Người “bạn” già
Trong cuộc sống, khi chúng ta biết tôn trọng những điều tưởng như bình thường, giản dị cũng là lúc ta tự tạo cơ hội cho mình tiếp cận và trải nghiệm những điều tốt đẹp bất ngờ.
Một buổi chiều ngày đầu năm tại ngôi tịnh xá yên bình quen thuộc, nơi tôi trưởng thành với niềm tin tâm linh cùng những bài học đạo lý, và cũng là nơi cho tôi quá nhiều điều thú vị. Những chậu cúc vàng, những chiếc đèn lồng đỏ được trang trí trong khuôn viên tịnh xá khiến lòng người vẫn nôn nao không khí mùa xuân pha lẫn cảm giác êm ả, nhẹ nhàng, tĩnh lặng nơi chốn thiền môn. Sân chùa lác đác vài người ra vào làm công quả và một số người bán hàng rong, chạy xe ôm thường hay tụ họp và nghỉ ngơi nơi dưới tán cây che bóng mát.
Tôi cùng cô bạn thân đang hàn huyên nơi chiếc ghế đá quen thuộc dưới gốc cây Sa la ở sân tịnh xá thì chợt nghe thấy có tiếng gọi từ ghế đá bên cạnh: “Cháu ơi, ra ông nhờ cái này”. Vốn đa nghi nên tôi lưỡng lự, rồi cô bạn giục: “Chị cứ ra thử xem sao”. Người nhờ vả tôi – một ông già ngồi cạnh chiếc xe lăn, tay cầm cuốn sổ và cây bút: “Cháu viết to cái số điện thoại của chú xe ôm ra hộ ông”. Tôi nhận cuốn sổ và cây bút, ông nhắc lại: “Clearer and bigger letters”. Tôi ngạc nhiên và đáp: “Ok, bigger figures” Ông già vội hỏi lại tôi “You canspeak English, can’t you”? …
Và thế là cuộc trò chuyện giữa ông và hai chúng tôi bắt đầu. Sự đồng cảm đã xóa bỏ khoảng cách tuổi tác. Một người “bạn” già với hai cô gái trẻ trò chuyện về quan niệm sống bằng Anh ngữ. Có những lúc chúng tôi ngơ ngác như hai cô học trò khi được dạy cách đọc vài từ vựng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha. Ông nói tiếng Anh rất chuẩn, còn đọc tặng chúng tôi bài thơ tiếng Pháp từ thời xưa khi cha ông dạy. Ông bảo cha ông là thầy dạy chữ Nho, biết cả Pháp văn. Còn ông ngày trước cũng là thầy giáo dạy tiếng Anh, Pháp, biết cả tiếng Tây Ban Nha. Gần nửa năm trước, lúc đi làm công quả ở tịnh xá về đến gần chợ Bà Chiểu thì bị tai nạn. Do có sẵn bệnh tiểu đường nên vết thương ở chân của ông vẫn sưng tấy, không trở lại bình thường được. Khi chúng tôi hỏi tại sao ông không đi đến các bệnh viện lớn để chữa cho dứt hẳn, nét mặt ông trầm buồn: “It costs a lot of money!”. Ông quê gốc Nam Định, không có vợ con ở Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có đứa cháu họ mà cũng nghèo lắm. Tôi cũng chỉ biết nghẹn ngào, vì bản thân trước những nghiệp chướng khổ đau của chính mình vẫn có những lúc mơ hồ, lặn lội một cách khó khăn để tìm kiếm lối thoát. Hoàn cảnh éo le của ông là thế, nhưng biết làm sao khi lực bất tòng tâm, chỉ có thể gạt sang những câu nói hài hước khác để xua tan không khí nặng nề. Tôi nhớ đến những câu hội thoại mình thường sử dụng, thông thường khi chia sẻ phong cách văn hóa phương Tây, họ sẽ hỏi đến sở thích, món ăn, du lịch,…Và tôi chuyển chủ đề, gương mặt ông cũng chuyển sắc, bộc lộ niềm vui mừng khi nghe chúng tôi chia sẻ rằng dù tuổi còn trẻ nhưng lại thích rủ nhau đi chùa thay vì cà phê, quán xá. Ông cũng chia sẻ, bản thân ông thì ngày nào cũng đến đây nương tựa Tam bảo, rồi chiều xuống lại ra trước tượng Bồ-tát Quan Thế Âm để trì chú, tụng kinh.
Dường như giữa những khó khăn cơ cực thì phước báu lớn nhất còn lại của ông là được sống trong ánh hào quang của Tam bảo, một nhân duyên quý báu mà nhiều người may mắn trong các khía cạnh khác của cuộc sống đôi khi vẫn chưa gặp được.
Giờ đây tôi nhận ra rằng: Trong cuộc sống, khi chúng ta biết tôn trọng và mở lòng với những điều tưởng như bình thường, giản dị cũng là lúc ta tự tạo cơ hội cho mình tiếp cận và trải nghiệm những điều tốt đẹp bất ngờ. Câu chuyện trong ngày đầu năm thú vị nhưng đầy xót xa mà tôi đã được trải nghiệm. Tôi xót xa, thẹn lòng cho thái độ của mình hôm trước đây, xót xa cho một phận đời tri thức phải sống bần hàn cơ cực!Cố gắng hít hơi thở thật sâu, tĩnh tâm lại – tôi nguyện cầu và tin tưởng với sự hộ trì của Tam bảo, và với suy nghĩ tích cực lẫn hiểu biết của bản thân ông sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua những chướng duyên trong cuộc độc hành về phía cuối hoàng hôn!
Viên Anh