Pháp môn trị đa dục
Nếu người đa dục dùng pháp môn Bất tịnh trị. Nếu người nhiều nóng giận dùng pháp môn Từ bi trị. Nếu người nhiều ngu si lấy pháp môn quán Nhân duyên trị. Nếu người nhiều lo nghĩ lấy pháp môn Niệm hơi thở trị. Nếu người đẳng phần (tham, sân, si đồng nhau) lấy pháp môn Niệm Phật trị.
Nếu người đa dục dùng pháp môn Bất tịnh trị.
Nếu người nhiều nóng giận dùng pháp môn Từ bi trị.
Nếu người nhiều ngu si lấy pháp môn quán Nhân duyên trị.
Nếu người nhiều lo nghĩ lấy pháp môn Niệm hơi thở trị.
Nếu người đẳng phần (tham, sân, si đồng nhau) lấy pháp môn Niệm Phật trị.
Bao nhiêu thứ bệnh có bấy nhiêu thứ pháp môn để trị.
Pháp môn trị đa dục
Người dâm dục nhiều nên tu quán bất tịnh.
Từ chân đến đầu đầy dẫy bất tịnh: tóc, lông, móng, răng, da mỏng, da dày, máu mủ, thịt, gân, mạch, xương, tủy, gan, phổi, tim, lá lách, dạ dày, ruột non, ruột già, phẩn, nước tiểu, nước mũi, nước miếng, mồ hôi, nước mắt, cứt ráy, đất, óc, bong bóng, mật đàm, bầy nhầy, mỡ, mỡ sa, màng óc.
Đó là ba mươi sáu vật bất tịnh trong thân.
Tham dục và tà kiến là gốc rễ của đấu tranh
Lại quán Bất tịnh có chín thứ theo thứ tự:
1. Quán thây mới chết bầm xanh.
2. Lần lần sình trương.
3. Kế nứt nẻ.
4. Máu chảy ra.
5. Rục rã.
6. Lầy thúi.
7. Dòi, thú đục, ăn.
8. Xương mục.
9. Thiêu rụi.
Đó là Cửu tưởng bất tịnh.
Người đa dục có bảy thứ yêu:
1. Yêu sắc đẹp.
2. Yêu dáng điệu.
3. Yêu dung mạo.
4. Yêu âm thanh.
5. Yêu bóng láng.
6. Yêu con người.
7. Tổng yêu.
Nếu yêu sắc đẹp nên tập quán thây chết bầm xanh, những sắc bất tịnh vàng, đỏ cũng như vậy.
Nếu yêu dáng điệu nên tập quán thây sình trương và nứt nẻ.
Nếu yêu âm thanh, tập quán người khi sắp chết, cổ nức lên và tắt thở.
Nếu yêu bóng láng nên tập quán bộ xương và người bệnh khô gầy. Nếu yêu con người nên tập quán cả sáu thứ trong chín thứ bất tịnh. Nếu tổng yêu nên quán cả chín thứ.
Hoặc khi quán các thứ này, lại khi quán các thứ khác, đều gọi là quán Bất tịnh.
Nếu thân bất tịnh như thây thúi lầy thì do đâu mà yêu? Nếu yêu thân trong sạch thì thân thúi lầy cũng vẫn yêu? Nếu không yêu thân thúi lầy thì thân trong sạch cũng không yêu, vì hai thân là một vậy.
Nếu tìm hai cái thật tịnh thì không thể có. Tâm người mê lầm bị sự điên đảo che đậy nên không phải tịnh chấp là tịnh, nếu phá dẹp tâm điên đảo thì được pháp quán thật tướng liền biết bất tịnh là hư dối không thật.
Lại nữa, thây chết không có hơi ấm, mạng sống, thần thức và các căn bế tắc, người nhận kỹ thì tâm không sanh yêu mến.
Thân sống có hơi ấm, mạng sống, thần thức các căn sáng sủa, nên tâm điên đảo mê lầm sanh yêu mến.
Khi tâm yêu sắc cho đó là tịnh, tâm yêu sắc dứt liền biết là bất tịnh. Nếu là thật tịnh thì phải thường tịnh, mà đây không phải thế. Như chó ăn phẩn cho là sạch, lấy con mắt người xem thì thấy rất dơ.
Nếu yêu dáng ngoài của thân, toàn thân da mỏng bao bọc, nếu nắm cắt một miếng bằng ngón tay ta sẽ thấy bày tướng bất tịnh, huống là cả ba mươi sáu vật nhơ nhớp trong thân.
Hơn nữa, xét ra nhân duyên tạo thành thân có bao nhiêu thứ bất tịnh.
Trước tiên do tinh huyết cha mẹ hợp thành là bất tịnh, thành thân rồi thường chảy ra các thứ bất tịnh, cho đến quần áo, mền chiếu cũng là bất tịnh, nếu đến khi chết thì sự bất tịnh không thể kể xiết.
Do đó nên biết sống, chết, trong, ngoài đều là bất tịnh.
Sau khi quán Bất tịnh thành công chuyển lên quán Tịnh.
Người tu Tịnh quán có ba hạng: mới tập, đang tập, tập đã lâu.
Nếu người mới tập (người trước chưa phát tâm kiên cố) phải dạy rằng: Tưởng lột toác da ra trừ dẹp hết máu, thịt v.v… các thứ bất tịnh, quán bộ xương người đỏ. Buộc ý quán tưởng không cho nghĩ gì khác, có nghĩ khác phải lôi trở về.
Nếu người đang tập (người tập hành đôi ba năm) nên dạy: Tưởng toác da thịt quán xương đầu, không cho nghĩ gì khác, có nghĩ khác phải lôi trở về.
Nếu người tập hành đã lâu (người đã tu tập trải qua mấy mươi năm) nên dạy: Tưởng dẹp hết da, thịt, buộc ý năm chỗ: đỉnh đầu, trán, giữa chân mày, chót mũi, ngay quả tim.
Thường xem xét tâm nó chạy đi phải lôi lại. Nếu tâm mệt mỏi sẽ dừng lại chỗ buộc duyên, không chạy ra ngoài nữa, như con khỉ bị xiềng bên cây cột, nhảy nhót mệt rồi sẽ nằm lại bên cây cột.
Chỗ buộc tâm duyên như cây cột, ý niệm chăm chú như sợi dây, tâm như con khỉ. Lại như bà mẹ chăm giữ đứa con còn bú, không để nó rơi té.
Hành giả quán tâm cũng như thế, lần lần chế phục được tâm, bắt nó ở một chỗ.
Nếu tâm trụ được lâu đó là hợp pháp thiền.
Nếu được thiền định thì phát ba tướng:
1. Thân thể vui vẻ nhẹ nhàng mềm dịu.
2. Xương trắng phát ra ánh sáng trong như ngọc.
3. Tâm dừng lặng.
Đó là tướng Tịnh quán.
Khi ấy, được tâm hợp với Sắc giới.
Ấy là người mới học pháp thiền được tâm khế hợp Sắc giới.
Tâm hợp với pháp thiền tức pháp Sắc giới.
Tâm được pháp này mà thân còn ở Dục giới vẫn được ba tướng:
1. Tuy tứ đại thô mà được vui vẻ mềm dịu, hình chất trong sạch, tươi nhuần, bóng láng, điều hòa. Ấy gọi là tướng vui vẻ.
2. Hành giả nội quán thấy tướng xương trắng phát ánh sáng khắp chiếu, sắc nó trắng trong.
3. Tâm trụ một chỗ.
Như thế gọi là Tịnh quán. Trừ thịt quán xương gọi là Tịnh quán.
HT. Thích Thanh Từ