Tại sao phải lạy Phật?
Lạy Phật không vì van xin tha tội, không vì cầu mong ban ân, chỉ vì quí kính một đấng lòng từ bi tràn trề, trí giác ngộ viên mãn. Vì quí kính công đức trí tuệ của Phật nên chúng ta lạy Ngài. Lạy Phật để thấy mình còn thấp thỏi ti tiện, bỏ hết những thói ngạo mạn cống cao.
Quí kính gương cao cả của Phật để mình noi theo.
Phước đức lạy Phật là tại chỗ đó.
Lễ Phật vì dẹp ngã mạn.
– Bản chất con người chúng ta lúc nào cũng tự cao tự đắc, vênh váo nghênh ngang.
Ðó là tánh xấu khiến mọi người chán ghét, tiêu mòn công đức.
Phật tử biết được cái dở này, kính lạy Phật, Bồ-tát, các bậc tôn túc, để diệt trừ tâm ngã mạn của mình.
Kính lạy các ngài là tự mình thấy không bì kịp các ngài, biết mình thấp thì tánh ngạo mạn từ từ biến mất.
Bởi đứa ăn trộm thì phục kẻ ăn trộm giỏi, chàng võ sĩ thì nể tay vô địch.
Kính trọng Phật, Bồ-tát, các bậc tôn túc tự nhiên chúng ta có dự phần trong ấy rồi.
Quả như câu nói “kính thầy mới được làm thầy”.
Chúng ta muốn dẹp bỏ những tánh xấu, tập tành đức hạnh, kính lễ những bậc đức hạnh là điều cần thiết vậy.
Niệm Phật, lạy Phật vừa tiêu trừ được nghiệp chướng vừa có lợi cho sức khỏe
Lễ Phật vì noi gương.
– Kính lạy Phật, chính vì chúng ta muốn học đòi noi theo gương của Ngài. Tại sao chúng ta phải học đòi theo gương đức Phật?
Bởi vì, Phật đã đầy đủ mọi công đức, trí tuệ từ bi viên mãn, nên chúng ta phải học theo.
Một hôm, đức Phật một mình mang bình bát vào thôn xóm khất thực, bỗng có một người ngoại đạo biết Ngài và biết rõ Phật đi đến đâu ắt đệ tử của chúng đều bỏ đạo qui kính Phật.
Nổi tức, ông đi theo sau lưng Phật mạ lỵ đủ điều, Phật vẫn chậm rãi tiến bước đều đều không một lời đối đáp.
Ðến đầu đường, ông ta chạy đón trước mặt Phật, chặn lại hỏi:
– Cù-đàm thua ta chưa?
Phật ung dung trải tọa cụ xuống đất, ngồi kiết già đọc bài kệ:
” Kẻ hơn thì thêm oán
Người thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ. ”
— (Kinh Trung A-hàm)
Ngoại đạo hối lỗi ăn năn lễ tạ.
Thử hỏi hành động này của đức Phật, chúng ta có ai dám tự hào cho mình làm được.
Nếu đem danh vọng giá trị so sánh, đức Phật là một vị giáo chủ trong tôn giáo, một vị Thái tử ở thế gian, chúng ta hiện nay là một tín đồ trong tôn giáo, một kẻ tay trắng ở thế gian, đức Phật bị mạ lỵ mà không tức giận, chúng ta bị mạ lỵ có tức giận chăng?
Huống là, bị mạ lỵ chúng ta liền nổi giận ầm ầm.
Nhìn lại đức Phật thử xem chúng ta cách Ngài bao xa?
Thế thì lạy Ngài bao nhiêu mới xứng đáng trong việc noi gương theo Ngài?
Ðến như tâm từ bi, trí giác ngộ của Phật, sánh với chúng ta thật là trời cao vực thẳm.
Ðời đời kính lễ Ngài, cũng là cái hãnh diện của chúng ta, biết kính người đáng kính.
Thế mà, có một ít người thấy chúng ta lạy Phật, họ tỏ vẻ ngạo nghễ.
Hãy nghe câu chuyện đối đáp này:
Một em gái đi chùa lễ Phật, lễ xong em vừa ra đến sân chùa, gặp một quân nhân đứng ngắm cảnh.
Thấy em, quân nhân liền hỏi:
– Em đi đâu thế?
Bé gái đáp:
– Em đi chùa lễ Phật.
Quân nhân hỏi:
– Tượng Phật bằng gỗ bằng xi măng, em lễ cái gì?
Bé gái hỏi lại:
– Ở doanh trại anh mỗi sáng có chào cờ không?
Quân nhân đáp:
– Sáng nào cũng chào cờ.
Bé gái hỏi:
– Cờ bằng vải bằng màu, tại sao phải nghiêm trang chào?
Quân nhân đáp:
– Chào tinh thần Tổ quốc được tượng trưng qua lá cờ, chớ không phải chào vải màu.
Bé gái nói:
– Cũng thế, em lạy tinh thần từ bi giác ngộ của Phật được tượng trưng qua hình tượng chớ không phải lạy gỗ lạy xi măng.
Quân nhân đành thôi.
Chọn một hành động có ý nghĩa là con người tỉnh sáng.
Khi đã nhận định kỹ việc làm của mình, dù có bị chê khen, chúng ta vẫn an ổn thực hành.
Ði chùa lạy Phật đã mang sẵn những ý nghĩa của nó, dù có ai chê là mê tín…, ta vẫn an nhiên.
Ðạo đức có hay không, do lòng ta biết kính trọng người đạo đức hay không.
Do lòng kính trọng mới thúc đẩy chúng ta học đòi và bắt chước theo người đức hạnh.
Lạy Phật là động cơ đẩy mạnh chúng ta tiến mãi trên đường giác ngộ.
HT. Thích Thanh Từ