Ý nghĩa thật sự của câu nói “ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”
Câu này không phải Phật nói mà do ông bà ta ngày xưa nói ra, câu nói này nếu nghe không khéo sẽ dễ gây ra mâu thuẫn với những câu nói khác, ví như câu: Khi mình tu thì mình phải nương nhờ Thầy, nhờ bạn mình mới tu được.
Nếu trong cuộc sống, khi quý Phật tử gặp những người làm sai, khi đó, một là hãy giúp họ quay đầu, giúp họ nhận ra sai lầm là tốt, còn hai là giả dụ không giúp được thì cũng đừng trở thành như họ vì mỗi người chúng ta có nghiệp khác nhau. Ngoài ra ông bà còn muốn nói chúng ta đừng lo chuyện bên ngoài (tào lao) nhiều quá, ai làm thì người nấy hưởng, mình tu thì mình được hưởng và hãy yên tâm vì không ai ăn cắp được điều đó cả, ví như phước của Thầy quý vị cũng không thể nào lấy được và ngược lại. Cho nên mình hãy tranh thủ thường xuyên tu tập, tạo phước, ông bà muốn nhắc nhở mỗi người hãy tự nỗ lực lên.
Quý vị hãy nghiệm lại mấy chục năm qua, tuy mình đã sống, có thể mình có chồng, có vợ, có con cháu nhưng nhiều lúc có phải quý vị cảm thấy mình rất cô độc và cô đơn lắm, phải không? Có những lúc tuy ngồi cạnh chồng, cạnh vợ hoặc cạnh con cháu đông vậy đấy nhưng vẫn thấy trong lòng cô đơn lắm, trong lòng mình cứ thấy trống trải lắm và ai cũng có một khoảng trời riêng cô đơn cả, nhất là những khi ta ở một mình, khi đó ta cảm thấy mình không có một điểm tựa, cảm thấy mình không được an lạc trong tâm hồn. Vì thế, hãy tập cho bản thân mình, cho con cháu và cho cả những người mình thương có thể sống được một mình. Sống một mình là như thế nào?
Là tập không sống cùng với phiền não, với khổ đau, với giận hờn tức tối cả với đố kị, lo lắng trong tâm khởi lên, là hãy thương yêu bản thân mình bằng cách tu học để chuyển hóa được những điều đó. Rồi đến một lúc nào đó mình sẽ cô đơn cô độc hơn nữa là ngày mình chuẩn bị ra đi trong cuộc đời, cũng một mình mình đi trong cõi luân hồi mà không một ai có thể giúp được mình cả, khi đó cái song hành cùng mình là những điều thiện, điều ác, điều tội phước mà mình gây ra. Ai tu nấy chứng như muốn nhấn mạnh những điều mình làm, làm phước thì hưởng phước và ngược lại, không thể đổ thừa hoặc bắt ai gánh dùm mình.