộc sống yên ổn, thanh thản và được mọi người yêu quý.
2. Cung kính và có tín tâm
Chúng ta biết cung kính, trân trọng người khác thì sẽ nhận lại sự đền đáp xứng đáng. Còn ngược lại, nếu chúng ta coi trời bằng vung, không coi ai ra gì thì sẽ bị người khác khinh thường.
Những người có tín tâm trong cuộc sống cũng như trong đạo rất đáng quý, đặc biệt là những người có đức tin lành mạnh sẽ giúp họ sống tốt và giữ mình hơn. Còn những người không có niềm tin hay vô Thần, vô Thánh… thì rất đáng nguy, bởi họ sẽ không sợ ai, cái gì cũng dám làm.
3. Mau mắn và ít nói
Mau mắn tức là nhiệt tình, sốt sắng; không uể oải, lững thững, làm việc cho có. Trong cùng một công việc, những người làm với tinh thần nhiệt tình, hăng hái, sôi nổi, thì phước báu lớn hơn rất nhiều. Còn những người làm cho có, lờ đờ, không hăng hái thì phước báu nhận được sẽ rất ít.
4. Lời nói đi đôi với việc làm
Những ai thường lời nói đi đôi với việc làm thì chắc chắn sẽ được mọi người kính trọng, có uy tín, yêu mến. Chúng ta muốn làm người tử tế, đứng đắn thì phải quân tử nhất ngôn.
Chúng ta đã hứa thì phải cố làm cho bằng được, nếu không làm được thì đừng hứa. Người có chí là người kiệm lời hứa, không hứa bừa bãi, vì sợ hứa nhưng nhiều khi không làm được thành ra thất hứa, mất uy tín.
5. Đối với bạn – càng lâu càng thâm hậu, sắt son
Chúng ta sống lâu với bạn bè thì càng ngày càng phải thâm hậu, sắt son, sâu đậm. Để giữ được điều này thì phải là những người có tu tập, rèn luyện. Còn nếu không tu thì chỉ vì một chút chuyện nhỏ, lợi ích sẽ sinh ra mâu thuẫn.
Trong mối quan hệ bạn bè, chúng ta nên biết chọn bạn để chơi, giúp cả hai cùng tiến bộ thì sẽ xây dựng được tình bạn thâm hậu.
6. Tu tập, nghe học Phật Pháp
Chúng ta nên học Pháp, thành tâm sám hối tội lỗi đã gây từ các kiếp trước như chê bai Tam bảo, phỉ báng bậc chân tu, bậc có đức, coi thường người khác; hoặc đã dối gạt, làm những việc phi pháp, phi đạo khiến nay bị mọi người khinh thường.
7. Phát nguyện quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới
Đây là điều rất quan trọng để tăng trưởng phúc báu, thiện căn, giúp chúng ta có được đức khiến người khác tôn trọng.
8. Thực tập oai nghi
Những người có phép tắc, oai nghi thì được mọi người kính nể. Còn ngược lại, người vô phép tắc, vô oai nghi thì bị người khác không tôn trọng.